Giáo sư khoa học và kỹ thuật vật liệu Micheal Kessler của Đại học Iowa và đồng nghiệp đang nghiên cứu và phát triển một loại polymer sinh học tái tạo mới có khả năng tự liền lại khi bị xuống cấp và nứt gãy. Nếu thành công, vật liệu mới này sẽ có thể là giải pháp thay thế cho các loại nhựa hóa dầu hiện nay.
Công nghệ bao gồm một hệ thống chứa các xúc tác và những con nhộng siêu nhỏ (microcapsule) chứa một chất lỏng keo giúp gắn liền bên trong một hỗn hợp. Khi các vết nứt bắt đầu xuất hiện, chúng sẽ phá vỡ các viên nhộng và giải phóng chất lỏng keo. Chất lỏng này tiếp xúc với xúc tác và phản ứng bằng cách tạo thành các chuỗi polymer 3 chiều lấp đầy các vết nứt, giúp tăng tuổi thọ cho vật liệu và giảm thời gian bảo trì.
Theo giáo sư Kessler, vấn đề lớn nhất đặt ra cho họ là làm thế nào nâng hiệu suất chữa liền của polymer sinh học tái tạo lên 90% cho các vật liệu hỗn hợp chuẩn hiện nay. Ngoài ra, các nhà khoa học còn đang nghiên cứu một số kỹ thuật bao bọc để hỗ trợ cho polyme sinh học tái tạo và phát triển các tác nhân sinh học giúp sửa chữa vật liệu khác.Toàn bộ dự án nghiên cứu của giáo sư Kessler được tiến hành trong 5 năm, với mức hỗ trợ tài chính 400.000 USD do Chương trình phát triển tài năng mới thuộc Quỹ nghiên cứu Khoa học quốc gia tài trợ.