Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:35 pm
Cập nhật : 04/05/2010 , 10:05(GMT +7)
Quản lý khoa học và công nghệ: Nhìn lại chặng đường 50 năm
50 năm xây dựng và phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã không ngừng khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt nhất trọng trách của một cơ quan tham mưu, giúp Đảng và Chính phủ quản lý thống nhất về KHCN trong phạm vi cả nước.

Bộ đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vai trò "quốc sách hàng đầu", nền tảng và động lực của CNH-HĐH, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức các thế hệ của Bộ, cùng các nhà quản lý KHCN, lực lượng nghiên cứu KH trong nước và trí thức người VN ở nước ngoài.

Giai đoạn 1959-1975

Miền Bắc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cải tạo và phát triển kinh tế theo con đường XHCN. KH&KT bắt đầu phát triển. Các tổ chức KH đầu tiên ở miền Bắc được hình thành (8 viện nghiên cứu, 6 trường ĐH, một số trường trung học chuyên nghiệp và khoảng 2000 cán bộ KHKT trình độ đại học).

UB KH Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác KH và trực tiếp tổ chức đưa các tiến bộ KH, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và quốc phòng, góp phần làm cho các phong trào sáng kiến, các phong trào thao diễn kỹ thuật phát triển khá nhanh.

Điển hình là Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Duyên Hải. Đây cũng chính là giai đoạn chúng ta tiếp nhận được các tiêu chuẩn kỹ thuật và làm chủ quy trình vận hành Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà và Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, đảm bảo cung cấp điện năng cho những hoạt động thiết yếu nhất của sản xuất và một phần đời sống nhân dân.

Nhờ việc nghiên cứu ứng dụng các giống cây lương thực mới, các quy trình gieo cấy tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đã xuất hiện cánh đồng 5 tấn, 10 tấn ở nhiều địa phương, điển hình nhất là tỉnh Thái Bình, bảo đảm lương thực không chỉ cho miền Bắc mà còn chi viện cho quân và dân miền Nam.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực y dược cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, những công trình nghiên cứu về sốt rét, về lây nhiễm, da liễu, ngoại khoa đã phục vụ kịp thời việc chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và hàng triệu chiến sĩ quân đội trên chiến trường. Đó là những công trình gắn liền với tên tuổi các tập thể KH, đứng đầu là các Giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng,...

Khi đế quốc Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, quân và dân ta phải đối mặt với cuộc chiến tranh kỹ thuật cao. Hàng trăm công trình nghiên cứu đã được đề xuất và thực hiện, dưới sự chủ trì hoặc phối hợp của UB KH Nhà nước với các bộ, ngành, đặc biệt là với các đơn vị lực lượng vũ trang.

Hệ thống các công trình nghiên cứu chống nhiễu ra đa phục vụ các binh chủng phòng không, không quân; các giải pháp chống nhiễu và duy trì các đài phát cho hệ thống thông tin vô tuyến; các nghiên cứu cải tiến vũ khí, trong đó có tên lửa phòng không SAM-2 bắn hạ máy bay B-52 trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"; các kết quả của công trình rà phá bom và thuỷ lôi từ trường giải toả cảng Hải Phòng đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH.

Phó Thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ Uỷ ban KH&KT Nhà nước (1976). Nguồn: TCHĐKH.

Giai đoạn 1976-1992

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, dân tộc VN bước vào giai đoạn lịch sử mới "cả nước độc lập thống nhất và làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng XHCN". Ngành KHCN tham gia tích cực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1981 về Chính sách KH&KT, UB KH Nhà nước đã tổ chức lại hoạt động KH&KT của các ngành, các địa phương trong cả nước, phục vụ có hiệu quả hơn các yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng các chương trình KHCN quốc gia, chỉ đạo xây dựng các chương trình KHCN các ngành, địa phương phục vụ trực tiếp các chương trình: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
 
Thành tựu KHCN nổi bật trong thời kỳ này là: Nông nghiệp đã đưa năng suất lúa lên 28,5 tạ/ha/vụ và tổng sản lượng lương thực lên tới 18,2 triệu tấn/năm; y dược đã giải quyết có hiệu quả các bệnh sốt rét và sốt xuất huyết; áp dụng thành công một số kỹ thuật hiện đại như vi phẫu thuật, ghép giác mạc; đã bào chế được nhiều lọai thuốc từ nguyên liệu trong nước; công nghiệp đã thiết kế chế tạo được một số dây chuyền sản xuất công nghiệp, một số phương tiện vận tải thuỷ quy mô nhỏ và vừa; đã áp dụng có kết quả nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong thi công các công trình lớn như Nhiệt điện Phả lại, Thuỷ điện Hòa Bình, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương...; đã bước đầu xây dựng công nghiệp điện tử ở nước ta...

Trong lĩnh vực KH xã hội, từ năm 1986, căn cứ trên cơ sở các luận cứ KH và tổng kết tình hình thực tiễn BCH TƯ Đảng đã quyết định bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng CNXH.

Giai đoạn 1993-2009

Đất nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện từ sau Đại hội Đảng VI và tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH. Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, Bộ KHCN đã tham mưu và đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng các chủ trương, đường lối về phát triển KHCN của Đảng và Nhà nước: Nghị quyết TƯ 7 (1994); Nghị quyết Đại hội VIII (1996), Nghị quyết TƯ 2 (1996) về định hướng chiến lược phát triển KHCN trong thời kỳ CNH, HĐH; Nghị quyết Đại hội IX (2001), Kết luận của Hội nghị TƯ 6 (2002) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 2 (Khoá VIII) và phương hướng phát triển KHCN đến năm 2010.

Nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng XHCN, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, Nhà nước đã tập trung huy động toàn lực đội ngũ các nhà lập pháp và hoạch định chính sách KHCN xây dựng và hoàn thiện nền tảng pháp lý và đưa hệ thống các đạo luật chuyên ngành vào thực tiễn cuộc sống. Chỉ trong 10 năm gần đây, hệ thống pháp luật về KHCN đã cơ bản được hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành điều chỉnh thống nhất, đồng bộ, toàn diện các hoạt động KHCN, thể hiện tập trung các đổi mới mang tính đột phá về tư duy và hệ quan điểm.

Bên cạnh đó, Bộ KHCN tiếp tục đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động KHCN nhằm giải phóng tối đa năng lực nghiên cứu, sáng tạo của mọi tổ chức và cá nhân trong hoạt động KHCN; nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo ra bước đột phá mới trong hoạt động KHCN gắn với thị trường và DN, coi doanh nghiệp là trọng tâm của đổi mới công nghệ.

Hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách tiến bộ này đã có tác động tích cực đến đời sống kinh tế-xã hội và KHCN những năm qua. Chất lượng, trình độ nghiên cứu và tốc độ thương mại hoá các kết quả KHCN trong thực tiễn được nâng cao, đóng góp tỉ trọng đáng kể thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, viễn thông...

Với vai trò quan trọng trong việc triển khai các cam kết của VN về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật trong thương mại khi gia nhập WTO, hoạt động sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được Bộ tập trung chỉ đạo, tổ chức đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN và hỗ trợ các DN phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ để duy trì thế mạnh cạnh tranh của DN trên thị trường nội địa và nước ngoài.

Hệ thống gần 6000 Tiêu chuẩn quốc gia và mạng lưới đo lường - kiểm định đã có đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá và bảo vệ người tiêu dùng VN. Thị trường công nghệ tiếp tục được mở rộng và phát triển. Từ năm 2003 đến nay, thông qua các chợ công nghệ và thiết bị, đã có hơn 3.000 sản phẩm công nghệ và thiết bị được mua bán với tổng giá trị trên 6.000 tỉ đồng.

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng cán bộ KHCN VN đã luôn nỗ lực, cống hiến, đồng hành cùng với đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong thời chiến, trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và giai đoạn đẩy mạnh CNH và HĐH đất nước.

Trong những năm tới, cùng với sự phát triển của đất nước, sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của Đảng và Nhà nước, lực lượng cán bộ KHCN sẽ có nhiều thành tựu để góp phần đưa VN trở thành một quốc gia giàu mạnh, có vị thế cao trên trường quốc tế.

 
Thu Uyên

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner