Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ sáu, 22/11/2024 , 12:54 pm
Cập nhật : 26/10/2017 , 16:10(GMT +7)
Phát triển liên kết Vùng Đông Nam Bộ: Cần phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương
Ngày 26/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV với chủ đề “Thúc đẩy phát triển liên kết vùng”. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh lân cận.

 Hội nghị là dịp đánh giá kết quả hoạt động KH&CN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2015 – 2017 và đề xuất những định hướng, giải pháp hoạt động KH&CN trong giai đoạn tới có tính chất liên tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả hơn. 

Triển khai hơn 1000 nhiệm vụ, dự án KH&CN

Đông Nam Bộ là Vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Phát huy những lợi thế sẵn có, các tỉnh, thành phố trong Vùng đã tập trung vào đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y - dược,… góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Từ năm 2015 – 2017, vùng Đông Nam Bộ đã triển khai hơn 1.000 nhiệm vụ, dự án KH&CN cấp tỉnh. Trong đó, tỉ lệ các đề tài ở lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 32,3%; Y - dược 20%; Khoa học nông nghiệp 19%; Khoa học Xã hội 15,7%; Khoa học Nhân văn 6,6%; Khoa học tự nhiên 6,4%. Các địa phương trong Vùng đã dành khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%. 

Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tỉnh, thành phố đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của Vùng và từng địa phương. Các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai từ tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp với 28,5% giai đoạn 2011 – 2015 giảm còn 19% giai đoạn 2015 – 2017, khoa học kỹ thuật và công nghệ từ 24,1% lên 32,3%. Ngoài việc quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu, tính ứng dụng thực tế, các địa phương đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn như:  TP. HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

KH&CN trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong công nghiệp, xây dựng. Các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm chính của doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. 

Hay tỉnh Bình Dương đã xây dựng giải pháp phần mềm Deface tracking hỗ trợ kiểm soát, bảo mật thông tin; Nghiên cứu hiện trạng và thử nghiệm các giải pháp xác thực đa yếu tố nhằm tăng cường an toàn thông tin.... Còn Bình Thuận có hệ thống phần mềm điện toán đám mây mã nguồn mở được đưa vào ứng dụng vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, đáp ứng hiệu quả lưu trữ và khả năng xử lý tốt nhất các yêu cầu về hiệu suất của hệ thống các máy chủ ứng dụng, độ tin cậy cao, đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu...

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, kết quả KH&CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại. Nhiều tiến bộ KH&CN đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau, hoa, quả. Nhiều loại trái cây đặc sản đã được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý và được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn Mỹ, châu Âu…

Trong lĩnh vực khoa học y – dược, nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, giải quyết được những vấn đề nan giải trong y học như: “Đánh giá mối tương quan giữa nồng độ Homocysteine máu và các chỉ số trong hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện tỉnh Bình Thuận”, “Nghiên cứu khảo sát tần suất chậm phát triển tâm thần của học sinh tiểu học tại TP.HCM và xác định các yếu tố di truyền gây bệnh”, “Nghiên cứu tạo yếu tố tăng trưởng tái tổ hợp từ tiểu cầu (Plateletderived growth factor-PDGF)” là một nghiên cứu mới ở Việt Nam và trên thế giới, có khả năng thương mại hóa thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc tại Việt Nam. 

Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các đề tài, dự án đã nghiên cứu về một số vấn đề xã hội trong tình hình mới như định hướng hoàn thiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; vấn đề về liên minh giai cấp, tôn giáo, dân tộc ở nước ta trong điều kiện mới xây dựng mô hình nông thôn mới dựa vào cộng đồng; bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc, tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hoá truyền thống của từng địa phương. Một số đề tài tiêu biểu như: "Giải pháp tăng tỉ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Tây Ninh”, "Khai quật, nghiên cứu và bảo tồn khu di tích Vòng Thành Đá Trắng tại huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu",… 

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các kết quả điều tra cơ bản và nghiên cứu về điều kiện tự nhiên đã tạo luận cứ khoa học cho các phương án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai. Một số kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như: Đề tài “Điều tra đánh giá trữ lượng, chất lượng một số nguồn nước khoáng mới phát hiện trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý”, "Điều tra chỉnh lý bản đồ đất, xây dựng bản đồ đánh giá đất đai 1/50.000, đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất tỉnh Bình Dương",…

Các Sở KH&CN trong Vùng đã đẩy mạnh công tác quản lý công nghệ, tổ chức và tham gia thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ, góp ý, tư vấn về công nghệ. Toàn Vùng đã tiến hành thẩm định 78 dự án đầu tư; thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 34 dự án; đánh giá trình độ cho 911 công nghệ. Các Sở KH&CN trong Vùng đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 1.181 cơ sở; thẩm định, cấp phép, gia hạn cho 1.010 cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ; Sở KH&CN các tỉnh, thành phố tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa… Đã có 40.593 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; 17.747 văn bằng chứng chỉ bảo hộ được cấp Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở các địa phương đã chủ động, tích cực đồng hành đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh.

Có thể nói rằng, những thành tựu KH&CN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2015 – 2017 đã cụ thể hóa khá đầy đủ các chủ trương, chính sách phát triển KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các địa phương. Trong đó có nhiều cơ chế, chính sách mang tính tiên phong, đột phá trong hoạt động quản lý KH&CN. Hoạt động KH&CN của Vùng luôn xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm và khởi nghiệp, ĐMST là yếu tố cốt lõi, tạo ra bước đột phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại thành công cho các doanh nghiệp. 

Toàn cảnh Hội nghị

Phát huy thế mạnh từng địa phương

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KH&CN của Vùng trong thời gian tới. Cụ thể là, Đông Nam Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đông Nam Bộ cần tập trung, ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp tạo lập liên kết 3 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, giúp người nông dân được tiếp cận với những công nghệ mới; các tỉnh cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác quản lý và triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất và sản phẩm phù hợp với thế mạnh của vùng, tránh trùng lắp giữa các nhiệm vụ KH&CN của Trung ương và địa phương; kế thừa các kết quả nghiên cứu đã nghiên cứu;…

Về hoạt động khởi nghiệp, các đại biểu kiến nghị, cần sớm hoàn thiện, phát triển Cổng Thông tin khởi nghiệp ĐMST Quốc gia tại mỗi tỉnh, thành, kết nối với các cổng thông tin về khởi nghiệp ĐMST của các tổ chức, thành phố, bộ, ngành khác; ưu tiên triển khai các hoạt động phù hợp với thực trạng khởi nghiệp ĐMST, đẩy mạnh truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST, tham gia và kết nối với mạng lưới khởi nghiệp ĐMST quốc tế. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao các kết quả KH&CN các tỉnh, thành phố trong Vùng đã đạt được. Đồng thời cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Tỉnh/Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các địa phương đối với hoạt động KH&CN, nhờ đó KH&CN đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như toàn Vùng và cả nước. 

Theo Thứ trưởng, Đông Nam Bộ là khu vực phát triển năng động nhất ở Việt Nam. Sau 31 năm đổi mới, Đông Nam Bộ đã có sự thay đổi ớn, luôn luôn là khu vực đầu tiên thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển dịch vụ, các ngành sản xuất hàng đầu ở Việt Nam. Đây cũng là khu vực tập trung lực lượng lao động có trình độ cao, trung tâm thu hút đầu tư của nước ngoài, và là khu vực có tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu rất lớn. Bộ KH&CN đã có một số quyết sách cũng như đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và doanh nghiệp trong Vùng. Ví dụ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) ở TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được đầu tư  lớn về trang thiết bị là minh chứng cụ thể về sự đồng hành của Bộ KH&CN đối với sự phát triển của Vùng. 

Thứ trưởng đã nhấn mạnh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là chủ trương sáng suốt của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Bộ KH&CN cũng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động này từ năm 2016. Sau Đề án 844, chúng ta đang có những liên kết với các chuyên gia nước ngoài, với Việt kiều, Israel, và các quốc gia hàng đầu thế giới về khởi nghiệp. Chúng ta đang vừa làm, vừa học, vừa trao đổi, vừa tổng kết và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn.

TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Quyết định 844 và là một trong những địa phương đã ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú. Một số địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước,… cũng đã có các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai một cách hiệu quả. 

Theo Thứ trưởng, sở KH&CN các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đổi mới. Các Sở KH&CN cần đề xuất được giải pháp liên kết để thực hiện liên kết vùng Đông Nam Bộ cũng như các đề xuất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Vùng.

Bài, ảnh: Nhóm Phóng viên

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner