Để hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2024, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Biển và Hải đảo Việt Nam. Đặc biệt, Bộ đã ban hành, triển khai nhiều chương trình KH&CN nhằm nghiên cứu, đẩy mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển.
Ngày Đại dương thế giới 8/6 hằng năm do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự nỗ lực, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới cùng bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương; cùng tôn vinh những giá trị của đại dương cho sự sống, sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nhân loại. Đại dương nuôi sống nhân loại và mọi sự sống trên trái đất, nhưng những hiểu biết của chúng ta về đại dương còn rất hạn chế. Các tác động và hậu quả thảm khốc gây ra cho đại dương đang được báo động ở nhiều nơi trên thế giới.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 8/6 hằng năm. Đây là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển, thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên môi trường vùng biển, đảo bền vững. Đồng thời, với việc đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể sẽ thực hiện các mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển để đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Ảnh minh họa.
Với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, và chủ đề trọng tâm của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2024 là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”, thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung vào những hoạt động: Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2024 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, sáng tạo; đổi mới phương thức, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin, mạng xã hội, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.
Đặc biệt, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”, mã số KC.09/21-30 được triển khai từ năm 2021 với mục tiêu: Xác lập cơ sở và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển và quản trị bền vững kinh tế biển, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; Cung cấp luận cứ khoa học nhằm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học biển, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì nguồn vốn tự nhiên biển; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển tại các vùng biển và ven biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị kinh tế biển; Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KC.09/21-30 phát biểu tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562), năm 2024, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai 08 nhiệm vụ về Khoa học biển.
Thông qua những chương trình, nhiệm vụ đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển, đảo của Việt Nam… Đồng thời, tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục bám sát vào nội dung của các Nghị quyết, khung Chương trình do Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt như: tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề lớn như bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phòng và chống sạt lở, xâm nhập mặn, giống thủy sản, mô hình hiệu quả và bền vững...; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế biển của các địa phương có biển, đảo và gắn với doanh nghiệp; nâng cao vị thế ngành khoa học biển, gắn với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam thông qua các công bố quốc tế về khoa học biển; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ, ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có thế mạnh về KH&CN biển trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Tin, ảnh: Thùy Linh