Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng thể hiện rõ vai trò là một công cụ đắc lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và là nội dung được đề cập trong hầu hết các thỏa thuận về hợp tác kinh tế đa phương hoặc song phương. Hệ thống SHTT đã, đang và sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động đổi mới, sáng tạo để góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cho biết như trên tại buổi họp báo nhân chuyến thăm và làm việc với Bộ KH&CN của Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry diễn ra sáng nay 22/03 tại Hà Nội.
PV: Chuyến thăm của lãnh đạo WIPO tới Việt Nam được xem là một dấu mốc lớn. Bộ KH&CN kỳ vọng gì sau chuyến thăm này của lãnh đạo WIPO, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Đây là lần thứ hai, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry tới thăm Việt Nam kể từ năm 2010. Chuyến thăm lần thứ nhất của Tổng Giám đốc WIPO đã chứng tỏ sự quan tâm của WIPO tới hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam, thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa WIPO và Việt Nam.
Sau 7 năm, chúng ta lại được tiếp đón Ngài Tổng Giám đốc lần thứ hai. Sự hiện diện của nhà lãnh đạo WIPO đã cho thấy WIPO rất quan tâm đến sự phát triển của hệ thống SHTT của Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại châu Á. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với WIPO đồng thời tranh thủ sự trợ giúp của WIPO trong các vấn đề về SHTT. Chuyến thăm lần này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh lĩnh vực SHTT trong thời gian tới, để SHTT thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chúng tôi hi vọng rằng sau chuyến thăm này, đặc biệt là khi tận mắt chứng kiến những thay đổi, đổi mới của hệ thống SHTT Việt Nam, những thành quả được tạo ra từ hệ thống đổi mới, bảo hộ quyền SHTT thì cá nhân Ngài Tổng Giám đốc cũng như WIPO sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, giúp đỡ cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống SHTT, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT sao cho SHTT thực sự là công cụ để giúp Việt Nam phát triển.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, trong những năm qua, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc thúc đẩy hệ thống SHTT?
- Hàng năm, WIPO đều triển khai nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật dành cho Việt Nam theo hướng xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý SHTT, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về SHTT.
Cụ thể, về xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT, bước đầu WIPO hỗ trợ Việt Nam: xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT; gia nhập các điều ước quốc tế do WIPO quản lý như Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu, Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp;
Đối với, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý SHTT, WIPO hỗ Việt Nam triển khai Dự án “Số hóa tư liệu sáng chế” nhằm chuyển toàn bộ tư liệu sáng chế từ dạng giấy thành cơ sở dữ liệu điện tử, tạo thuận lợi cho việc tra cứu và sử dụng của công chúng; hỗ trợ truy cập và sử dụng các cơ sở dữ liệu do WIPO xây dựng như Patentscope, WIPO Case,...phục vụ công tác tra cứu, xử lý đơn…
Thời gian tới, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai một số Dự án như: xây dựng Chương trình quốc gia về SHTT; kiểm toán về nguồn lực và quản lý của cơ quan SHTT; IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Có thể nói, WIPO đã rất ưu ái và quan tâm đến hệ thống SHTT của Việt Nam.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, hệ thống SHTT đã, đang và sẽ phục vụ mục tiêu thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới ở nước ta như thế nào?
- Theo kết quả đánh giá của WIPO về chỉ số sáng tạo toàn cầu năm 2016, Việt Nam hiện xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Mặc dù, Việt Nam tụt vị trí tới 7 bậc so với năm 2015 nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm đầu ra của đổi mới sáng tạo (bao gồm sản phẩm của tri thức và công nghệ, và sản phẩm sáng tạo).
Tọa đàm về GII năm nay đã diễn ra đúng dịp cả thế giới đang trong không khí tôn vinh Ngày SHTT thế giới 26/4 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo – Cải thiện cuộc sống”.
Tôi cho rằng, hệ thống SHTT đã, đang và sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động đổi mới, sáng tạo để góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Bằng việc ghi nhận và bảo vệ quyền của những nhà sáng tạo, khuyến khích và tạo động lực cho họ tiếp tục đổi mới, sáng tạo; việc tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư cho hoạt động sáng tạo; việc tạo ra và duy trì một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin SHTT đa dạng, phong phú, hệ thống SHTT đã thể hiện vai trò là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới ở nước ta.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện tăng cường số lượng và chất lượng của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hỗ trợ xác lập và thực thi quyền SHTT (ảnh minh họa)
PV: Trong quá trình hội nhập quốc tế, vấn đề SHTT luôn được đưa lên bàn đàm phán. Tuy nhiên, thực tế thì nạn xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam vẫn xảy ra. Bộ KH&CN đã làm gì để hạn chế tình trạng trên, thưa Thứ trưởng?
- Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, SHTT ngày càng thể hiện rõ vai trò là một công cụ đắc lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và là nội dung được đề cập trong hầu hết các thỏa thuận về hợp tác kinh tế đa phương hoặc song phương.
Trong những năm vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, bao gồm việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi quyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn ra phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cụ thể:
Thứ nhất, các văn bản pháp luật về thực thi quyền SHTT đã được ban hành tương đối đầy đủ nhưng do liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau, nằm trong các văn bản pháp luật cấp độ khác nhau nên vẫn còn có sự chưa thống nhất. Khi sửa đổi, bổ sung một vấn đề thì cần phải có thời gian để các văn bản có liên quan điều chỉnh theo.
Thứ hai, cơ chế bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện và chưa phát huy đúng mức, thể hiện ở chỗ số lượng vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít , mà chủ yếu được giải quyết ở các cơ quan hành chính. Mặc dù, về hình thức các quy định pháp luật về thực thi quyền SHTT đã tương đối đầy đủ nhưng nhưng một số quy định mới chỉ dừng ở nguyên tắc chứ chưa đủ chi tiết, nên việc áp dụng còn nhiều vướng mắc.
Thứ ba, các tổ chức bảo đảm thực thi chưa thực sự đáp ứng về khía cạnh cấu trúc cũng như năng lực. Chúng ta tuy có nhiều cơ quan thực thi tương ứng với từng biện pháp thực thi nhưng mỗi cơ quan lại có chức năng và thẩm quyền khác nhau và độc lập với nhau. Trong quá trình thực thi quyền SHTT, các cơ quan này chưa có sự phối hợp hiệu quả. Thêm vào đó, do nhiều cơ quan thuộc nhiều cấp bậc cùng tham gia vào hoạt động thực thi quyền SHTT nhưng năng lực chuyên môn của các cán bộ trong hệ thống này chưa đồng đều nên không đáp ứng được yêu cầu công việc; rất ít cán bộ được đào tạo về lĩnh vực SHTT.
Thứ tư, hệ thống hỗ trợ thực thi quyền chưa đáp ứng nhu cầu: mạng lưới dịch vụ đại diện SHTT còn mỏng; chỉ có một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp ở Hà Nội với hai giám định viên thực sự hoạt động; dịch vụ cung cấp thông tin SHTT còn chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Thứ năm, hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ SHTT còn hạn chế: chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền SHTT: công chúng chưa coi việc sử dụng hàng xâm phạm quyền SHTT là điều không nên làm và đáng chê trách; các chủ thể quyền SHTT chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; năng lực của các cán bộ trong lực lượng thực thi quyền còn chưa đồng đều để đáp ứng với yêu cầu của công việc; các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chưa hiệu quả..
Thứ sáu, do ảnh hưởng từ mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế, thực tế không phải mọi loại hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT đều được sản xuất ở Việt Nam, mà một khối lượng hàng hóa loại đó được sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam theo nhiều đường, bằng nhiều cách để tiêu thụ.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT. Cụ thể là, chúng ta đang tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Luật SHTT, nghị định, thông tư hướng dẫn Luật để tiến tới sửa đổi toàn diện và mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường sự phối hợp cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực của các cơ quan trong hệ thống thực thi quyền SHTT. Cùng với đó là tạo điều kiện tăng cường số lượng và chất lượng của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hỗ trợ xác lập và thực thi quyền SHTT; thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ thực thi quyền. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương, địa phương, cho đến cơ quan thực thi, doanh nghiệp và người dân về bảo hộ quyền SHTT cần được đẩy mạnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin về SHTT, tiếp tục cải cách hệ thống thông tin SHTT với mục tiêu nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống.
Bảo Chi - Nhật Huy