Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ- TTg một lần nữa đã khẳng định rõ khoa học và công nghệ đóng vai trò chủ đạo, tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đầu tư khoa học công nghệ các lĩnh vực còn hạn chế
Quá trình đổi mới đã khẳng định khoa học công nghệ thực sự là lực lượng sản xuất, là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH với tốc độ cao và bền vững. Các kết quả của hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đóng góp tích cực và tăng trưởng của ngành nông nghiệp nước nhà. Đến nay, giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 35%; năng suất nhiều loại cây trồng vật nuôi gia tăng đáng kể, đạt mức tiên tiến so với thế giới như lúa, cà phê, cao su, hạt tiêu, cá tra… Nhiều công trình thủy lợi ứng dụng công nghệ mới đã được xây dựng, nhiều giống cây lâm nghiệp mới đã được chọn tạo phục vụ trồng rừng, nhiều nghiên cứu khoa học đã được xây dựng phục vụ cho quy hoạch, xây dựng chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, theo nhận định của đại diện của Bộ NN và PTNT thì đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn mặc dù có gia tăng nhưng vẫn còn thấp và xa so với các nước trong khu vực. Nguồn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, trong khi các nguồn đầu tư khác đặc biệt từ doanh nghiệp còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, tiềm lực khoa học công nghệ còn nhiều yếu kém, cơ sở hạ tầng nhiều tổ chức khoa học công nghệ lạc hậu, trang thiết bị thiếu hoặc không bộ…
Liên quan đến dịch vụ y tế, trong những năm qua, công nghệ y tế của nước ta đã định hướng khá rõ nét đối với kỹ thuật y học cơ bản, đạt được những thành tựu đáng kể. Ngày nay công nghệ là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm, thương hiệu và doanh thu. Tuy nhiên, đối với công nghệ y tế, công nghệ và người làm chủ công nghệ mặc dù cũng quyết định chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh tật, phòng bệnh… nhưng chưa mang lại doanh thu, bởi “sản phẩm” dịch vụ y tế là sản phẩm đặc biệt “phi lợi nhuận”. Như vậy yếu tố động lực phát triển công nghệ y tế sẽ không mạnh nếu như người mua dịch vụ y tế hoặc không được trả công cho người cung cấp dịch vụ một cách thỏa đáng. Khi nền kinh tế phát triển và hội nhập, nhu cầu khám, chữa bệnh sẽ ngày càng tăng, nhu cầu khám, chữa bệnh có chất lượng cao cũng gia tăng nhanh chóng, đã xuất hiện tình trạng cung không cân đối cầu do đó dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa, ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Thực chất không phải vì chúng ta thua kém về công nghệ, kỹ thuật mà về khả năng cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao bị hạn chế về số lượng cũng như cơ chế chi trả “thu bù chi” như hiện nay.
Trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã chủ động từng bước hoàn thiện các quy định về phân bổ ngân sách, xây dựng dự toán đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ… Nhiều chính sách ưu đãi mới về tài chính cho các cơ sở khoa học công nghệ đã được Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện như các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được trích 10% thu nhập tính thuế hàng năm thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ; bảo đảm bố trí đủ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các tổ chức khoa học công nghệ chưa gắn với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể về sản phẩm khoa học công nghệ cần thực hiện. Cơ chế tài chính hiện hành trong việc phân bổ kinh phí chi thường xuyên chưa gắn với các yêu cầu cụ thể. Việc ấn định phân bổ tỷ lệ 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho phát triển khoa học công nghệ đã dẫn đến tình trạng bố trí ngân sách hàng năm cho một số trường hợp không thực sự căn cứ theo hiệu quả hoạt động, năng lực, nhu cầu thực tế; triển khai Nghị định 115/2005/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ công lập còn chậm, thiếu sự kiên quyết trong việc phân loại các tổ chức khoa học và công nghệ…
Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011-2020 đặt một số mục tiêu cụ thể gồm: các thành tựu của khoa học công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng góp 40% giá trị gia tăng nông nghiệp đến năm 2015; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghẹ cao chiếm tỷ trọng 30% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% đến năm 2020… Trong đó phát triển, hoàn thiện hệ thống tổ chức nghiên cứu nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển nguồn nhân lực; đổi mới quản lý hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 0,3% GDP vào năm 2015 và 0,5% vào năm 2020…
Để thực hiện thành công định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ lĩnh vực y, dược trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, Bộ Y tế sẽ triển khai một số mục tiêu cụ thể, từ nay đến năm 2015, nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh; làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất các loại vaccine thế hệ mới bằng công nghệ đáp ứng nhu cầu phòng và điều trị các dịch bệnh nguy hiểm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng… trong giai đoạn từ năm 2016-2020. Theo Bộ Y tế thì hiện nay, các tổ chức khoa học và công nghệ y tễ vẫn chưa chuyển đổi kịp và khó chuyển đổi theo cơ chế thị trường, do vậy, đề nghị Chính phủ có cơ chế tăng đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực y tế, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập ngành y tế.
Nhằm đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học công nghệ đến năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bảo đảm bố trí nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sấch nhà nước cho hoạt động khoa học công nghệ. Thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ tổ chức và hoạt động khoa học công nghệ để bảo đảm chi có hiệu quả 2% tổng chi ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng nhiều kết quả nghiên cứu không được ứng dụng như hiện nay. Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước phát triển khoa học công nghệ; Đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính với đơn vị sự nghiệp khoa học công lập…
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI đã nêu rõ: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”. Rõ ràng để chiến lược đi vào cuộc sống và phát huy trên thực tế, rất cần có sự đồng thuận và tham gia tích cực của các ban, ngành, đội ngũ các nhà khoa học công nghệ và các tầng lớp xã hội.
Nội dung của Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 gồm: Phát triển khoa học công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Tập trung thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chủ yếu: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động khoa học công nghệ; Nhà nước tăng mức đầu tư và ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia, các sản phẩm quốc gia…
|