Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 12:15 am
Cập nhật : 24/08/2012 , 13:08(GMT +7)
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Tạo lực đẩy doanh nghiệp vào cuộc
Công nghệ cao (CNC) là hướng đi duy nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa khi mà các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động đều bị giới hạn. Nếu doanh nghiệp (DN) không tham gia vào quá trình này e rằng sẽ khó thành công.

Thời gian qua, Hà Nội là một trong số ít địa phương đưa việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, đã thu được kết quả khả quan, trong đó phải kể đến hiệu quả của mô hình 1.000ha chuyên canh hoa ở 3 xã Mê Linh, Tiền Phong, Tráng Việt (huyện Mê Linh). Tại đây, các quy trình mới gồm tạo giống tốt, nhà lưới, vườn ươm, kho mát bảo quản, đóng gói hoa trình độ cao đã được áp dụng. Hà Nội còn triển khai nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả, nuôi thủy sản ứng dụng CNC. Cụ thể như nuôi bò sữa (Gia Lâm), trồng hoa, cây cảnh (huyện Từ Liêm và quận Tây Hồ), cam bưởi (huyện Hoài Đức và Từ Liêm), thủy sản (xã Đông Mỹ - Thanh Trì), rau an toàn tại Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Vân Nội (Đông Anh)... Không riêng Hà Nội, một số địa phương khác như Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng), TP Hồ Chí Minh... cũng đã hình thành một số mô hình CNC. Tuy nhiên, những mô hình như trên chưa có nhiều, chủ yếu là vì thiếu sự tham gia của các DN.

Ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT đã thẩm định và công nhận 3 đơn vị là DN nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm Công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), Công ty TNHH Agrovina và Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH True Milk (Nghệ An). Việc chỉ có 3 đơn vị được công nhận cho thấy công tác triển khai giới thiệu và hướng dẫn cho các địa phương, DN, tổ chức, cá nhân về đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 còn chậm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa có kế hoạch cụ thể cũng như chưa đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng vùng nông nghiệp và khu nông nghiệp ứng dụng CNC.

Theo nhiều nhà khoa học, DN đầu tư cho nông nghiệp CNC giúp giải quyết vấn đề về vốn, đầu ra cho sản phẩm, đào tạo tay nghề cho nông dân, giúp nông dân yên tâm định canh định cư, xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, để thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực này, phải làm được ba việc chính: tạo quỹ đất lớn và tập trung cho DN; dẹp bỏ tư tưởng bảo thủ, hẹp hòi; xóa bỏ lối canh tác "ăn xổi". Kinh nghiệm tạo quỹ đất lớn của TH True Milk (Nghệ An), cách thức khuyến khích hình thức cho thuê quyền sử dụng đất dài hạn rất đáng để tham khảo.

Trong thực tế, nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất có độ rủi ro cao, thống kê trong thời gian gần đây cho thấy có không quá 5-6% số DN đăng ký mới đầu tư vào ngành này. Những đơn vị đầu tư thường là DN nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. Do đó, để đưa CNC vào nông nghiệp, quan trọng nhất chính là chính sách của Nhà nước về thị trường, đất đai và vốn (trong đó có vốn đầu tư, chính sách thuế…). Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để khuyến khích DN tham gia mạnh hơn nữa, Chính phủ cần hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để giảm rủi ro ở mức thấp nhất. Hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, tiêu chuẩn chất lượng cần được cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể. Ngoài ra, cần tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa thương vụ ở nước ngoài và DN trong nước. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào DN như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với việc đầu tư thiết bị, máy móc cho sản xuất nông nghiệp CNC, cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà tính theo mùa vụ sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC từ nay đến năm 2020, trong đó đặt vấn đề phải có sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ 3 đến 5 DN và từ 2 đến 3 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước...


Nguồn tin: Hà Nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner