Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ bảy, 23/11/2024 , 12:35 pm
Cập nhật : 15/04/2011 , 08:04(GMT +7)
Quảng Nam: Thành lập Khu Bảo tồn Saola
Saola- một loài quý hiếm cần được bảo vệ
Ngày 14 tháng 4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã chính thức ký quyết định thành lập Khu Bảo tồn (KBT) Saola, trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm Quảng Nam, mang đến một hy vọng lớn cho loài Saola, một loài đặc hữu của vùng sinh thái dãy Trường Sơn, biểu tượng cho các giá trị đa dạng sinh học ở đây, đang đứng bên bờ tuyệt chủng.

Loài Saola được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1992 tại Hà Tĩnh. Tuy vậy, rất nhanh sau đó loài Saola đã phải đối mặt với nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn khi số lượng quần thể ngoài tự nhiên suy giảm nhanh chóng.

Sinh cảnh sống của Saola là tại các vùng rừng thuộc dãy Trường Sơn dọc theo biên giới Việt – Lào   nơi nắm giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học có tầm quan trọng thế giới với nhiều loại hình sinh thái đặc trưng của rừng nhiệt đới thường xanh, và được WWF xếp hạng là một trong hơn 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu.

Săn bắn, mất sinh cảnh, chia cắt sinh cảnh và ảnh hưởng từ tiếng ồn của các công trường xây dựng gần nơi Saola sinh sống đang là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy giảm về số lượng của loài trong những năm gần đây.

Saola hiện đang được xếp hạng vào nhóm các loài đang bị đe doạ tuyệt chủng trong sách Đỏ của Việt Nam, và “loài thú 8 triệu năm tuổi này có thể đang phải đối diện với một giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử tồn tại của mình” (Hardcastle và cộng sự, 2004). Số lượng cá thể Saola tại Việt Nam và Lào hiện tại được các nhà khoa học đưa ra với nhiều con số khác nhau, lạc quan nhất là có thể đến chưa đầy 100 cá thể (IUCN, 2009) và thấp nhất với con số dự đoán của nhóm công tác về Saola vùng Đông Dương là chừng vài chục cá thể.

Hơn nữa, các nhà khoa học vẫn chưa thể nghiên cứu được cách nuôi chúng trong điều kiện nuôi nhốt vì các cá thể thường bị chết ngay sau vài ngày bị bắt giữ. Vì vậy, sự tuyệt chủng của chúng trong tự nhiên đồng nghĩa với sự biến mất vĩnh viễn của loài này và không còn khả năng phục hồi và tái sinh.

Chiến dịch ‘Hãy hành động để cứu lấy Saola bây giờ hoặc không bao giờ” do WWF Mỹ phát động đã thu thập được 26.000 chữ ký từ các cá nhân thuộc 155 nước trên thế giới ủng hộ việc bảo tồn cấp bách loài thú này năm 2009.

Từ năm 2007, WWF cùng với cộng đồng địa phương, các nhà khoa học Việt Nam và các cán bộ bảo tồn tỉnh Quảng Nam đã tiến hành nhiều nghiên cứu về số lượng quần thể, mối đe dọa đối với loài, và khoanh vùng bảo tồn ưu tiên. Trước những số liệu đáng lo ngại về tình trạng của loài Saola hiện nay, WWF đã làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam để tiến hành thành lập các Khu Bảo tồn (KBT) Saola tại Quảng Nam. Trước đó, khu bảo tồn Saola tại Thừa Thiên Huế và khu Vườn quốc gia Bạch Mã mở rộng đã được thành lập.

Khu bảo tồn tự nhiên Saola ở tỉnh Quảng Nam nằm ở một khu vực có nơi cao nhất là 1298m. Nơi đây có các thung lũng hẹp với dòng chảy và thác dốc, tạo điều kiện sống cho loài Saola. Sự ra đời của KBT sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đất thấp điển hình ở dãy Trường Sơn, chứa đựng trong nó nhiều loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới đang bị đe doạ tuyệt chủng.

Ông Đặng Đình Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam kiêm Giám đốc khu bảo tồn quốc gia Saola cho biết: “Chúng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sâu sắc của UBND tỉnh, các ngành, địa phương liên quan và sự hợp tác chặt chẽ với WWF, Ban Quản lý sẽ thực hiện tốt công việc bảo tồn loài Saola, không những giúp loài thú này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, mà còn có giá trị lâu dài đối với việc phát triển kinh tế và duy trì tính đa dạng sinh học cho khu vực.”

Bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF Chương trình Việt Nam phát biểu “Việc phê duyệt thành lập ba KBT Saola thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ từ phía chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam  trong việc bảo vệ sự sống còn của loài thú đặc hữu này. KBT Saola tại Quảng Nam cùng với KBT Saola tại Thừa Thiên Huế và khu vực mở rộng của Vườn Quốc gia Bạch Mã, sẽ tạo một hành lang đa dạng sinh học nối liền các cánh rừng Trường Sơn được bảo tồn từ bờ Đông của Việt Nam với khu vực phía Tây Vườn Quốc gia Xe Sap của Lào, hình thành một sinh cảnh lớn cho Saola và các loài thú lớn khác sinh sống. Ngoài ra, việc bảo tồn và gìn giữ vùng sinh cảnh rừng này sẽ góp phần không nhỏ vào việc hấp thụ khí các bon góp phần vào cuộc chiến chống lại sự biến đổi của khí hậu và nóng lên toàn cầu.”

Minh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner