Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 08:31 am
Cập nhật : 06/12/2021 , 09:12(GMT +7)
Quy hoạch lại mạng lưới khoa học công lập để hoạt động hiệu quả hơn
Quy hoạch lại mạng lưới KHCN công lập để hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh nguồn Vista
Theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), hiện Việt Nam có trên 600 tổ chức KHCN công lập. Tuy lực lượng hùng hậu nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp tháo gỡ để mạng lưới các tổ chức này phát huy được sức mạnh của KHCN.

Do đó, việc lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 là một nhiệm vụ quan trọng nhằm kết nối các ngành, vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia; hình thành mạng lưới tổ chức KHCN lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả

Nhiều năm qua, mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ KHCN công lập ngày càng phát triển, giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Mặc dù được đánh giá là lớn về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, nhưng lại có sự trùng lặp về lĩnh vực hoạt động, đầu tư dàn trải, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo thống kê của Bộ KHCN, Việt Nam có khoảng 600 tổ chức KHCN công lập, chủ yếu trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các trường đại học, các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở KHCN Hà Nội - Nguyễn Quốc Hà, thành phố có 5 tổ chức KHCN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố, còn các tổ chức ngoài công lập hoặc do các bộ, ngành, doanh nghiệp quản lý thì rất nhiều, như các viện công lập thuộc các trường đại học, các viện hàn lâm cũng như các tổ chức thuộc các tập đoàn lớn. Cùng đó, đại diện Sở KHCN TPHCM cho biết, thành phố hiện có khoảng 379 tổ chức KCN công lập và ngoài công lập, trong đó các tổ chức ngoài công lập chiếm tỉ trọng rất lớn; hiện các tổ chức công lập do UBND thành phố quản lý chỉ có 13 đơn vị.

Tuy số lượng tổ chức KHCN công lập hùng hậu, nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Ðiều này được thể hiện qua tổng số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong giai đoạn 2006 - 2013, Việt Nam xếp ở vị trí 62 trên thế giới, sau Thái Lan (43) và  Malaysia (42). Cùng đó, số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích trong giai đoạn 2011-2014 là 2.285 đơn, đứng sau Singapore, Thái Lan và Malaysia… Hoạt động của các tổ chức KHCN công lập không đồng đều, khi số lượng công bố khoa học, sáng chế và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, dịch vụ KHCN chỉ tập trung ở một số tổ chức lớn thuộc bộ, ngành. Các tổ chức ở địa phương hầu như không có công bố quốc tế, sáng chế và doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng không quá hai tỷ đồng mỗi năm.

Theo đại diện Bộ KHCN, nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức KHCN công lập chưa cao là do nguồn tài chính đầu tư cho KHCN hiện nay rất thấp (khoảng 0,5% GDP), trong khi đó tại các nước có nền KHCN phát triển (từ 2% đến 3% GDP). Phần lớn các tổ chức KHCN đang trông chờ hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước, chưa chủ động thu hút nguồn lực từ xã hội hóa... Theo thống kê chỉ có khoảng 126 tổ chức tự bảo đảm đầu tư, số còn lại tự bảo đảm một phần chi thường xuyên việc chi đầu tư vẫn do Nhà nước bảo đảm, có đến 116 tổ chức vẫn do Nhà nước bảo đảm toàn bộ. Cơ chế tài chính đối với các hoạt động của tổ chức KHCN đến nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới tổ chức KHCN công lập thực hiện các hoạt động.

Hiện nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học chủ yếu lấy từ ngân sách Nhà nước phần lớn là để trả lương, chi hoạt động bộ máy cho các tổ chức, chiếm khoảng 90% tổng chi. Phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KHCN chỉ còn khoảng 10%, mặc dù đây mới là hoạt động chính của tổ chức này. Một số đơn vị còn có nguồn kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp, xã hội, nhưng còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng kinh phí đầu tư cho KHCN tại Việt Nam. Việc huy động kinh phí lại tập trung ở các tổ chức lớn, có năng lực nghiên cứu, nhiều kết quả KHCN có khả năng thương mại hóa thuộc các bộ như: Bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, các cấp, các ngành có liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN công lập; đẩy mạnh việc tái cơ cấu mạng lưới tổ chức KHCN công lập, chỉ duy trì những tổ chức KHCN công lập thuộc lĩnh vực mà Nhà nước cần thiết phải khuyến khích, phát triển nhưng các thành phần kinh tế khác trong xã hội không có khả năng hoặc không muốn đầu tư, thành lập. Áp dụng cơ chế tự chủ, chuyển thành doanh nghiệp, sáp nhập hoặc giải thể đối với những tổ chức KHCN không thuộc quy hoạch và chuyển các tổ chức nghiên cứu cơ bản vào các trường đại học, chuyển một số tổ chức nghiên cứu ứng dụng vào các doanh nghiệp. Xác định các lĩnh vực KHCN cần ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với từng lĩnh vực và vùng miền để tập trung đầu tư phát triển, tránh lãng phí các nguồn lực của Nhà nước do đầu tư dàn trải; tạo điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai đối với những tổ chức KHCN thuộc lĩnh vực ưu tiên. Ban hành cơ chế đánh giá, phân loại các tổ chức KHCN công lập theo hiệu quả hoạt động, hiệu quả đóng góp của mỗi tổ chức để có phương án cấp phát hoặc tài trợ nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước một cách hợp lý và hiệu quả...

Quy hoạch để hoạt động hiệu quả hơn

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KHCN) - ông Trần Văn Nghĩa, Dự thảo “Đề cương xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, gồm 4 phần: Căn cứ lập quy hoạch; đối tượng, phạm vi lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; cơ sở dữ liệu để phục vụ tích hợp trong quy hoạch chung của ngành, kèm theo các biểu tổng hợp số liệu minh chứng cho nội dung quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ KHCN - ông Trần Văn Tùng cho biết, dợt quy hoạch này là cơ hội để các địa phương có thể đưa ra các đề xuất về dự án đầu tư trung hạn và dài hạn để Nhà nước có cơ sở xem xét đầu tư về nhiều mặt cho các tổ chức KHCN, cả về xây dựng, trang thiết bị và những yếu tố khác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát triển như mục tiêu đề ra ban đầu. Đây là điểm khác biệt so với quy hoạch theo Quyết định 171/QĐ-TTg về quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016. So với các quy hoạch trước đây, quy hoạch lần này đề cập đến nhiều nội dung mới rất quan trọng. Cụ thể, cần phải xác định để tích hợp trong các quy hoạch có liên quan; đề xuất “Phương án bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập và các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và “danh mục dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện”.

Thực trạng đang diễn ra ở các địa phương, đó là sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập cấp tỉnh quản lý. Việc quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các tổ chức này nâng cao hiệu quả hoạt động và tận dụng được nguồn lực đầu tư của Nhà nước để giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn ở địa phương. Theo Giám đốc Sở KHCN Bắc Giang - Nguyễn Thanh Bình, tỉnh Bắc Giang hiện tỉnh có 11 tổ chức KHCN với 4 tổ chức KHCN công lập, 5 tổ chức KHCN ngoài công lập và 2 chi nhánh tổ chức đăng ký hoạt động KHCN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế dự phòng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp… Các tổ chức KHCN công lập và ngoài công lập của Bắc Giang đã hỗ trợ ngành KHCN tỉnh trong việc góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tạo ra 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng… Tuy nhiên, việc quy hoạch các tổ chức KHCN công lập sẽ đem lại cho nó sức mạnh mới và góp phần thực hiện được những nhiệm vụ lớn hơn.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, mặc dù quy hoạch lần này dành cho các tổ chức KHCN công lập theo quy định của Luật KHCN, song để góp ý vào dự thảo, Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương sẽ mở rộng khảo sát đối với tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập để có cái nhìn toàn cảnh về tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy sức mạnh của các tổ chức khoa học của tư nhân với Nhà nước, phục vụ cho quy hoạch trong giai đoạn mới 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây còn là cơ hội để các địa phương đưa ra các đề xuất về dự án đầu tư, dự án mới trong thời gian tới, đề nghị có sự hỗ trợ, yêu cầu đưa vào kế hoạch trung hạn hoặc kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư trang thiết bị cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần phát triển cũng như những tổ chức mới hoặc tổ chức đang phát triển có nhu cầu về không gian, địa điểm, đất đai để Nhà nước có cơ sở xem xét đầu tư, triển khai sau này.

 

Nguồn tin: Laodong.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner