Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao được triển khai ở nhiều địa phương góp phần nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Dự án ứng dụng công nghệ khí canh trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh thuộc Chương trình Nông thôn miền núi (Bộ KH&CN) – Chương trình đã tạo nên bước đột phá mới trong việc cung cấp, sản xuất giống, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Trung - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nam Định - đơn vị tiếp nhận Dự án.
PV: Xin ông cho biết, việc thực hiện dự án Ứng dụng công nghệ khí canh trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh có hiệu quả như thế nào đối với địa phương?
Ông Vũ Xuân Trung: Công nghệ khí canh là công nghệ trồng cây không cần đất. Dinh dưỡng được cung cấp bằng cách phun trực tiếp vào rễ cây, môi trường hoàn toàn sạch bệnh, không cần dùng thuốc trừ sâu bệnh, chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch, tiết kiệm nước và dinh dưỡng do có thể điều khiển tự động hóa được thời gian phun dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, với phương pháp này, cây sẽ sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao và người trồng điều khiển được môi trường nuôi trồng. Ngoài ra, còn có những lợi ích khác như giảm chi phí về nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất cây trồng lên 45 - 75%. Vì vậy, việc phát triển công nghệ sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh đóng vai trò quan trọng giúp tạo ra được lượng lớn giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các cấp giống tiếp theo và hoàn toàn chủ động về thời vụ và số lượng, đáp ứng được nhu cầu giống khoai tây sạch bệnh, tăng thu nhập cho người dân.
Việc Ứng dụng công nghệ khí canh trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh còn có vai trò quan trọng trong việc chủ động nguồn giống khoai tây tại chỗ góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Sự thành công của dự án sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới có thu nhập cao cho người dân địa phương, khai thác được thế mạnh về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao thu nhập của nông dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa góp phần giảm bớt việc nhập khẩu các loại giống khoai tây chất lượng cao. Ngoài ra, với việc tạo được số lượng lớn củ giống sạch từ việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh giúp bảo vệ môi trưởng sản xuất nông nghiệp bền vững.
PV: Nam Định có lợi thế gì so với các tỉnh khác khi triển khai Dự án thưa ông?
Ông Vũ Xuân Trung: Theo tính toán của các nhà khoa học, hiện nay, diện tích trồng khoai tây trên cả nước tập trung tại hai tỉnh Thái Bình, Nam Định chiếm tới 70% diện tích trồng toàn quốc và 90 % diện tích trồng khoai tây của miền Bắc (10% còn lại là các tỉnh như Bắc Ninh, Lào Cai,...)
Nam Định là tỉnh có lợi thế về điều kiện tự nhiên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung và canh tác giống khoai tây sạch nói riêng như diện tích đất đai lớn, màu mỡ, khí hậu phù hợp, bà con nông dân đã có kinh nghiệm trong trồng khoai tây kể cả khoai tây giống. Bên cạnh đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN có cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và triển khai các biện pháp kỹ thuật phục vụ chuyển giao công nghệ. Cán bộ của Trung tâm đã từng tham gia vào một số dự án về sản xuất giống khoai tây, như dự án khoai tây Việt Đức,...
Đồng thời, Dự án trồng khoai tây sạch bệnh triển khai tại Nam Định nhận được sự quan tâm rất lớn từ UBND tỉnh, Sở KH&CN, đặc biệt là các địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nam Định
PV: Từ khi triển khai, Dự án đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chương tình Nông thôn miền núi (Bộ KH&CN) trong thời gian qua?
Ông Vũ Xuân Trung: Dự án là mô hình để đánh giá hiệu quả, đánh giá chất lượng sản phẩm, hình thành và hoàn thiện về quy trình sản xuất thực tế,... từ đó tạo cơ sở hình thành hệ thống sản xuất khoai tây sạch bệnh với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Dự án đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chương trình về thông tin, công nghệ và định hướng thực hiện, đặc biệt là nguồn vốn để triển khai dự án. Chương trình cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật.
Dự án cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh Nam Định. Ngoài hỗ trợ về vốn đối ứng, nhân lực, hạ tầng trang thiết bị, Sở KH&CN Nam Định đã có những hỗ trợ kịp thời trong việc quản lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp cơ quan chủ trì dự án liên kết với các cơ quan và các địa phương để phối hợp triển khai hiệu quả.
PV: Đâu là những thành công bước đầu và bà con được hưởng lợi gì qua Dự án thưa ông?
Ông Vũ Xuân Trung: Bước đầu Dự án đã xây dựng thành công các mô hình từ nuôi cấy mô, sản xuất giống gốc trong nhà khí canh, sản xuất giống siêu nguyên chủng trong nhà lưới, sản xuất giống nguyên chủng tại đồng ruộng đều cho kết quả tốt, đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật cần thiết. Các quy trình được kiểm chứng, đánh giá và làm chủ công nghệ, chất lượng củ giống được đánh giá đáp ứng yêu cầu và cho năng suất đảm bảo.
Dự án làm tiền đề cho xây dựng đề án khoai tây của tỉnh hướng tới mục tiêu hình thành vùng chuyên canh sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, cung cấp giống cho bà con nông dân trong tỉnh và các vùng lân cận.
Dự án triển khai thành công, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên, như giá thành giống sẽ giảm, thấp hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường, chủ động về nguồn giống, giống sạch bệnh đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, năng suất cao hơn giống trôi nổi trên thị trường (Giống chất lượng tốt cho năng suất cao hơn 1 tấn/ha, mỗi vụ với 2.000 ha đã tăng hàng nghìn tấn cho giá trị hàng chục tỷ đồng).
PV: Thưa ông, so với các dự án khuyến nông khác đã triển khai ở Nam Định, Dự án trồng khoai tây giống sạch bệnh có đặc điểm gì nổi bật?
Ông Vũ Xuân Trung: Dự án có sự khác biệt so với những dự án khác bởi xuất phát từ chính nhu cầu, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh về phát triển cây khoai tây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao tại địa phương. Dự án sẽ kết thúc vào tháng 12/2015, nhưng do mùa vụ thu hoạch khoai tây vào tháng 3 - 4/2016, do đó, chúng tôi đã xin gia hạn Dự án để đánh giá kết quả thực hiện được chính xác hơn.
Mặc dù chưa kết thúc dự án, với những thành công ban đầu, Dự án đã được tỉnh quyết định đầu tư để nâng quy mô nhằm giải quyết sớm các vấn đề cấp thiết về giống phục vụ sản xuất của bà con.
Thu hoạch khoai tây tại Nam Định
PV: Chương trình sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc triển khai các dự án tiếp theo, thưa ông?
Ông Vũ Xuân Trung: Theo tôi, Chương trình đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao ứng dụng, những tiến bộ công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, đặc biệt Chương trình là sợi dây kết nối, liên kết “bốn nhà” trong việc chuyển giao, ứng dụng sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là động lực khuyến khích và phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng KH&CN tiêu biểu để nhân rộng và triển khai, dựa trên những lợi thế của từng địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
Đồng thời, các Dự án thuộc Chương trình đã và đang làm thay đổi nhận thức, phương thức và tập quán canh tác của người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là bà con nông dân ở những vùng núi cao, khuyến khích việc ứng dụng những công nghệ, tiến bộ mới để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao và có tính cạnh tranh trên thị trường.
Bài, ảnh: Ngũ Hiệp