Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 09:53 am
Cập nhật : 31/08/2021 , 11:08(GMT +7)
Phát triển ngành công nghiệp vật liệu: Tất yếu và cấp thiết
Các ngành công nghiệp vật liệu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các thị trường sản xuất, là điều kiện cần thiết để phát triển nền công nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp vật liệu

Vật liệu công nghiệp là nguyên liệu đầu vào cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp cũng như có hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành công nghiệp, như: Công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, điện tử, hóa chất, các ngành công nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông, lâm, thủy sản, chăn nuôi,…

Các ngành công nghiệp vật liệu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các thị trường sản xuất. Đây là là cơ sở phát triển cho nhiều ngành, nghề và sản phẩm mới, tạo điều kiện khai thác tối ưu các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, vị thế cạnh tranh và tham gia toàn cầu hóa.

"Vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao có thể coi là chìa khóa cho sự phát triển công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y học, quốc phòng, an ninh, công nghệ thông tin, truyền thông,... Có thể khẳng định việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là nền tảng cơ bản nhất để làm chủ sản xuất công nghiệp" . Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức ngày 25/11/2020.

Ông Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần phải có những bước phát triển đột phá về công nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ then chốt là phải phát triển được ngành công nghiệp vật liệu vì ngành này là một lợi thế phát triển của nước ta, có vai trò rất quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc gia, góp phần bảo đảm xây dựng được một nền công nghiệp độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ở nước ta, phát triển ngành sản xuất vật liệu công nghiệp càng là một đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, cụ thể:

- Vật liệu công nghiệp là yếu tố có tính nền tảng, là nguyên liệu đầu vào cho các thị trường sản xuất hàng hóa, có hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, điện tử, hóa dẻo, công nghệ cao; phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi và chế biến sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế và tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất, dịch vụ khu vực và quốc tế.

- Sản xuất vật liệu công nghiệp trong nước là yếu tố góp phần chủ động giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, thương hiệu sản phẩm quốc gia và cạnh tranh quốc tế, nâng cao sự tự chủ cho công nghiệp quốc phòng  - an ninh, cung ứng vật tư cho các thị trường sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam, bảo đảm tính ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp.

- Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp sẽ góp phần giảm mạnh nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. Xây dựng chiến lược và tổ chức thực hiện có hiệu quả sản xuất vật liệu công nghiệp trong nước, Việt Nam sẽ có nhiều thị trường sản xuất vật liệu công nghiệp nội địa rộng lớn, chưa kể đến thị trường khu vực và quốc tế.

- Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp sẽ khắc phục được tình trạng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô giá rẻ; qua đó sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao khả năng gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nguồn lực cho đất nước cả trước mắt lẫn lâu dài.

- Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp sẽ tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế: với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết, trong đó Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho nền kinh tế nếu như chúng ta có thực lực để hội nhập. Một trong số những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải bảo đảm quy tắc xuất xứ, tự chủ được vật liệu. Có như vậy mới tạo ra được ưu thế lớn trong cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa.

- Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp góp phần nâng cao trách nhiệm, tranh thủ sự sáng tạo của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ta có chỗ đứng vững chắc, liên danh, liên kết hợp tác phát triển, nâng cao hiệu quả trong các chuỗi giá trị toàn cầu, hạn chế tình trạng Việt Nam chỉ tận dụng được lợi thế lao động giá rẻ nhưng giá trị gia tăng thấp, không chủ động được việc bảo vệ môi trường ngay từ trong nhà máy, đơn vị sản xuất, do việc khó tiếp cận khi kiểm tra giám sát (tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI)…

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, định hướng đầu tư cho sản xuất vật liệu công nghiệp là đầu tư chiến lược cho sản xuất trước mắt và lâu dài, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các hiệp định thương mại đã ký, thu hút các nhà đầu tư FDI, tiếp thu được nhiều loại hình công nghệ mới tiên tiến, hiện đại. Hiệu quả kinh tế của công nghiệp vật liệu được thu qua các chuỗi giá trị từ cung ứng, dịch vụ sản phẩm đến chuỗi sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trong nước và các chuỗi giá trị kinh tế của khu vực và quốc tế.

- Việc sản xuất được một số loại vật liệu công nghiệp phục vụ cho sản xuất trong nước cũng đã góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và tối ưu hóa các chi phí đầu tư trong sản xuất của một số ngành công nghiệp.

Ngành công nghiệp vật liệu nước ta còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, về tổng thể thì năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế.

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo còn thấp. Cụ thể như: Vật liệu gang chế tạo (đạt dưới 30%); vật liệu nhôm, vật liệu đồng (khoảng 5%); hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 90% vải, 80% sợi. Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 92,01 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ và chiếm 48,9% cơ cấu hàng nhập khẩu.

Hiện nay nước ta vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài, do các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Sản xuất nội địa thiếu tính tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi giá trị ở nước ngoài. Điều này càng rõ khi đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước do tác động của dịch Covid-19 càng khiến các ngành công nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều điều kiện cần và đủ cho phát triển công nghiệp vật liệu.

Cụ thể, gần 60% dân số ở độ tuổi lao động; có nhiều cơ hội để thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và học tập các kiến thức quản lý và đào tạo nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu. Đồng thời cũng sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu như: Quặng sắt, bauxite, cromit, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit...

Một số hạn chế, tồn tại của công nghiệp vật liệu ở nước ta hiện nay:

- Chưa có các chính sách thực sự hiệu quả cho thu hút đầu tư và phát triển cong nghiệp vật liệu phục vụ sản xuất.

- Ngành công nghiệp vật liệu nói riêng và tổng thể ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh công nghiệp thuận lợi, minh bạch, ổn định và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

- Chưa có các chính sách đủ mạnh để chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng gia tăng các ngành công nghiệp vật liệu, vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao.

- Thiếu các chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước sản xuất vật liệu công nghiệp. Các chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghiệp và khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp còn hạn chế.

- Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện và vật liệu) kém phát triển. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của nước ta hiện nay đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ sản xuất chưa cao.

- Chưa hình thành được các Tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo hiệu ứng lan tỏa cho đầu tư và phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam.

Trước thực tiễn năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn yếu như vậy, việc tập trung phát triển ngành công nghiệp vật liệu càng là một đòi hỏi tất yếu và cấp thiết để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vật liệu một cách đồng bộ, hiệu quả. Gắn phát triển công nghiệp vật liệu với chiến lược phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật, quốc phòng an ninh. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về tài chính, đất đai, khoa học và công nghệ, thương mại hóa, phát triển thị trường,… thúc đẩy phát triển công nghiệp vật liệu theo hướng bền vững, hiệu quả./.

 

Nguồn tin: Tạp chí Môi trường và Đô thị

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner