Sau Hà Nội nồng độ phóng xạ tại Đà Lạt cũng giảm mạnh
Các công nhân vận hành máy móc điều khiển từ xa thu dọn các mảnh vụn trong nhà máy (Ảnh: Tepco)
Trong mẫu sol khí do Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đo tại Đà Lạt, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 với nồng độ rất thấp và có xu hướng giảm mạnh.
Các chuyên gia hạt nhân cho biết, tại Việt Nam trong mẫu nước mưa lấy ngày 15/4/2011, quan trắc thấy đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131 nhưng ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy không có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 17/4/2011 so với ngày 16/4/2011.
Từ ngày 15/4, TEPCO đã thả xuống vùng biển gần cổng lấy nước của nhà máy Fukushima I khoảng 1 tấn khoáng chất zeolite có khả năng hấp thụ chất phóng xạ như Cs-137.
Theo kế hoạch ban đầu, việc bơm khí ni-tơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1 được tạm dừng vào ngày 16/4. Nhưng hiện tại việc bơm khí sẽ được tiếp tục để duy trì mật độ khí ni-tơ cần thiết.
Ngày 14/4, mẫu nước biển lấy gần cống xả của nhà máy tiếp tục phát hiện thấy I-131 ở mức gấp 1600 lần giới hạn cho phép.
Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản cho biết nồng độ phóng xạ trong nước biển gần nhà máy Fukushima I không có sự thay đổi đột biến nào sau khi 10.393 tấn nước nhiễm phóng xạ thấp (ít hơn so với kế hoạch 1.100 tấn) được xả ra biển.
Suất liều gamma đo lúc 10:00 ngày 17/4 giờ Nhật Bản tại sân bay Narita là 0,115 µSv/h, tại sân bay Haneda là 0,083 µSv/h, tương đương giá trị phông tự nhiên.