Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Công thương, Công an, Giao thông vận tải có hiệu lực thi hành mới đây đã siết chặt hơn việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH).
Liệu những quy định mới này có giải quyết được tình trạng MBH kém chất lượng được bán và sử dụng tràn lan không? Nội dung cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với Báo Hànộimới phần nào giải đáp câu hỏi này.
- Xin ông cho biết những điểm khác biệt của Thông tư 06 so với các văn bản pháp luật trước đây về MBH?
- Trên thị trường hiện nay có ba loại MBH: hợp quy, đạt chất lượng; kém chất lượng (mũ không phù hợp quy chuẩn) và loại thứ ba là mũ giả. Thông tư 06 ra đời quy định cụ thể hơn về quản lý MBH từ sản xuất, nhập khẩu đến người kinh doanh. Việc quản lý theo chuỗi sản xuất kinh doanh như vậy sẽ hạn chế loại mũ kém chất lượng và đặc biệt là mũ giả mạo.
Điểm khác biệt của Thông tư 06 là yêu cầu người kinh doanh MBH phải có hồ sơ chất lượng kèm theo. Tức là phải có giấy chứng nhận hợp quy đúng với loại MBH đang được bán, phải có hợp đồng kinh doanh MBH với nơi sản xuất hoặc nhập khẩu và thông tin trên mũ đã được ghi đầy đủ. Các nhà sản xuất kinh doanh, nhập khẩu MBH phải có thông báo hồ sơ chứng nhận chất lượng sản phẩm MBH cho UBND phường, xã - nơi mình đăng ký kinh doanh.
- Ông có thể cho biết, làm thế nào để kiểm soát được dấu hợp quy (dấu CR) để nhận biết MBH đạt chuẩn đã được cơ quan chức năng chứng nhận và cho lưu thông trên thị trường ?
- Dấu hợp quy CR là dấu hiệu thể hiện rằng chất lượng MBH của nhà sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy chuẩn. Theo các quy định về quản lý chất lượng hiện nay, đã gọi là MBH thì phải được gắn dấu CR! Điều này có nghĩa là trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm MBH của mình phù hợp với quy chuẩn. Nếu MBH đã gắn dấu CR mà bị cơ quan chức năng phát hiện không phù hợp quy chuẩn thì sẽ bị xử lý nghiêm theo các chế tài đã quy định và trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất, kinh doanh những loại mũ này!
Tuy nhiên, gần đây, tình trạng MBH không được chứng nhận hợp quy vẫn gắn dấu CR cũng đã xảy ra. Chính vì vậy khi bị thanh tra, kiểm tra người bán hàng phải có sẵn hồ sơ chứng nhận hợp quy đến từng mẫu sản phẩm MBH, hợp đồng với các nhà sản xuất hay nhập khẩu được cấp phép. Nếu không xuất trình được hồ sơ chất lượng của MBH thì người bán sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp sản xuất ra mũ giả mạo MBH (mũ cho người đi bộ, mũ thời trang…) nhưng vẫn gắn dấu CR thì xử lý như thế nào?
- Đây là hiện tượng phức tạp đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Nhưng nay, khi Thông tư liên tịch 06 đã có hiệu lực, người nào mà sản xuất, kinh doanh mũ giả mạo MBH, mũ có hình dáng giống MBH mà không đủ 3 bộ phận, không thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy là vi phạm quy định. Nếu gắn dấu hợp quy CR lên những loại mũ như thế này thì lại càng vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Những ai phát hiện nơi sản xuất, kinh doanh những loại mũ này, hãy thông báo tới một trong những cơ quan Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở KH&CN địa phương, Công an xã, phường trên địa bàn, Chi cục Quản lý thị trường địa phương để được tiếp nhận thông tin và xử lý theo quy định.
- Vậy đơn vị nào hiện nay có quyền kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư 06, thưa ông?
- Cục quản lý chất lượng hàng hóa của thành phố; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố; Thanh tra Sở KH&CN có quyền kiểm tra chất lượng MBH trong sản xuất, còn kiểm tra trên thị trường thì có thêm đơn vị quản lý thị trường. Tuy nhiên, để Thông tư 06 phát huy tác dụng, quan trọng là, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành, trong đó đặc biệt là phía quản lý thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này để cùng giám sát.
- Xin cảm ơn ông!