Thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, qua 2 năm SX thí điểm, kết quả bước đầu cho thấy loại lúa Sỏi chịu mặn 10 phần ngàn rất phù hợp với vùng đất nhiễm mặn, phèn, khí hậu khắc nghiệt của địa phương, được nông dân hưởng ứng tích cực.
Ông Lâm Quốc Nam (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân), phấn khởi cho biết, vụ này ông SX 3 ha lúa Sỏi. Lúa đang sinh trưởng rất tốt vượt ngoài sự mong đợi, hứa hẹn cho vụ mùa bội thu. Ông Nam cho biết thêm, đây là vùng đất từ trước đến nay chưa trồng được cây lúa. Bởi vùng đất này nhiễm phèn, mặn rất nặng, chỉ có cỏ năn tượng, cây tràm, cây khóm mới sống được. Tuy nhiên, nay có loại lúa Sỏi chịu mặn đưa vào sản xuất, người dân quê nghèo này không còn sợ đói, chạy gạo ăn hàng ngày.
Sau nhiều năm trăn trở trước khó khăn của vùng đất khắc nghiệt, đầu năm 2011, huyện Hồng Dân phối hợp với các chuyên gia ở khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho lai tạo, ứng dụng lúa Sỏi - một loại lúa chịu mặn cực cao vào sản xuất. Từ 4 kg giống lúa Sỏi, qua nhân giống, tỉa dặm vụ đầu lên được 5 ha, cho năng suất từ 3 - 4 tấn/ha. Đến vụ thứ hai (2012) nhân rộng ra 270 ha, tập trung ở các xã Ninh Thanh Lợi A, Ninh Thạnh Lợi và Vĩnh Lộc. Hiện tại các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng, có diện tích đã trổ bông. Theo nhận định của ngành chuyên môn, khả năng vụ này cho năng suất ước đạt 4 - 6 tấn/ha.
Ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy huyện Hồng Dân, chia sẻ, qua sản xuất thí điểm tuy còn nhược điểm, nhất là thời gian sinh trưởng còn dài (khoảng 6 tháng), nhưng đây là thành công bước đầu, được người dân đồng thuận cao. Điều quan trọng nhất, việc đưa loại lúa Sỏi vào sản xuất ở vùng đất này là một thành công lớn của huyện nghèo Hồng Dân.