Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 06:45 pm
Cập nhật : 26/11/2022 , 11:11(GMT +7)
Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam là công trình có giá trị cao về KH&CN
Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của cố GS. NGND. Đinh Xuân Lâm
Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của cố GS. NGND. Đinh Xuân Lâm là công trình có giá trị cao về khoa học và công nghệ và có tác dụng ảnh hưởng lớn trong xã hội. Công trình đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6.

Giá trị cao về mặt khoa học

Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” do NXB Giáo dục ấn hành năm 2015, dài 645 trang, bao gồm 5 phần: Từ Cần Vương đến Duy Tân; Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam; Khía cạnh quốc tế của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam; Nhưng nhân vật lịch sử tiêu biểu; Mấy vấn đề tư liệu, sử liệu học và nguyên tắc đánh giá nhân vật lịch sử.

Công trình là tuyển tập gồm 70 trong tổng số hơn 400 công trình nghiên cứu trong suốt nửa thế kỷ cầm bút (từ năm 1962-2005) của GS. Đinh Xuân Lâm. Những đóng góp của các công trình nghiên cứu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần định hướng, điều chỉnh một số quan điểm đánh giá những vấn đề, nhân vật lịch sử còn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.

Thứ nhất là, công trình có đóng góp lớn trong nghiên cứu và làm sáng tỏ diện mạo, nội dung, đặc điểm, tính chất và vai trò vị trí của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối nửa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, trong đó là trọng tâm các cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ như Hương Sơn – Hương Khê, Ba Đình – Hùng Lĩnh, Bãi Sậy – Hai Sông và phong trào nông dân Yên Thế. Bên cạnh đó, công trình còn trình bày, nêu bật được những nhận định khoa học mang tính tổng kết về đặc điểm, bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam.

Thứ hai là, công trình đã đi sâu khảo sát, nghiên cứu về tiểu sử, hành trang của các nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, trên cơ sở đó khẳng định đóng góp và ảnh hưởng quan trọng của họ đối với lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX như: Trương Định, Tống Duy Tân, Hoàng Diệu, Đào Duy Anh… đặc biệt là những nhận định đánh giá khách quan, có tính thuyết phục cao của GS. Đinh Xuân Lâm về những nhân vật lịch sử có hành trang phức tạp, gây nhiều tranh cãi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh… đã có tiếng vang rất lớn trong giới khoa học xã hội và nhân văn trong nước, có ý nghĩa định hướng trong việc hình thành nên những quan điểm, nhận thức hiện đại của giới nghiên cứu trong bối cảnh đổi mới, hội nhập.

Thứ ba là, công trình đã có đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Khác với những công trình đương thời chỉ đi sâu khai thác và trình bày các khía cạnh, đóng góp cụ thể của Hồ Chí Minh, những nghiên cứu của GS. Đinh Xuân Lâm mang tầm khái quát cao khi đánh giá công lao và đóng góp của Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng thế giới thế kỷ XX. Qua công trình, người đọc không chỉ hiểu được đầy đủ và toàn diện hơn tầm vóc của Hồ Chí Minh đối với cách mạng và dân tộc Việt Nam, mà còn thấy rõ ảnh hưởng và vai trò của Người với tư cách một nhà cách mạng nổi tiếng, danh nhân văn hóa thế giới đối với phong trào chống thực dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới. Có thể nói, đối với nghiên cứu Hồ Chí Minh ở Việt Nam, GS. Đinh Xuân Lâm là một trong số những người tiên phong và gặt hái được nhiều thành công nổi trội nhất.

Cùng với đó, công trình còn góp phần làm thay đổi nhận thức và cách đánh giá của giới Sử học Việt Nam về một số vấn đề nhạy cảm đã gây ra các cuộc tranh luận trong nhiều chục năm kể từ sau năm 1954.

Bằng các công trình nghiên cứu của mình, GS. Đinh Xuân Lâm đã cùng các đồng nghiệp, học trò do ông trực tiếp đào tạo mạnh dạn đổi mới tư duy và các phương pháp nghiên cứu lịch sử, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu lịch sử và nền Sử học Việt Nam hiện đại có những bước tiến đáng kể trên cả phương diện phương pháp luận và nhận thức đối với nhiều vấn đề lịch sử dân tộc, nhất là trong thời kỳ cận – hiện đại.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa cho biết: Cuốn sách “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” là tuyển tập các công trình của tác giả viết về chủ đề cuộc kháng Pháp trước khi có Đảng ra đời. Đây là hướng nghiên cứu khó, đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tinh tiếng Pháp, có kiến thức sâu rộng về thời kỳ thực dân và đặc biệt là sự say mê khoa học. Những gì được thể hiện trong cuốn sách Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam là kết tinh của tất cả những điều nói trên.

Cố Giáo sư Đinh Xuân Lâm (cùng với cố GS. Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng) làm thành bộ tứ được trong và ngoài giới sử gia đánh giá là trụ cột của nền sử học cách mạng Việt Nam. Đóng góp lớn có thể coi là giá trị cao về khoa học và công nghệ của các công trình này là tính mở đường và đặt nền móng  cho nhận thức khoa học về lịch sử Việt Nam thời kỳ Cận đại. Cho đến nay về cơ bản những phát hiện, những luận chính về phân kỳ và đánh giá các sự kiện của giai đoạn lịch sử từ 1858 đến 1930 của cố Giáo sư Đinh Xuân Lâm vẫn được sử dụng trong các bộ thông sử, giáo trình và chương trình giảng dạy lịch sử ở các cấp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6 cho các tác giả, đại diện tác giả, đồng tác giả

Công trình có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội

Thông qua các công trình nghiên cứu và các bài giảng được tiến hành trong suốt nửa thế kỷ (từ năm 1956 đến cuối nhữn năm 1990), GS. Đinh Xuân Lâm còn góp phần đào tạo, hình thành nên các thế hệ nhà sử học Việt Nam hiện đại, những người đang trực tiếp hoặc gián tiếp nghiên cứu, khám phá và dẫn dắt nền Sử học nước nhà trên các cương vị và vai trò khác nhau.

Không chỉ các ảnh hưởng ở Việt Nam, công trình nghiên cứu của GS. Đinh Xuân Lâm còn được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong  nghiên cứu và giảng dạy ở nhiều trường đại học nước ngoài. Bản thân ông cũng đã từng có dịp giới thiệu, trao đổi các kết quả nghiên cứu này tại Pháp, Hà Lan, Madagatxca… trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Đó chính là lý do đã khiến ông trở thành một cây đại thụ trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo ngành Lịch sử ở Việt Nam, được các thế hệ học trò tôn vinh là một trong “Tứ trụ” của Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội à Nhân văn, Đại học Quốc gia, Hà Nội.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang khẳng đinh, các công trình nghiên cứu được tuyển chọn trong cuốn sách Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt nam từng được công bố trong các thời kỳ khác nhau và luôn có ảnh hưởng sâu rộng trong giới nghiên cứu và xã hội, giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm các phong trào yêu nước chống thực dân trước khi Đảng ra đời, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng lý giải vì sao các phong trào đấu tranh quả cảm như vậy cuối cùng đều thất bại, làm rõ thêm công lao vĩ đại của Đảng cộng sản Việt Nam.

Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của GS. Đinh Xuân Lâm đã thổi một luồng gió mới nhằm đổi mới tư duy, các phương pháp tiếp cận và nghiên cứu lịch sử, trực tiếp giải quyết một số phức tạp của lịch sử cận – hiện đại, góp phần khẳng định và soi rọi những giá trị tốt đẹp của truyền thống yêu nước và cách mạng Việt Nam được kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Công trình không chỉ được dùng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học và phục vụ yêu cầu tìm hiểu, giáo dục tinh thần yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, mà còn được sử dụng như một tài liệu khoa học có giá trị cao trong nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam ở nước ngoài.

Bài, ảnh: Bảo Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner