Những robot từng được mua từ nước ngoài với giá hàng chục ngàn đô la giờ “đắp chiếu nằm kho” vì không có khả năng sửa chữa. Trong khi hàng ngàn sinh viên ngành cơ khí vẫn đang học chay với những bài giảng khô cứng, thiếu thực tế. Nỗi trăn trở sau lần về thăm trường cũ đã thôi thúc một kỹ sư mạo hiểm đầu tư hàng tỷ đồng vào nghiên cứu, sản xuất robot phục vụ giảng dạy. Điều đáng nói, đây là robot thành phẩm đầu tiên có mức nội địa hóa cao nhất và giá thành rẻ nhất.
Liên tục cải tiến
Đến thăm Công ty TNHH Chế tạo máy A.K.B trong buổi nghiệm thu Dự án Thiết kế chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy, kỹ sư Lê Anh Kiệt, Giám đốc công ty đồng thời là chủ nhiệm dự án đưa chúng tôi vào tận xưởng để giới thiệu những thế hệ robot anh đã nghiên cứu, cải tiến trong hơn 1 năm qua. Nhìn những cánh tay robot hoạt động trơn tru và chính xác, ít ai biết rằng vào thời điểm nhận dự án, anh Kiệt phải đắn đo bởi số tiền đầu tư quá lớn và nhiều rủi ro.
Với tổng mức đầu tư cho dự án lên đến 2,95 tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước chỉ hỗ trợ 30%), trong thời gian 18 tháng (từ tháng 8-2011 đến 2-2013), nhóm dự án phải chế tạo được robot có thể ứng dụng giảng dạy các môn học về cơ khí và tự động hóa cho sinh viên từ cấp bậc cao đẳng đến đại học, đồng thời phải có những ưu điểm vượt trội hơn so với những robot của các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Để đạt được các yếu tố kể trên, anh Kiệt và các kỹ sư trẻ khác phải liên tục làm tăng ca. Ban ngày dành trọn cho thiết kế chế tạo robot, ban đêm phải tăng cường sản xuất các loại máy CNC, robot công nghiệp và máy đóng gói điều khiển số (NC) theo đơn đặt hàng của công ty.
“Nhưng để đủ sức cạnh tranh, những linh kiện điện tử và vật liệu chế tạo được chúng tôi chọn lọc làm sao có khả năng thay thế hàng loạt khi hư hỏng. Đồng thời phải làm nhiều robot để có thể kiểm chứng độ ổn định của khớp xoay và mạch điện tử. Bên cạnh đó, để giảm sức nặng, tăng tính cơ động cho robot, chúng tôi phải cải tiến kết cấu liên tục. Đến nay, dự án đã qua 5 thế hệ với hơn 16 robot các loại”, anh Kiệt chia sẻ.
Chế tạo xong, nhưng để đánh giá đầy đủ khả năng ứng dụng của sản phẩm, anh Kiệt lại đôn đáo mang robot tìm đến các trường ĐH, CĐ kỹ thuật trên địa bàn TP mong tìm những lời góp ý. Không chỉ cho mượn robot, một giáo án giảng dạy cũng được nhóm dự án soạn sẵn lên đến 500 trang giấy với hơn 22 bài học.
Sẵn sàng thương mại hóa
Tại những buổi nghiệm thu dự án, nhiều nhà khoa học thừa nhận, trong khi đa phần robot tại Việt Nam phải nhập khẩu hoặc được lắp ráp trong nước nhưng linh kiện và chế tác cơ khí hoàn toàn tại nước ngoài, thì robot 5 bậc tự do của Công ty A.K.B lại có mức nội địa hóa khá cao.
Theo đó, phần cơ khí hoàn toàn được chế tác bởi các kỹ sư của công ty trên mặt bằng công nghệ được cho là mới nhất mà Việt Nam hiện đang sở hữu. Các linh kiện điện tử khá phổ thông, có thể sản xuất và thay thế hàng loạt khi cần. Chỉ có motor và encoder là phải nhập do Việt Nam chưa tự sản xuất được.
Đáng lưu ý, hệ thống điều khiển robot không chỉ phục vụ đào tạo môn robot cho sinh viên, mà còn có thể ứng dụng robot công nghiệp đến 6 bậc tự do. Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Lâm, Hội Tự động hóa TPHCM nhận xét, với thiết kế cơ khí chính xác, khả năng kết nối vào dây chuyền sản xuất linh hoạt, điều khiển PLC qua các ngõ In/Out của robot, đây vẫn được xem là robot “gần” công nghiệp, có khả năng phát triển thành robot công nghiệp sau này.
Với giá thành chỉ khoảng 7.500 USD, robot A.K.B hoàn toàn phù hợp với năng lực tài chính của các trường Việt Nam hiện nay, chưa kể việc bảo hành dễ dàng. Hơn nữa, phần mềm mô phỏng A.K.B robot có thể chạy “Offline” trên PC. Điều đó cho phép nhiều học viên có thể cùng học lập trình robot mà không cần trang bị quá nhiều robot. Hiện cổng giao tiếp Ethernet đang được hoàn thiện, tiến tới khả năng điều khiển robot A.K.B đặt tại 1 trạm nào đó bằng internet hay điện thoại di động.
Theo đánh giá của PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, làm robot hoàn toàn tại Việt Nam là chuyện hiếm hoi, vì thế sự thành công của A.K.B robot sẽ tạo đà cho nghiên cứu và chế tạo robot nội địa sau này…
Điểm mạnh của robot A.K.B 5 bậc tự do nằm ở giá thành và khả năng sửa chữa. PGS-TS Nguyễn Tấn Tiến, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, các trường cơ khí, kỹ thuật của Việt Nam đã đầu tư robot giảng dạy từ khá lâu. Nhưng giá thành khá đắt đỏ, khi gặp hư hỏng thì không có khả năng can thiệp để sửa chữa. Đơn cử như robor Scorbot ER-5 do Công ty Intelitek (Mỹ) sản xuất, được ĐH Bách khoa mua về với giá hơn 20.000 USD. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, robot bị lỗi hệ thống điều khiển nhưng không có khả năng sửa chữa, đành “đắp chăn” nằm chờ.