Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 06:03 am
Cập nhật : 16/04/2019 , 10:04(GMT +7)
Sắp xếp các trường đại học công lập hoạt động không hiệu quả: Không phải “kém thì xóa”
Việt Nam hiện có 171 trường công lập trong tổng số 235 trường đại học. Trong ảnh: Sinh viên ĐH Bách
Thời gian tới, các trường đại học hoạt động không hiệu quả sẽ được sắp xếp lại theo tinh thần của Nghị quyết số 19 về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.
Để cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học thực tiễn và phương pháp, phương án cho việc sắp xếp này, một nghiên cứu thuộc chương trình KH&CN quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã được tiến hành và đang trong quá trình hoàn thiện.

Việt Nam hiện có 171 trường công lập trong tổng số 235 trường đại học. Trong ảnh: Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trong cuộc thi “Thiết kế và đua tàu mô hình lần thứ 3 Shipcom 2016” tại trường. Ảnh: nguoiduatin.vn
 
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm đề tài “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” cho biết, ông và các cộng sự đã thu thập những dữ liệu quan trọng về nhiều mặt hoạt động của 217/235 trường, cả công lập và tư thục. Qua đó, có thể thấy, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học đã có những nỗ lực đổi mới, đặc biệt một số cơ sở có bứt phá trong các xếp hạng quốc tế; tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều trường thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, chất lượng và hiệu quả hoạt động kém.

“Số lượng trường ở Việt Nam có thể nói là chưa lớn so với số dân nhưng trong đó khá nhiều trường có quy mô nhỏ (dưới 5 nghìn sinh viên) hoặc rất nhỏ (dưới 2 nghìn sinh viên) hoạt động không hiệu quả. Đây là hệ quả của giai đoạn số lượng trường tăng nhanh trong khi nguồn lực (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên) không tăng kịp”, PGS Sơn nhận xét. Và đáng nói nữa là nhiều trường ở vào thế “bất lợi” do chỉ đào tạo đơn lĩnh vực, “không có được sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành để phát triển bền vững như ở các trường đa lĩnh vực”.

Cũng dựa trên những dữ liệu thu thập được, nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí phân loại, đánh giá chất lượng, hiệu quả các trường từ các góc độ: Điều kiện đảm bảo chất lượng (bao gồm cơ sở vật chất, tài chính và con người); Chất lượng, hiệu quả đào tạo; Nghiên cứu; Hợp tác kết nối cộng đồng (bao gồm đóng góp cho xã hội, hợp tác quốc tế); và Năng lực quản trị. Theo đó, các trường được phân thành 4 mức: Không đạt; Đạt tối thiểu; Đạt khá; Đạt cao.

Nghiên cứu đề xuất, các trường không đạt chuẩn tối thiểu sẽ cùng cơ quan chủ quản xây dựng đề án và chọn phương án sắp xếp, tái cấu trúc để cải thiện hoạt động, “chứ không phải hễ không đạt thì sáp nhập hay giải thể ngay”. Thứ nhất, đề án có thể đưa ra cam kết cùng mục tiêu, giải pháp cụ thể, chẳng hạn bằng cách nào cải thiện được các chỉ số về chất lượng, hiệu quả trong 2-3 năm tới. Thứ hai, các trường có thể chọn sáp nhập với một cơ sở mạnh hơn “để được hỗ trợ về đội ngũ giảng viên, tài chính, năng lực quản trị và cả thương hiệu, trên cơ sở hai bên cùng có lợi”. Thứ ba, một - hai hay nhiều trường hợp nhất thành một trường mới, cũng trên cơ sở tận dụng thế mạnh của nhau để khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực. Cuối cùng, các trường có thể chọn giải thể hoặc chuyển đổi thành một cơ sở giáo dục khác, dạy nghề hoặc giáo dục thường xuyên...

“Chúng ta hay nghĩ sắp xếp lại là sáp nhập, hợp nhất, giải thể, là giảm bớt số trường. Giảm số trường chỉ là hệ quả. Quan trọng nhất là làm thế nào để khi sắp xếp thì nâng cao hiệu quả hoạt động của từng cơ sở, nâng cao hiệu quả của cả hệ thống.” PGS.TS Hoàng Minh Sơn

PGS Sơn dẫn ra kinh nghiệm Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Bắc Âu, Nam Phi để cho thấy, việc sắp xếp thường không thành công khi bị tiến hành theo cách áp đặt cứng nhắc từ trên xuống. Bởi vậy, nghiên cứu muốn giới thiệu những phương pháp sắp xếp mang tính dân chủ, tự nguyện, đồng thuận tương đối giữa trên và dưới, “để các trường chủ động xây dựng đề án, để chính những con người ở đó có cơ hội phát triển tốt hơn.” Tuy nhiên, “các đề án phải thuyết phục thì mới được phê duyệt”, PGS Sơn nhấn mạnh.

Sẽ có bao nhiêu trường thuộc diện bắt buộc phải “sắp xếp”, theo PGS Sơn, điều đó “Tùy vào quyết định của Chính phủ, tùy vào nguồn lực nữa. Nghiên cứu chỉ đề xuất các phương án, các kịch bản với bộ số liệu có tính công cụ. Đây là một hệ thống động, nếu điều chỉnh tham số lên cao thì sẽ có nhiều trường bắt buộc phải làm đề án,” PGS Sơn nói. “Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên làm đồng loạt cả hệ thống mà cần có lộ trình phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.”

Nghiên cứu cũng đề xuất, không chỉ các trường hoạt động kém hiệu quả mà cả những trường thuộc diện “đạt” cũng nên được khuyến khích xây dựng đề án liên minh, liên kết để hợp lực, tăng sức mạnh thông qua hình thức sáp nhập hay hợp nhất thành một đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH mới được thông qua.
Đối với giáo dục đại học: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học…

Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. 

(Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập).
PGS Sơn nhận định, việc sắp xếp lại có tính khả thi cao vào thời điểm này. “Qua khảo sát thực tiễn, một số trường ở địa phương rất muốn làm nhưng cách làm thế nào, cơ sở pháp lý là gì, hỗ trợ kinh phí ra sao - không có văn bản chính thức thì rất khó. Nếu bên cạnh ý chí của Chính phủ còn có các chính sách hỗ trợ liên quan như chính sách về tự chủ; chính sách phân bổ kinh phí, thí dụ, ưu tiên phân bổ kinh phí cho các trường có đề án sắp xếp, thì tôi tin việc sắp xếp sẽ có kết quả tốt.”

Việc sắp xếp lại không giải quyết tất cả các bất cập của nền GDĐH nhưng góp giải pháp về mặt cấu trúc, để thông qua đó, Nhà nước sẽ thấy rõ hơn nên đầu tư vào đâu, các trường cũng xác định được hướng phấn đấu nếu muốn nhận hỗ trợ từ ngân sách và thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội - PGS Sơn nói.

Ông cho biết, nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành, đang trong giai đoạn chỉnh sửa, chỉ còn phần nghiên cứu tác động của các kịch bản - đặc biệt là kịch bản giải thể - đến địa phương, cán bộ, sinh viên như thế nào.

Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp các trường đại học công hoạt động không hiệu quả vào quý 3 năm nay để bắt đầu triển khai từ năm 2020-2021.
Tái cấu trúc hay câu chuyện hiệu quả đầu tư công

Sau khoảng 15 năm mở rộng giáo dục đại học rất nhanh, khu vực GDĐH công mở rộng nhanh hơn GDĐH tư, thì bây giờ Việt Nam đang gặp nghịch lý là thừa trường nhưng lại thiếu trường đủ chất lượng. Cho nên người học vẫn đi nước ngoài như một lựa chọn chất lượng tốt hơn, hoặc tìm những chương trình đáp ứng yêu cầu về nghề nghiệp của mình hơn. Nhiều trường không tuyển sinh được, không phải do nguồn tuyển sinh ít - con số vẫn giao động đâu đó khoảng 7-8 triệu thanh niên ở độ tuổi đi học đại học. Nghịch lý này với khu vực tư nhân là câu chuyện của thị trường, trường nào kém phải tự teo nhỏ lại. Nhưng với khu vực công lập, thì nó tạo ra gánh nặng, và cao hơn là câu chuyện đầu tư công không hiệu quả. Để thay đổi, phải sắp xếp lại các đại học công.

Trong các phương án sắp xếp lại, lựa chọn giải thể là rất khó với các đơn vị công. Chỉ còn 2 hình thức là sáp nhập, hoặc một trường nhỏ trở thành phân hiệu của trường lớn; hoặc 2-3 trường ghép vào với nhau thành 1 trường – như kiểu đại học quốc gia hay đại học vùng. Mô hình này đã có khung pháp lý trong Luật GDĐH mới rồi, và đây được coi là động thái đón lõng cho việc sáp nhập.

Việc sáp nhập các trường như vậy không mới đối với quốc tế, đã có từ 30 – 40 năm nay rồi. Họ có 2 động lực chính, trong đó có chi đầu tư công hiệu quả hơn. Một lý do nữa là tối ưu hóa nguồn lực để thúc đẩy trường thành đại học có đẳng cấp quốc tế - gần đây, một số trường ở Đan Mạch sáp nhập theo hướng đó; Pháp cũng có dự án sáp nhập các trường lớn, trường đại học tổng hợp, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ở Pháp thành những cơ sở đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh với các đại học khác ở châu Âu và Mỹ. Còn ở Việt Nam, câu chuyện chính chỉ là hiệu quả đầu tư công thôi.

Việc sắp xếp lại các trường đại học là rất khó nhưng không tránh khỏi. Từ góc độ nhất định, đó là hệ quả của việc mở rộng GDĐH thiếu tính toán kỹ lưỡng từ trước mà chúng ta phải xử lý. Tiền lệ trên thế giới cũng cho thấy việc này không đơn giản. Bởi tái cấu trúc ngay cả với doanh nghiệp thị trường, vốn có khung pháp lý tốt hơn, quen với việc chuyển đổi, sáp nhập hơn mà còn gặp rất nhiều khó khăn thì với các trường, dự đoán sẽ gặp rất nhiều cản trở, cả về thể chế, cả về sự vận động thông thường của trường đại học không thuận cho việc đó. Cho nên cần một chương trình sáp nhập được thiết kế rất tốt cùng một ý chí chính trị mạnh thì mới thực hiện được.
 
Nguồn tin: KH&PT

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner