Trong khuôn khổ Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần 5 đã diễn ra Phiên họp toàn thể về chủ đề Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân vào sáng ngày 25/8. Phiên họp do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) và Đại tá Nguyễn Xuân Đĩnh, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học đồng chủ toạ.
Phiên họp đã nghe các báo cáo được trình bày và thảo luận về các vấn đề liên quan đến ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Mở đầu phiên họp, ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh trình bày về “Xây dựng năng lực và triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố phóng xạ xuyên biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 – 2025”. Báo cáo chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố trên địa bàn tỉnh gồm: phát hiện và cảnh báo sớm sự cố, phương án huy động nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai hoạt động thông tin truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thống kê dân cư khu vực bị ảnh hưởng. Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn, vướng mắc gặp phải và đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố phóng xạ xuyên biên giới cấp tỉnh.
Thượng tá Đinh Tiến Hùng, Viện Hoá học và Môi trường quân sự giới thiệu tại Hội nghị những kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học của Viện Hoá học và Môi trường quân sự, Binh chủng Hoá học trong những năm gần đây. Các kết quả nghiên cứu phục vụ nâng cao công tác huấn luyện và sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của Bộ đội hoá học. Các công nghệ, kỹ thuật nền quan trọng đã được các nhóm nghiên cứu làm chủ như xử lý tín hiệu số (DSP), trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn, mô phỏng phát tán phóng xạ,... Các sản phẩm khoa học nổi bật cũng được giới thiệu trong báo cáo này như Robot trinh sát phóng xạ, trạm quan trắc phóng xạ cố định (ERMS), hệ thống bản đồ trực tuyến, hệ thống mô phỏng phát tán phóng xạ trong nước biển, không khí, hệ thống chuẩn liều bức xạ,.... Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất các giải pháp, cơ chế để tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu của đơn vị nhằm đáp ứng các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Liên quan đến công tác ứng phó y tế sự cố bức xạ, hạt nhân, Đại tá Nguyễn Văn Mùi, Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội báo cáo về Thực trạng và đề xuất xây dựng tổ chức, lực lượng ứng phó tại Việt Nam. Báo cáo đề xuất xây dựng các tổ, đội cấp cứu nhiễm xạ kiêm nhiệm lấy từ biên chế của các bệnh viện để sẵn sàng cơ động cứu chữa nạn nhân tại hiện trường sự cố bức xạ, hạt nhân. Đồng thời, Bộ Y tế cần giao nhiệm vụ cho một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương để hình thành tuyến cứu chữa tại bệnh viện cho các nạn nhân.
Tiếp đó, KS. Cao Văn Hiệp, Viện Hoá học và Môi trường quân sự giới thiệu về Kết quả nghiên cứu, thiết kế tích hợp thiết bị trinh sát phóng xạ đường không dùng trong ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng thành công một hệ thống cho phép trinh sát các nguồn phóng xạ trên không phù hợp với điều kiện Việt Nam, tự chủ về mặt công nghệ, chi phí thấp và dễ dàng nâng cấp các tính năng hoạt động.
Hội nghị cũng được nghe 2 hướng dẫn về xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh cũng như trao đổi về nội dung đề xuất sửa đổi Thông tư 25/2014/TT-BKHCN và Hướng dẫn nhận dạng và khai báo sự cố bức xạ trong y học bức xạ.
Tin, ảnh: Bảo Chi