Với công nghệ sản xuất rượu từ quả điều của các nhà khoa học thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề tài đã mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị cho cây đặc sản của vùng Duyên hải nam Trung bộ, Đông nam bộ.
Tận dụng nguyên liệu bảo vệ môi trường
Theo TS Cao Văn Hùng, trưởng nhóm nghiên cứu, điểm mới trong công nghệ này đó là đã xử lý tách tannin trong dịch quả điều để phù hợp cho lên men rượu và rượu lên men từ dịch quả điều trong môi trường nhiều tannin.
Công nghệ chưa từng được áp dụng ở Việt Nam. Lần đầu tiên xây dựng mô hình chế biến rượu điều qui mô hộ và qui mô vừa bao gồm qui trình, thiết bị chính và tiếp thị thị trường nhằm góp phần tăng giá trị cây điều và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường do quả điều gây ra.
Công nghệ sản xuất rượu điều cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao vì tận dụng nguồn thịt quả điều (từ trước đến nay là bỏ đi) nên không mất chi phí nguyên liệu do đó rượu điều sản xuất ra có giá thành rẻ. Rượu thành phẩm được sản xuất qua có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra thêm hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm cây điều nhằm tăng giá trị cây điều, nâng cao hiệu quả kinh tế cây điều. Các chỉ tiêu kinh tế sau khi đưa hai quy trình này vào sản xuất cho thấy, dù đã tính đến phương án rủi ro là giá nguyên liệu tăng lên 5%, giá bán sản phẩm chỉ tăng 2% thì phương án đầu tư vẫn có lãi hơn gửi ngân hàng (>8%) và đây là phương án có thể chấp nhận được.
TS Hùng cũng cho biết thêm, nếu sử dụng hết thịt quả điều sẽ tận dụng được lượng đường 80 đến 90 nghìn tấn tương đương như hai nhà máy sản xuất đường mía công suất 1000 tấn mía/ngày. Không những vậy, công nghệ sản xuất rượu điều đã áp dụng thành công biện pháp khử chát hiệu quả cao bằng kỹ thuật đơn giản, dễ làm nên mới tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, tiến hành qua hai công đoạn bằng công nghệ nhiều tầng nên đã sản xuất được rượu chất lượng cao và chi phí thấp.
Mở hướng phát triển mới
Bên cạnh đó có thể thấy rõ lợi ích xã hội mà công nghệ này đem lại vì đã sử dụng nguồn thịt quả điều trước đây là phế thải ở nước ta (ước tính khoảng 600 đến 800 nghìn tấn từ năm 2001 đến 2003) nên đã góp phần giải quyết được mối lo về ô nhiếm môi trường và góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người nông dân.
Cất cồn và pha rượu: Nhà máy Chế biến hạt điều Qui Nhơn thuộc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Bình Định (Phường Quang Trung, TP Qui nhơn)
Theo các nhà khoa học, công nghệ này có khả năng áp dụng rộng rãi, nhất là cho vùng sâu, vùng xa. Công nghệ đã được chuyển giao, hoạt động và cho kết quả tốt. Tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã có 70 hộ nông dân được chuyển giao công nghệ cất rượu điều thủ công (40 lít/hộ, ngày) và xã Tân Lập, huyện Đông Phú (Bình Phước). Xưởng cất cồn thực phẩm từ điều và pha chế rượu điều đã được chuyển giao cho Nhà máy Chế biến hạt điều Qui Nhơn (Bình Định) thuộc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Bình Định (Phường Quang Trung, thành phố Qui nhơn) (200 lít cồn/ngày).
Công nghệ sản xuất rượu điều và hệ thống thiết bị dễ thay đổi, dễ thay thế, dễ chế tạo, dễ sử dụng, sử dụng nguyên liệu trong nước có thể áp dụng với tất cả các hộ nông dân và doanh nghiệp trong vùng trồng điều ở vùng Duyên hải nam Trung bộ, Đông nam bộ và có thể phát triển lên vùng Tây nguyên- vùng mới phát triển trồng điều trong một số năm gần đây.
Bài và ảnh: Ngọc Thanh