Việt Nam đã đặt thêm dấu ấn trong lĩnh vực điện lực của khu vực Đông Nam Á khi là nước đầu tiên sản xuất máy biến áp 500kV. Mới đây (tháng 11/2011), máy biến áp (MBA) 500kV do Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) sản xuất đã được đưa vào sử dụng tại trạm biến áp Nho Quan (Ninh Bình).
Sự ra đời của MBA điện áp cao này đã góp phần giúp ngành điện trong nước không những tự chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp đặt… MBA mà còn có cơ hội hướng tới thị trường xuất khẩu, tiết kiệm nguồn ngoại tệ lớn do không phải nhập khẩu MBA cho đất nước.
Không ngừng nâng cao trình độ công nghệ
Trước khi sản xuất thành công MBA 500kV, EEMC đã liên tiếp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và sản xuất được các loại MBA: 110kV - 25MVA, 110kV – 125MVA, 220kV – 125MVA, 220kV – 250MVA, sửa chữa thành công 4 MBA 500kV.
Khi đề án nghiên cứu chế tạo máy biến áp 500kV triển khai vẫn còn có người nghi ngại, bởi chúng ta thiếu đủ mọi thứ, trong đó quan trọng nhất là thiếu vốn để đầu tư vì thiếu năng lực thiết kế MBA siêu cao áp, mặt khác ngay cả các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines… cũng chưa có nước nào chế tạo được MBA 500kV.
Chỉ riêng tiền đầu tư để sản xuất một MBA loại này đã tiêu tốn khoảng 150 tỷ đồng, đấy là chưa kể vốn đầu tư ban đầu cho nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền thiết bị, công nghệ, kinh phí cho nghiên cứu, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó còn phải tính tới việc sản phẩm làm ra phải bảo đảm vận hành an toàn trong điều kiện môi trường nhiệt đới ẩm và cả khi nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu. Một đòi hỏi khác không kém phần quan trọng đó là sản phẩm đưa vào vận hành phải đạt tuổi thọ hơn 30 năm...
Để chế tạo máy biến áp 500kV, trong thời gian ba năm, EEMC đầu tư chiều sâu về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thiết kế và công nhân lành nghề có chuyên môn cao đã trải qua và có kinh nghiệm trong việc sửa chữa các máy biến áp 500kV đưa đi thực tập tại Ukraine, Italia. Chi phí cho đào tạo lên đến hàng tỷ đồng/năm.
Ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc EEMC cho biết, với quyết tâm cao, sau ba năm triển khai thực hiện công trình, EEMC đã thiết kế và chế tạo thành công máy biến áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam và tại Đông Nam Á. Máy biến áp đã được Phòng Thí nghiệm điện Quốc gia thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế IEC. Tổ máy biến áp 500kV công suất 450.000 kVA đầu tiên đã hoàn thành, được gắn biển Chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng long - Hà Nội và đã được lắp đặt tại Trạm biến áp 500kV Nho Quan (Ninh Bình).
Một trong những bài học để đi đến thành công của doanh nghiệp là dám mạnh dạn đầu tư công nghệ, chọn những sản phẩm khó nhưng chất lượng và giá thành hạ để tạo thế mạnh cho doanh nghiệp mình phát triển, ông Quang nhấn mạnh.
Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng
Đến nay, Việt Nam không còn phải nhập khẩu MBA 110 KV. Lượng ngoại tệ tiết kiệm điện cho quốc gia ước tính hơn 300 triệu USD do không phải nhập khẩu máy biến áp 110kV, 220kV.
Theo ông Trần Văn Quang, từ năm 1993, mỗi năm EEMC sản xuất 1000 MBA, các loại MBA điện áp đến 35kV, công suất đến 16.000KVA. Các MBA do EEMC chế tạo, qua kiểm tra thử nghiệm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế IEC 60076:2000.
Việc đưa vào vận hành an toàn trên lưới điện quốc gia hơn 10 năm nay chứng tỏ sản phẩm đạt mức chất lượng cao, tương đương trình độ khu vực, quốc tế. Đồng thời khẳng định bước đột phá của ngành nói chung và EEMC nói riêng, tạo sự chủ động cung cấp, sửa chữa, lắp đặt MBA cao áp cho lưới điện quốc gia. Góp phần thực hiện chương trình chống quá tải hệ thống. Phá vỡ tính độc quyền MBA của nước ngoài, hạ giá thành thiết bị điện, giảm nhập siêu.
Theo số liệu từ EEMC, máy cùng thông số kỹ thuật, giá ngoại nhập cao hơn sản xuất trong nước 15-20%. Một MBA 220kV có cùng chất lương do EEMC sản xuất có giá thành thấp hơn nước ngoài từ 4,2-5,2 tỷ đồng. MBA 220kV – 125MVA khi tham gia đấu thầu quốc tế, giá trị chênh lệch đạt con số khoảng 6,1 tỷ đồng so với hàng ngoại cùng chủng loại. Theo tính toán, từ năm 2006 đến năm 2025, cả nước cần 250 MBA loại 220kV-125MVA, với giá chênh lệch trên sẽ tiết kiệm được trên 1.700 tỷ đồng.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, tác giả của công trình “Chế tạo MBA 500kV-3 x 150.000kVA đầu tiên tại Việt Nam” cho biết, giá thành của MBA 500kV vào khoảng 116 tỉ đồng, thấp hơn 25 – 30% so với các máy nhập khẩu cùng loại.
Việc chế tạo MBA công suất cao trong nước tạo điều kiện kích cầu phát triển các ngành hóa dầu, vật liệu cách điện cao áp, đo lường, điều khiển, tự động hóa, cơ khí, sửa chữa chế tạo… Đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, kích thích phát triển công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý, công nhân lành nghề ngành điện và nhiều ngành nghề khác…
Nhu cầu điện năng của các ngành kinh tế tăng cao, hệ thống lưới điện phát triển nhanh, yêu cầu một lượng lớn MBA điện áp cao. Theo quy hoạch phát triển lưới điện giai đoạn VI, để tăng cường năng lực truyền tải điện, đến năm 2020 cần phải đầu tư xây dựng 93 trạm biến áp cấp 500kV. Do đó, việc nghiên cứu, chế tạo hệ thống MBA từ 110kV – 220kV – 500kV sẽ đáp ứng được nhu cầu trên, tạo thế chủ động về MBA cho điện lực Việt Nam và tiến tới xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn.
Nguyễn Hạnh