Các đại biểu tham dự “Tọa đàm ươm tạo công nghệ” đã cùng thảo luận, chỉ ra nguyên nhân hạn chế sự phát triển của các vườn ươm, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thiết thực phù hợp với bối cảnh hiện tại nhằm phát triển mạng lưới ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam.
Tọa đàm trên do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phối hợp với Dự án Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), BK Holdings, Tổ hợp giáo dục TOPICA tổ chức ngày 22/02, tại Hà Nội.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của đại diện nhà quản lý KH&CN từ một số bộ, ngành trung ương, sở KH&CN địa phương; đơn vị quản lý doanh nghiệp, các nhà tư vấn, chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện các vườn ươm, trường đại học, doanh nghiệp có hoạt động ươm tạo trong phạm vi cả nước…
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 3.000 đến 4.000 các vườn ươm công nghệ thuộc các loại hình khác nhau. Trong số các quốc gia phát triển, Trung Quốc là nước đang dẫn đầu. Hàn Quốc cũng rất thành công trong lĩnh vực ươm tạo công nghệ. Hiện tại, Hàn Quốc có khoảng 300 đơn vị ươm tạo đang hoạt động và đóng góp nguồn lực, sáng tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ thúc đẩy sự tăng trưởng GDP của Hàn Quốc.
Bắt đầu từ năm 2005, Việt Nam đã hình thành và phát triển một số mô hình ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN. Hoạt động của các vườn ươm đã chứng tỏ tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Nhiều vườn ươm có hình thức hoạt động sáng tạo và đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Ví dụ như, Trung tâm ươm tạo Khu CNC Hòa Lạc đã ươm tạo được 26 nhóm, vườn ươm Đại học Bách khoa Hà Nội ươm tạo được 22 nhóm, Tổ hợp giáo dục TOPICA có 20% số đơn vị được ươm tạo đã thành công.
Tuy nhiên, số lượng các vườn ươm hầu như không tăng trong những năm gần đây, kết quả hoạt động ươm tạo từ các vườn ươm còn khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng. Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN Phạm Văn Diễn cho biết, thách thức đối với các vườn ươm hiện nay là do nhận thức chung về vườn ươm, tầm quan trọng của hoạt động ươm tạo công nghệ còn hạn chế kể cả ở cấp quản lý nhà nước đặc biệt là cấp cơ sở, viện, trường doanh nghiệp. Tiếp đó là hạn chế về khả năng kết nối với các quỹ đầu tư, các nguồn tài chính. Bên cạnh đó là thiếu nguồn đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ từ phía nhà nước về mặt khuôn khổ pháp lý và tài chính cho các cơ sở ươm tạo.
Đại biểu tham dự hội thảo chỉ ra rằng, để phát triển các cơ sở ươm tạo và tạo điều kiện cho các cơ sở ươm tạo phát triển cần nhanh chóng xây dựng và ban hành quy định cụ thể về các điều kiện đối với cơ sở ươm tạo sao cho phù hợp với thực tiễn; cần tập trung huy động các nguồn vốn của xã hội để thực hiện các hoạt động ươm tạo; xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn, sở hữu trí tuệ, tài chính, quản trị doanh nghiệp, định giá, đánh giá công nghệ trong các cơ sở ươm tạo; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương, các bộ ngành có liên quan để tạo điều kiện và thực hiện tốt hơn các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở ươm tạo.
Bộ KH&CN đã quyết liệt triển khai nhiều hoạt động để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các hoạt động KH&CN nói chung. Ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN đang có những đổi mới. Một số đơn vị chức năng của Bộ phối hợp cùng với các cơ sở ươm tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở ươm tạo hoạt động và phát triển.
Mai Chi