Với nhiều nước trên thế giới, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ là bệ phóng để hình thành những doanh nghiệp công nghệ cao... Còn nước ta, theo đánh giá chung, hầu hết các vườn ươm hiện nay đều đang trong giai đoạn đầu của quá trình ươm tạo, do đó còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về hình thành pháp nhân, bộ máy, cơ chế điều hành, nguồn nhân lực và vốn...
Việt Nam đã hình thành một số mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, đó là: mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học: Vườn ươm thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội; mô hình vườn ươm thuộc doanh nghiệp: Vườn ươm các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Tập đoàn FPT; vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc... Đặc biệt, hiện nay là mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quản lý nhằm tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng và nghiên cứu thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, chế thử sản phẩm và thành lập doanh nghiệp.
Qua thực tế triển khai chương trình thử nghiệm vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh (nơi có nhiều vườn ươm doanh nghiệp công nghệ nhất) từ năm 2007 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác và hỗ trợ trường Đại học Nông lâm, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và các đơn vị có liên quan hình thành ba mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ với các hệ thống hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và dịch vụ đi kèm. Mỗi vườn ươm đều có năm doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu của quá trình ươm tạo; đến nay đã hình thành 15 doanh nghiệp mới với tổng số lao động trên 50 người. Dự kiến trong thời gian tới, mỗi vườn ươm sẽ xét tuyển hai đến ba doanh nghiệp mới hàng năm...
Tại hội nghị đánh giá kết quả qua ba năm thực hiện chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù khá hoàn thiện về chiến lược hoạt động, địa điểm, hạ tầng cơ sở, lĩnh vực ươm tạo, một số vườn ươm còn chậm hình thành pháp nhân, bộ máy và cơ chế điều hành, tiêu chí xét tuyển và tốt nghiệp, trùng lắp hoạt động giữa các vườn ươm…
Các kế hoạch kinh doanh của vườn ươm chưa được điều chỉnh, bổ sung theo thực tế triển khai; chưa có đủ mạng lưới chuyên gia và dịch vụ chuyên nghiệp trong nước nhằm phục vụ công tác ươm tạo; các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp còn ở mức cơ bản. Nguồn tài chính đầu tư hiện nay cho các vườn ươm (chủ yếu từ trường đại học, ngân sách nhà nước) còn hạn chế và mang tính chất thử nghiệm. Các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn chưa quan tâm nhiều đến chương trình.
Tiến độ triển khai vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học thường chậm so với kế hoạch vì: cán bộ kiêm nhiệm nhiều, thời gian dành cho hoạt động của vườn ươm còn hạn chế, mức lương thấp khiến khó tìm được cán bộ quản lý vườn ươm chuyên nghiệp. Chất lượng doanh nghiệp đầu vào còn hạn chế, doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chưa hoàn chỉnh, mang tính lý thuyết.
Đặc biệt, vấn đề pháp lý và thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ trường đến doanh nghiệp chưa được chuẩn bị kỹ trước khi doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, kỹ năng quản lý vườn ươm theo mô hình doanh nghiệp (nhưng phi lợi nhuận), thiếu mạng lưới chuyên gia thường trực để hỗ trợ tư vấn và tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp; hệ thống hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật (phòng thí nghiệm, mặt bằng sản xuất thử nghiệm…) của các trường đại học còn chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp.
Do đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần cho phép tiếp tục triển khai thử nghiệm vườn ươm đến năm 2013 và các bộ, ngành có liên quan nhanh chóng đưa Chương trình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ vào kế hoạch kinh phí khoa học và công nghệ hàng năm.
Mô hình vườn ươm có thể kết hợp cả hai hình thức: hỗ trợ miễn phí doanh nghiệp (dùng ngân sách thành phố) đối với các dịch vụ tư vấn cơ bản và thu phí một phần hoặc toàn phần đối với các dịch vụ chuyên sâu nhằm đảm bảo chất lượng hỗ trợ tốt nhất, nâng cao hình ảnh và góp phần từng bước tự chủ về tài chính cho vườn ươm…
(Theo Báo Công thương)