Để giải quyết những vấn đề then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quảng Trị cần huy động, khơi thông các nguồn lực để tập trung cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Đặc biệt việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa bằng các cơ chế, chính sách có tính đột phá, trong đó hướng trọng tâm là cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đây là một trong những nội dung được đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ngày 23/4. Buổi làm việc nhằm trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
KH&CN góp phần giúp nền kinh tế Quảng Trị đạt tốc độ tăng trưởng khá
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh luôn xác định KH&CN có vị trí đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh địa phương. Vì vậy, những năm qua, lĩnh vực này được tỉnh chú trọng đầu tư, phát triển, đặc biệt trong công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KH&CN, góp phần cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 -2020, đồng chí Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành KH&CN tỉnh Quảng Trị đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, bước đầu thực hiện thành công Đề án “Tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế”.
Các đề tài, dự án KH&CN đảm bảo nguyên tắc thực hiện theo hướng tập trung, chất lượng. Các nhiệm vụ phát triển KH&CN được điều chỉnh theo hướng giải quyết đồng bộ theo các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm, đầu tư xuyên suốt từ khâu nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, đưa vào áp dụng trong sản xuất để thương mại hoá các sản phẩm. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Các kết quả trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đưa kỹ thuật và công nghệ tiến bộ áp dụng vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 được triển khai thực hiện có hiệu quả…
Điểm nhấn của KH&CN Quảng Trị trong thời gian qua là công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN trong các ngành, lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đã có hơn 5.500 ha cây trồng được ứng dụng quy trình canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, với 2 sản phẩm 4 sao, 17 sản phẩm 3 sao... Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao và du lịch đều ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, có nhiều công trình, sản phẩm đạt chất lượng...
Mong muốn hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất, kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ địa phương trong việc triển khai một số đề tài, dự án KH&CN: ứng dụng công nghệ GIS xây dựng bản đồ ngập lụt và cảnh báo thiên tai tại tỉnh Quảng Trị; điều tra, khảo sát thực trạng xây dựng bản đồ gió làm luận cứ để phát triển điện gió tại tỉnh Quảng Trị; phân tích thành phần dinh dưỡng đất đai, xây dựng bản đồ nông hoá- thổ nhưỡng làm cơ sở để quy hoạch và định hướng phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp phù hợp tại tỉnh; nghiên cứu, phát triển các loại chế phẩm vi sinh vật đất bản địa có khả năng phân huỷ tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhằm cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Quảng Trị; xây dựng mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến sâu các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ nguồn dược liệu quý của tỉnh Quảng Trị; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý chè vằng...
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng cho rằng, Quảng Trị có nhiều cơ hội để phát triển và nỗ lực phấn đấu đứng vào nhóm 30 tỉnh, thành phố phát triển của cả nước. Để làm được điều này, KH&CN đóng vai trò rất quan trọng. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Bộ KH&CN quan tâm hỗ trợ địa phương nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng giá trị trên từng diện tích vì xuất phát điểm của Quảng Trị là nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ quan tâm hỗ trợ về việc xây dựng các đề án cơ bản; hỗ trợ tỉnh xây dựng quy hoạch chung; đầu tư KH&CN cho các khu vực nông thôn; chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo...
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác và đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã thảo luận về những kết quả đã đạt được, một số khó khăn, vướng mắc cũng như phương hướng triển khai thực hiện phát triển KH&CN trong thời gian tới.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những thành tựu trong lĩnh vực KH&CN của tỉnh đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ cam kết sẽ quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa. Đồng thời, Bộ trưởng giao cho lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu, triển khai và sớm kết nối, hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Với mong muốn KH,CN&ĐMST ngày càng có những đóng góp thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, Bộ trưởng đề nghị, Quảng Trị cần quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển KH,CN&ĐMST; quan tâm đầu tư nghiên cứu ứng dụng và phát triển KH&CN; đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên; có giải pháp tiếp cận thành công các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó trọng tâm đến ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực ở địa phương;…
Bài, ảnh: Diệu Huyền