Để nâng tầm cho sản phẩm OCOP, Quảng Ninh áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất. Đó là cách "tiếp sức" hiệu quả cho doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.
Theo ông Lý Văn Phúc - Quản lý Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông - lâm - ngư nghiệp Phúc Long cho biết: Gà Tiên Yên được xem là sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Tiên Yên. Nếu như trước đây, huyện mới chỉ có các hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ thì nay, nhờ thực hiện hiệu quả các dự án ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong khâu tạo giống, xây dựng thương hiệu, gà Tiên Yên đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng toàn quốc.
Hiện công ty quy chẩn từ các quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, phối giống, ấp, nở trứng được lựa chọn kỹ lưỡng, có sự can thiệp của kỹ thuật, công nghệ. Nhờ đó, đã tạo được bộ giống gà Tiên Yên với đặc điểm di truyền ổn định, có đặc điểm nhận dạng đặc trưng. Đồng thời, tỷ lệ ấp nở giống gà Tiên Yên được nâng lên đáng kể, góp phần tăng sản lượng thương phẩm cho thị trường. Hiện trung bình mỗi tháng, Công ty sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 6 vạn con giống gà Tiên Yên thuần chủng cho các hộ chăn nuôi. Trong đó 95% nguồn cung ứng phục vụ nhu cầu tại chỗ, còn lại xuất ra một số tỉnh lân cận khác.
Cũng như sản phẩm gà Tiên Yên, nhờ ứng dụng KHCN nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. Được định hướng là một trong 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia, thương hiệu Chè Hải Hà hiện đang được chính quyền và các hộ sản xuất kinh doanh của Hải Hà quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng bền vững. Theo đó, nhiều công nghệ mới về thu hái, sao, sấy, chế biến, đóng gói đã được người trồng chè nơi đây chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến chè theo hướng chuyên nghiệp. Tiêu biểu như Công ty Thuấn Quỳnh đổi công nghệ sao chè bằng than sang bằng gas. Hay doanh nghiệp Dũng Nga đã đầu tư mới dây chuyền chế biến, bao gói hiện đại, trị giá 1,2 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số hơn 500 sản phẩm OCOP, trong đó 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao, gồm 3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao; có 31 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Được biết, để đồng hành với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể huyện Hải Hà cũng đã tích cực hỗ trợ kinh phí cho các khu trồng chè nâng cấp nhà xưởng, đầu tư máy móc hiện đại phục vụ thu hái, chế biến chè, hỗ trợ hoàn thiện bao bì, mã số, mã vạch, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè. Hiện mỗi năm huyện sản xuất hơn 1.000 tấn chè khô, một phần sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường nội địa, phần còn lại được xuất khẩu sang các nước Đông Á và Trung Đông.
Thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...
Theo ông Phạm Việt Trung - Giám đốc Công ty cho biết: Là một doanh nghiệp sản xuất dược liệu, nhờ việc áp dụng KH&CN tiên tiến trong quá trình hoạt động được Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc - Cẩm Phả đặc biệt chú trọng. Công ty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn. Các trang thiết bị kỹ thuật, máy móc được đầu tư hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất. Hiện, các sản phẩm của công ty, gồm trà giảo cổ lam; trà bổ gan, trà giải độc gan; trà diệp hạ châu; viên tiểu đường; viên chè vằng... đều là sản phẩm OCOP và xếp hạng 4 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.
Ông Trung cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm một loạt các sản phẩm mới và phấn đấu xây dựng thành thương hiệu OCOP, do đó, Công ty mong muốn, tiếp tục nhận được sự quan tâm từ phía các cơ quan nhà nước của tỉnh để chuyển giao thành công các công nghệ mới, tiên tiến phục vụ quá trình sản xuất, chế biến những sản phẩm này.
Theo ông Nguyễn Kiên- Giám đốc Trung tâm xúc tiến và Phát triển Công thương (Sở Công thương) cho biết: Trong tình hình mới, khâu áp dụng KH&CN vào sản xuất là yếu tố thúc đẩy thương mại, thị trường, khuyến khích doanh nghiệp OCOP. Bởi qua đó, đem lại doanh thu và đặc thù các doanh nghiệp OCOP thường sản xuất ra tiêu dùng ngay. Vì thế, việc này góp phần giải quyết nhiều khó khăn của doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, để sản phẩm OCOP của địa phương sẽ tiếp tục được phát triển theo chiều sâu, nâng tầm, nâng chất trên thị trường. Ban cũng sẽ tăng cường chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, trên cơ sở phát huy có hiệu quả phần mềm quản lý Chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, Website OCOP, Kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh. Đẩy mạnh việc hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm, tư vấn chuyển giao công nghệ trong chế biến sản phẩm OCOP. Đồng thời, Ban cũng sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực có lợi thế, đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, từ đó hướng tới hoàn thành mục tiêu đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.
Để tiếp tục nâng tầm chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã ứng dụng KH&CN vào sản xuất
Nguồn:diendandoanhnghiep.vn/