Ngày 17/9 tới, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020”.
Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2017, đến nay, Diễn đàn đã trở thành sự kiện thường niên uy tín về công nghệ và chính sách trong lĩnh vực năng lượng, nhận được sự quan tâm, tham dự của hàng ngàn đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giới thiệu và trình diễn nhiều công nghệ tiên tiến trong hoạt động khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng.
Tiếp nối những thành công trên, năm 2020 là lần thứ tư Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ, các Tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ và Năng lượng cùng khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghệ năng lượng. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PVPower).
Tại Diễn đàn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam; Phát triển hệ thống điện gắn với an ninh năng lượng quốc gia; Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất Hydro từ nguồn năng lượng tái tạo; Ưu tiên tín dụng cho các dự án năng lượng công nghệ cao,…Tại phiên Tọa đàm, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ sẽ cùng đại biểu tham dự chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp, kinh nghiệm nghiên cứu làm chủ, ứng dụng công nghệ và triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng.
Diễn đàn sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trao đổi, chia sẻ, kết nối nhằm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Bảo Chi