Nằm trong tổng thể quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập Việt Nam, việc quy hoạch tổ chức KH&CN công lập do UBND tỉnh quản lý được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các tổ chức này nâng cao hiệu quả hoạt động và tận dụng được nguồn lực đầu tư của nhà nước để giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn ở địa phương.
Nhưng để đạt được mục tiêu lý tưởng như vậy, sẽ cần phải vượt qua nhiều rào cản.
Không phải đến cuộc tọa đàm trực tuyến giữa Bộ KH&CN với các Sở KH&CN về dự thảo hướng dẫn lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh, người ta mới thấy được một thực trạng đang diễn ra ở các địa phương, đó là sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức KH&CN cấp tỉnh. Dù không thể ngay một lúc phân định rạch ròi được những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến hiện trạng này nhưng có thể thấy những điểm tồn tại mà ngay cả nhiều tổ chức KH&CN công lập ở trung ương cũng không dễ vượt qua, ví dụ như khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng chuyển giao công nghệ, số lượng bằng phát minh sáng chế, khả năng tự chủ…
Do đó, đợt quy hoạch tổ chức KH&CN công lập do UBND tỉnh quản lý mà Bộ KH&CN đang tiến hành là cơ hội để các địa phương có thể đưa ra được các dự án đầu tư trung hạn và dài hạn để “nhà nước có cơ sở xem xét đầu tư về nhiều mặt cho các tổ chức KH&CN, cả về xây dựng, trang thiết bị và những yếu tố khác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát triển như mục tiêu đề ra ban đầu”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết như vậy trong cuộc tọa đàm trực tuyến diễn ra vào ngày 2/7/2021. Đây là điểm khác biệt so với quy hoạch theo quyết định 171/QĐ-TTg về quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016.
Thực tiễn đa dạng và phong phú
Nếu ai đó cho rằng các tổ chức KH&CN công lập ở các địa phương đều mang màu sắc tương tự nhau thì đó là một ý nghĩ sai lầm. Qua ý kiến của các sở KH&CN tham gia tọa đàm, người ta mới thấy phần nào sự đa dạng và phong phú của các tổ chức KH&CN công lập ở những địa phương khác nhau. Ngay cả Hà Tĩnh một địa phương thuộc khu vực Bắc miền Trung mà các hoạt động KH&CN còn chưa “tấp nập” như những nơi hàng đầu cả nước, cũng đưa ra một nhận xét khá bao quát về các loại tổ chức KH&CN: hiện nay thực tiễn đã khác rất nhiều với xu hướng phát triển các tổ chức KH&CN công lập thành doanh nghiệp KH&CN; mặt khác, bên cạnh các tổ chức KH&CN công lập còn có tổ chức KH&CN ngoài công lập.
Sự thay đổi về chính sách đã khiến bức tranh về hoạt động KH&CN ở cấp địa phương khác biệt nhiều. Trước đây, người ta chỉ biết tới duy nhất một dạng tổ chức KH&CN do các cấp quản lý ở địa phương thành lập dưới cái mũ viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ… và vận hành hoàn toàn dựa vào kinh phí của nhà nước. Hiện tại, khi các đơn vị tư nhân được phép thành lập viện nghiên cứu/trung tâm R&D để giải quyết vấn đề công nghệ của mình hay một số tổ chức KH&CN ứng dụng công lập sở hữu một số công nghệ hứa hẹn… từng bước tự chủ hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN, hệ thống các tổ chức này ở các địa phương đã không thuần một màu như trước.
Có thể thấy rõ sự khác biệt tại hai địa phương lớn là Hà Nội và TP.HCM. “Trên địa bàn TP.HCM hiện giờ có khoảng 379 tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập, trong đó các tổ chức ngoài công lập đều chiếm tỉ trọng rất lớn trong khi các tổ chức công lập do UBND TP quản lý chỉ có 13 đơn vị thôi”, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM vẽ lên một bức tranh với sự đầu tư vượt trội của khối tư nhân. Tương tự, dù chưa đưa ra con số thống kê cụ thể như TPHCM nhưng Hà Nội cũng là một nơi quy tụ nhiều tổ chức KH&CN ngoài công lập. “Về các tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP. Hà Nội, chúng tôi có ba viện là Viện Nghiên cứu phát triển về xã hội, Viện Quy hoạch xây dựng HN, Viện KH&CN tiên tiến xây dựng Hà Nội và hai trung tâm là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nói. “Số lượng tổ chức công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố không nhiều nhưng tổ chức ngoài công lập hoặc do các bộ, ngành quản lý thì lớn hơn rất nhiều lần”. Câu nói của ông hàm ý đến một khối lượng lớn các viện công lập thuộc các trường đại học, hai viện Hàn lâm… cũng như các tổ chức thuộc các tập đoàn lớn như Phenikaa, Vingroup…
Không riêng gì các trung tâm lớn, làn sóng mới cũng bắt đầu xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Ví dụ Vĩnh Phúc - một tỉnh công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có 11 tổ chức công lập và 15 tổ chức ngoài công lập, trong đó một số doanh nghiệp KH&CN có nguồn lực đầu tư cho KH&CN rất lớn như lời phát biểu của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phó Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc. Còn Bắc Giang - một tỉnh đang chuyển hướng sang công nghiệp – dịch vụ nhưng vẫn giữ sự đầu tư vào nông nghiệp, có sáu tổ chức KH&CN công lập và bảy tổ chức KH&CN ngoài công lập, trong đó đáng chú ý có Trung tâm Nghiên cứu và Chế tạo cơ khí Tuyết Thành của nhà sáng chế không chuyên Tuyết Thành đã chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN vào năm 2019, theo báo cáo của ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào hệ thống các tổ chức KH&CN ở các địa phương, người ta sẽ thấy những chi tiết tỉ mỉ hơn. Nếu chiểu theo sự tự chủ về tài chính thì sẽ có những tổ chức KH&CN công lập hoàn toàn tự chủ hay tự chủ từng phần về chi thường xuyên, có tổ chức lấy kinh phí hoạt động từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; nếu chiểu theo cơ quan chủ quản thì có các tổ chức trực thuộc bộ, ngành, trung ương – nằm ngoài quyền hạn quản lý của địa phương. “UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp KH&CN theo tinh thần Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Trong số các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Giang trực thuộc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh đã tự chủ 100%, hoạt động hoàn toàn độc lập, tự chủ nên đã đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp KH&CN”, ông Nguyễn Phúc Thương cho biết về một khía cạnh của vấn đề. “Đối với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Bắc Giang, chúng tôi cho họ là tổ chức KH&CN vì họ hằng năm vẫn thực hiện các chương trình dự án của Bộ Y tế. Ngoài ra, Bắc Giang cũng có trường Đại học Nông Lâm thuộc Bộ NN&PTNT và trường Cao đẳng Kỹ thuật nông nghiệp thuộc Bộ Công thương đều có các tổ chức KH&CN trong đó”.
Sự phong phú, đa dạng về số lượng, hình thức tổ chức và cách thức hoạt động của các đơn vị KH&CN công lập ở địa phương cho thấy không dễ để sắp xếp, hệ thống các tổ chức này và cuối cùng là tích hợp nó vào trong một mạng lưới chung gồm các tổ chức KH&CN của cả nước. Xét cho cùng, nếu làm một cách rốt ráo thì việc làm này sẽ động chạm đến rất nhiều vấn đề của tổ chức, điều hành các hoạt động KH&CN ở các địa phương, vốn chủ yếu tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ KH&CN mang tính ứng dụng, chuyển giao/tiếp nhận công nghệ mới có thể giải quyết được những vấn đề địa phương cần, và do đó liên quan trực tiếp đến việc phân bổ các nguồn lực KH&CN ở địa phương, những nơi đã và đang được điều chỉnh bằng rất nhiều chính sách khác nhau, từ cấp trung ương đến địa phương.
Quy hoạch để hoạt động KH&CN hiệu quả hơn
Có lẽ, hơn ai hết, các sở KH&CN địa phương cảm nhận được sâu sắc vấn đề này. Tại cuộc tọa đàm trực tuyến, ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ – nơi theo giới thiệu của ông có 22 đơn vị sự nghiệp khoa học, trong đó có 14 đơn vị KH&CN công lập, nói "Chúng ta cũng thấy cần có cái nhìn thực tiễn về các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập để chúng ta có những giải pháp thúc đẩy hoạt động của họ". Do đó, việc điều tra đánh giá sẽ góp phần giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về các đơn vị sự nghiệp công lập, đánh giá một cách khách quan hoạt động các đơn vị đó cũng như tạo điều kiện phát huy sức mạnh của các tổ chức khoa học của tư nhân với nhà nước. Hơn thế, kỳ vọng của Cần Thơ – một tỉnh đầu mối ở khu vực ĐBSCL rộng lớn, là có thể nhìn thấy rõ ngoài việc đánh giá được đúng “năng lực và sự khác biệt giữa các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh”, những thông tin từ quy hoạch sẽ được lấy “làm nền tảng đánh giá khả năng liên kết ngành và liên kết giữa các tỉnh để có thể đi tới việc kết nối, hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên một mạng lưới KH&CN chung của cả vùng”.
Ước mong của Cần Thơ hay nhiều địa phương khác cũng từng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ và Bộ KH&CN vào chiều ngày 13/4/2021. Đề cập đến nhiệm vụ quy hoạch hệ thống các cơ sở nghiên cứu KH&CN mà chính phủ giao cho Bộ KH&CN, ông mong sao phần quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia này sẽ hoạt động theo cơ chế công khai, minh bạch. Việc công khai minh bạch trên cơ sở thống nhất, liên thông nhờ ứng dụng công nghệ sẽ không chỉ giúp Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý tốt nhiệm vụ KH&CN mà còn giúp cho cả các sở KH&CN các địa phương tiếp cận được thông tin, qua đó tiến tới mục tiêu “nhiệm vụ ở bộ này không chỉ do người ở bộ đó thực hiện, nhiệm vụ KH&CN ở địa phương không chỉ có người của địa phương đó thực hiện. Ai có khả năng thực hiện hiệu quả nhất thì tôi giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Có lẽ mục tiêu giao nhiệm vụ cho người xuất sắc, người có năng lực thực hiện tốt nhất công việc là mơ ước của mọi nhà quản lý. Trong thực tế Việt Nam, một điều mong chờ khác là việc kết hợp được nhiều tổ chức KH&CN ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều địa phương khác nhau để cùng giải quyết vấn đề lớn của cả vùng.
Tại nhiều cuộc họp giao ban KH&CN vùng hay nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, các nhà quản lý đều đề cập đến vấn đề này nhưng quả thật, khi đưa vào thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề, vì thực ra các địa phương không biết đầy đủ năng lực KH&CN của tỉnh bạn, hoặc điều kiện kinh phí, con người không cho phép thực hiện những vấn đề lớn…
Thứ trưởng Trần Văn Tùng
Đợt quy hoạch tổ chức KH&CN công lập do UBND tỉnh quản lý mà Bộ KH&CN đang tiến hành là cơ hội để các địa phương có thể đưa ra được các dự án đầu tư trung hạn và dài hạn để “nhà nước có cơ sở xem xét đầu tư về nhiều mặt cho các tổ chức KH&CN, cả về xây dựng, trang thiết bị và những yếu tố khác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát triển như mục tiêu đề ra ban đầu”.
Các mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: baobackan.com.vn
Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu rõ các quan điểm và mục tiêu quy hoạch:
- Đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước.
- Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển cho tổ chức KH&CN công lập.
- Hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực KH&CN, bảo đảm tính khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN; hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn của các tổ chức KH&CN công lập.
|