Có thể thấy ba yếu tố hết sức quan trọng để phát triển sản phẩm chủ lực quốc gia là : Dựa vào thế mạnh của từng vùng, miền; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; gắn với sản phẩm chủ lực của ngành và toàn quốc…Đây cũng chính là những nội dung các đại biểu tập trung đề cập tại hội nghị Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo đánh giá chung, thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều sản phẩm có chất lượng của vùng đồng bằng sông Hồng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và tạo dựng được thương hiệu uy tín như may mặc, giày da, chế biến nông sản của Hưng Yên; mộc Ninh Phong, đá mỹ nghệ Ninh Vân… Đặc biệt, TP Hà Nội có 10/53 sản phẩm có doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng, gồm sản phẩm của Công ty CP cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, Công ty CP Dệt 10-10, Công ty CP Xuân Kiên, Công ty TNHH Thép tiền chế ZAMIN, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà... Từ năm 2005, TP đã thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực và xác định mục tiêu phát triển các ngành chủ lực có lợi thế; đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù thúc đẩy công nghiệp và sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ 100% kinh phí khi thực hiện xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế; ưu tiên hỗ trợ kinh phí đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc các lĩnh vực như nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng…
Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, các nghiên cứu được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả trong đời sống đã khẳng định rõ vai trò của khoa học công nghệ đối với đời sống, sản xuất. Năm 2006, ông Nguyễn Văn Hoan, Viện Nghiên cứu lúa lai, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã bán bản quyền công nghệ sản xuất hạt F1 của giống lúa lai VL20 cho Công ty cổ phần Kỹ thuật Nông nghiệp công nghệ cao Hải Phòng với giá 300 triệu đồng. Năm 2008, bà Nguyễn Thị Trâm, Viện Sinh học Nông nghiệp - Đại học Nông nghiệp Hà Nội bán bản quyền trọn gói công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai TH3-3 cho Công ty TNHH Cường Tân, Nam Định với giá 10 tỷ đồng. Năm 2008, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã bán bản quyền công nghệ sản xuất hạt F1 của giống HYT103 cho Công ty Đại Dương của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc với giá 500 triệu đồng…
Mặc dù trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn coi phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, hiện nay khoa học công nghệ vẫn chưa đáp ứng được vai trò then chốt và là công cụ để thực hiện CNH - HĐH đất nước. Các địa phương chưa thực sự coi khoa học và công nghệ là giải pháp thúc đẩy hoạt động của ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Trên thực tế hiện nay, khu vực đồng bằng sông Hồng vẫn chưa có một viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ xứng tầm. Các phòng thí nghiệm hiện có rất lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu triển khai. Việc phân bổ, sử dụng vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ tại một số địa phương chưa đúng mục đích, dẫn tới hiệu quả không cao. Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi Vũ Chí Cương cho rằng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư ngân sách cho các nghiên cứu khoa học nhưng đa số đều nằm trên nóc tủ, không được đưa vào ứng dụng trong sản xuất, vì hiện nay hầu hết các viện nghiên cứu không biết nhu cầu của các tỉnh. Và ngược lại, các tỉnh cũng không cập nhật được những nghiên cứu khoa học mới có tính ứng dụng cao ở các viện.
Liên quan đến việc phối hợp giữa các viện nghiên cứu với địa phương để xác định các sản phẩm chủ lực có lợi thế của từng địa phương, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, việc chọn được sản phẩm chủ lực đã khó nhưng để sản phẩm chủ lực thực sự là chủ lực hay không còn phụ thuộc vào sự ưu tiên đầu tư của địa phương, cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển theo chuỗi sản phẩm. Do đó rất cần sự sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc quy hoạch phát triển vùng, cùng địa phương xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển những sản phẩm đó.
Với những lợi thế sẵn có của vùng đồng bằng sông Hồng, các ý kiến đề xuất cần ưu tiên phát triển một số loại cây như lúa chất lượng cao, đậu tương, các cây ăn quả như nhãn, vải, chuối, bưởi…; cần thúc đẩy liên kết "3 nhà" là nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng ở các địa phương, gắn hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương… Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nghiêm Vũ Khải cho biết, trong các văn bản đã ban hành cũng như những văn bản đang soạn thảo, việc tháo gỡ những nút thắt nhằm tạo điều kiện đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt trong phát triển KT - XH của đất nước cũng như các vùng, địa phương; các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khoa học công nghệ luôn được chú trọng. Và một trong những định hướng quan trọng của Bộ là nâng cao năng lực khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại các địa phương. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ đạo: các bộ, ngành cần kết hợp với UBND cấp tỉnh quy hoạch, xác định sản phẩm khoa học công nghệ chủ lực của vùng và mỗi địa phương. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ như vấn đề giống, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, người đứng đầu các ngành, lãnh đạo các tỉnh có trách nhiệm xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ của ngành đó trên cơ sở nhu cầu của ngành, địa phương...
Rõ ràng, hiện các địa phương vẫn đang rất lúng túng trong áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nói chung và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực nói riêng. Vì vậy, thời gian tới cần xác định các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, thông qua thực tiễn hoạt động khoa học và công nghệ, tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại cần phát huy, từ đó rút ra giải pháp để đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ tại địa phương.