Đây là hệ thống robot loại 5 bậc tự do đầu tiên do Việt Nam chế tạo ứng dụng cho đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học. Nhóm thực hiện đã tự bỏ tiền túi hơn 2 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ thêm hơn 800 triệu đồng) để sản xuất robot. Trừ một vài linh kiện điện tử là hàng ngoại (vì trong nước chưa sản xuất được), các chi tiết còn lại của robot đều được thực hiện bằng linh kiện trong nước.
KS. Lê Anh Kiệt, giám đốc Công ty cơ khí chế tạo máy AKB (quận 7, TP.HCM), tác giả của hệ thống robot loại 5 bậc tự do cho biết, hệ thống robot này còn có thể mở rộng đến 6 bậc tự do để ứng dụng trong sản xuất công nghiệp (gắp sản phẩm). Chất lượng của robot này tương đương thiết bị nhập khẩu nhưng giá khoảng 200 triệu đồng/robot, chỉ bằng khoảng 45 - 50% so với robot ngoại. Robot loại 5 bậc tự do sử dụng cho đào tạo có các thông số kỹ thuật chính như sau: trọng lượng khoảng 15 kg; là robot khớp xoay dạng đứng; bán kính làm việc trong khoảng 610 mm; tốc độ cực đại 600 mm/s; độ chính xác lặp lại trong khoảng 0,8 mm; tải trọng lớn nhất là 1 kg; tay gắp truyền động bằng motor DC hay khí nén... Hệ thống robot được thiết kế có tính mở, giúp học viên, sinh viên có thể lập trình điều khiển mở rộng. Phần mềm mô phỏng của robot là hình ảnh 3D nên có thể chạy online (đồng thời với robot thật) và có thể chạy offline trên PC mà không cần robot. Tính năng này cho phép nhiều học viên, sinh viên có thể cùng học lập trình robot mà không cần phải trang bị nhiều robot thật...
Theo KS. Lê Anh Kiệt, lý do hình thành ý tưởng nghiên cứu, chế tạo ra các robot này là muốn “chủ động được công nghệ”. Sau hơn 1 năm tập trung nghiên cứu, thiết kế, nhóm nghiên cứu của KS. Lê Anh Kiệt đã sản xuất được 14 sản phẩm robot loại 5 bậc tự do. Số robot này đã được chuyển hết cho các trường đại học quốc tế (Đại học quốc gia TP.HCM), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Giao thông vận tải, Cao đẳng công nghệ thông tin TP.HCM, phòng triển lãm Khu công nghệ cao TP.HCM, sắp tới sẽ chuyển thêm cho Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
KS. Trần Quốc Bình, bộ môn tự động hóa, Trường cao đẳng CNTT - TP.HCM nhận xét: “Sau một thời gian dùng robot 5 bậc tự do của Công ty AKB chế tạo, ứng dụng trong giảng dạy tại trường cho thấy: robot hoạt động ổn định, dễ sử dụng, thiết thực giúp sinh viên dễ hiểu hơn đối với các bài học về robot (điều khiển tự động), chẳng hạn như các nội dung di chuyển, gắp thả vật... Phần mềm của robot cũng có nhiều ưu điểm vì có thể mở rộng thành nhiều bài thí nghiệm cho sinh viên”. ThS. Kiều Trung Liêm, trưởng phòng thí nghiệm viễn thông, Trường đại học quốc tế TP.HCM cho biết, đang đề nghị Công ty AKB cho “gia hạn” thêm thời gian mượn robot để các sinh viên đang thực tập ở phòng thí nghiệm viễn thông hoàn tất các bài thực nghiệm đang xây dựng dở dang.
KS. Lê Anh Kiệt dự tính sẽ sản xuất khoảng 30 sản phẩm robot chuyên về đào tạo trước để thăm dò thị trường (hiện đã sản xuất được 14 robot, sắp tới sẽ làm tiếp 16 robot nữa). Sau robot cho lĩnh vực đào tạo, nhóm nghiên cứu của KS. Lê Anh Kiệt sẽ tiếp cận đến sản xuất robot ứng dụng trong sản xuất công nghiệp. Ước tính 30 robot chuyên về đào tạo sẽ được thương mại hóa hết tại các cơ sở đào tạo, sau khoảng 1 năm là có thể hoàn vốn. Với số lượng robot này, tính ra đã giúp tiết kiệm cho Nhà nước gần 9 tỷ đồng ngân sách vì không phải nhập khẩu robot...