Bệnh nhân tiểu đường dễ bị tổn thương ở bàn chân do bị giảm hoặc mất cảm giác bàn chân nên khi bị tổn thương, người bệnh không biết, vì vậy vết thương dễ nặng thêm. Những chiếc giày chuyên biệt, phù hợp sẽ góp phần làm giảm nhẹ các biến chứng liên quan đến bàn chân cho người bệnh tiểu đường.
Đây là kết quả của Dự án “Giày dép cho người bệnh đái tháo đường ở Việt Nam từ ý tưởng nghiên cứu đến sản phẩm phục vụ xã hội” do Viện Nghiên cứu Da giày (Bộ Công thương) thực hiện với sự hỗ trợ từ Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP).
Nghiên cứu gắn với thực tiễn
Năm 2010 Viện Nghiên cứu Da giày (Bộ Công thương) đã triển khai thành công đề tài cấp Bộ và sản xuất thí điểm giày dép cho người bị đái tháo đường với giá thành phù hợp. Trên cơ sở đề tài nghiên cứu và thí điểm đó, năm 2012 Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) đã hỗ trợ Viện thông qua thực hiện Dự án “Giày dép cho người bệnh đái tháo đường ở Việt Nam từ ý tưởng nghiên cứu đến sản phẩm phục vụ xã hội” nhằm giúp Viện nghiên cứu da giày triển khai sản xuất đại trà sản phẩm có tính xã hội cao, đưa sản phẩm đến với người bệnh đái tháo đường Việt Nam một cách nhanh chóng và bền vững.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 4,5 triệu người mắc tiểu đường và sẽ tăng lên khoảng 8 triệu người vào năm 2025. Tại thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường là 4%. Phần lớn người bệnh phát hiện bệnh và điều trị muộn dẫn đến các biên chứng trong đó biến chứng về bàn chân là phổ biến và nguy hiểm nhất.
Tổn thương bàn chân bản chất là tổn thương mạch máu cũng như là vấn đề về dinh dưỡng bàn chân và vấn đề nhiễm trùng bàn chân. Tuy nhiên, tổn thương bàn chân có nhiều nguy cơ khác nhau và việc sử dụng giày dép không đúng ở bệnh nhân đái tháo đường cũng là nguy cơ làm tăng biến chứng ở bàn chân bệnh nhân đái tháo đường.
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, 50% - 60% bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện do biến chứng bàn chân, trong đó có đến 25% trường hợp phải đoạn chi. Trong khi, ngoài việc kiểm soát lượng đường huyết tốt, chỉ cần mang giày dép y tế sẽ giúp bệnh nhân không phải phẫu thuật cắt bỏ chân.
Để giảm bớt số lượng bệnh nhân tiểu đường, việc phát hiện sớm tổn thương bàn chân ở người bệnh đặc biệt là phòng ngừa cũng như bảo vệ bàn chân của bệnh nhân tiểu đường có vai trò hết sức quan trọng.
Giúp bảo vệ bàn chân người bệnh đái tháo đường
Sự hỗ trợ của IPP có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất sản phẩm mới cho ngành Da – Giày. Đây là lần đầu tiên có sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng sản xuất sản phẩm giày với công tác điều trị y tế cho người bệnh tiểu đường.
Trong quá trình thực hiện dự án, Viện Nghiên cứu Da giày đã tập trung khảo sát thị trường toàn quốc, triển khai sản xuất giày dép cho người bị bệnh tiểu đường tại xưởng của Viện ở Hà Nội. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong ngành y tế tuyên truyền rộng rãi về sản phẩm giày dép cho người mắc bệnh tiểu đường...
Giày dành cho bệnh nhân tiểu đường có những đặc điểm khác biệt như mũi giày tròn và dày; cửa giày được mở rộng hơn giày thông thường; bộ phận đóng mở giày thuận tiện, linh hoạt (dùng băng dính nhám, dây giày...); giày được khử khuẩn, khử mùi; bảo đảm các yêu cầu vệ sinh (hút ẩm, thải ẩm, thông hơi...); trọng lượng nhẹ, đế thấp... Loại giày này được đánh giá là phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường ở mức nhẹ, góp phần giảm nhẹ các biến chứng liên quan đến bàn chân.
Người mắc bệnh tiểu đường khi đi loại giày này sẽ hạn chế được sự nén, ép lên bàn chân, tránh tổn thương da và mạch máu. Đặc biệt, người bệnh có thể dễ dàng điều chỉnh giày vừa với bàn chân; tránh tổn thương, trầy xước da bàn chân khi đi lại; hạn chế tối đa khả năng va đạp, đâm xuyên của các vật thể vào bàn chân...
Giày cho người bệnh tiểu đường được bán tại Viện Nghiên cứu Da giày
GS.TS. Thái Hồng Quang, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam cho biết, bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường có vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh của họ do bệnh đái tháo đường có nhiều biến chứng. Có hai yếu tố quan trọng trong biến chứng tim mạch đó là mạch máu và thần kinh. Khi bị tổn thương mạch máu và thần kinh gây nên triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân đái tháo đường, thể hiện bằng những cơn đau ở bàn chân. Do hiện tượng máu tưới không đầy đủ từng lúc một cho chi dưới mà bệnh nhân đi rồi ngồi một lúc mới phục hồi đi tiếp. Họ bị mất cảm giác thần kinh ngoại vi, không nhận biết được khi đi vấp phải đinh, dẫm gai, có những người bị bỏng cũng không biết… Vì thế khiến đôi chân rơi vào tình trạng loét, nhiễm khuẩn dần dần đi đến biến chứng hoại tử.
“Tôi hoanh nghênh và ủng hộ Dự án “Giày dép cho người bệnh đái tháo đường ở Việt Nam từ ý tưởng nghiên cứu đến sản phẩm phục vụ xã hội”. Việc sản xuất thành công sản phẩm giày rất có lợi cho người tiểu đường. Vì khi họ đi một đôi giày đi như thế sẽ bảo vệ được bàn chân giúp biến chứng ở bàn chân giảm đi”, GS. TS. Thái Hồng Quang khẳng định.
Bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Công thương cho biết, kết quả nghiên cứu KH&CN của Viện nghiên cứu Da Giày được đưa vào ứng dụng thực tế. Qua sự thành công của dự án này, giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ cấp tiếp kinh phí để thực hiện dự án độc lập cấp nhà nước, làm sao sản xuất ra sản phẩm phục vụ được tốt hơn nữa cho người tiêu dùng.
Các tổn thương ở bàn chân sẽ nặng hơn nhanh chóng nên người bệnh mang giày đúng cách, xem xét bàn chân mỗi ngày và nên chạy chữa ngay mỗi khi phát hiện có vết thương ở bàn chân dù rất nhỏ là rất cần thiết. Được biết, thời gian tới Viện Nghiên cứu Da giày sẽ chuyển giao công nghệ hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành da giày tham gia sản xuất sản phẩm này.
Bài, ảnh: Mai Chi