Nguồn lực KH-CN là một trong những yếu tố quan trọng, có tính quyết định đến hoạt động KH-CN, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên nguồn lực này đang đứng trước những thách thức lớn: sự mai một đội ngũ cán bộ có trình độ cao và chuyên sâu; sự hụt hẫng lực lượng cán bộ khoa học trẻ; tình trạng “chảy máu chất xám”… cần có những quyết sách kịp thời, hợp lý để giải quyết….
Theo thống kê, hiện nay cả nước có trên 60 nghìn người làm công tác nghiên cứu và phát triển, trong đó số nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên là hơn 45 nghìn người. Đội ngũ nhân lực KH-CN đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. So với năm 1999, nhân lực KH-CN của nước ta đã tăng hơn 2,5 lần, số người có trình độ đại học tăng gần 2,7 lần, số người có trình độ thạc sĩ tăng 4,3 lần.
Mặc dù số lượng cán bộ KH-CN cũng như người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ khá đông, nhưng Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng thừa nhận, hiện nay tình trạng hụt hẫng đội ngũ làm KH-CN đang diễn ra và đang thiếu các nhà khoa học, các tổng công trình sư có trình độ cao và năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. Tình trạng hụt hẫng về thế hệ trong các viện nghiên cứu tiếp tục gia tăng, số cán bộ KH-CN đủ năng lực chủ trì những nhiệm vụ KH-CN lớn ngày càng giảm sút.
Ông Tạ Đức Thịnh – Vụ trưởng Vụ KH-CN, Bộ GD-ĐT cho rằng, đối với nhân lực KH-CN, chất lượng mới là vấn đề quyết định. Ông Thịnh cho biết, đội ngũ được đào tạo qua giáo dục đại học những năm gần đây tăng nhanh, minh chứng cho điều này, năm 2011 cả nước có gần 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng gấp 3 lần năm 1997 (700.000 sinh viên), có 414 cơ sở giáo dục đại học (188 trường đại học, 226 trường cao đẳng), gần 74.000 giảng viên. Tuy nhiên con số này lại tỷ lệ nghịch với đầu ra. Cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, tỷ lệ thầy nhiều hơn thợ quá lớn. Hằng năm lượng sinh viên ra trường nhiều nhưng tỷ lệ sinh viên không, khó, hoặc chưa kiếm được việc làm cũng khá cao (có khu vực, có ngành lên tới 50 hay 60%) và nhiều sinh viên có việc làm không đúng với ngành nghề được đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu là do chế độ, chính sách sử dụng, trọng dụng đãi ngộ đối với các viên chức KH-CN. Hệ thống thang bảng lương đối với đội ngũ viên chức KH-CN mới chủ yếu căn cứ vào thâm niên công tác, chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, chưa phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như đòi hỏi của công việc đang đảm nhiệm. Chính sách trọng dụng, khen thưởng và tôn vinh cán bộ viên chức KH-CN còn mang nặng dấu ấn của tư tưởng bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa, hành chính hóa, đồng nhất chính sách đối với viên chức KH-CN với chính sách chung của công chức hành chính. “Hệ thống chính sách, chế độ đối với viên chức KH-CN, nhất là chính sách về tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ… vẫn còn hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như việc thi tuyển, chuyển ngạch, nâng ngạch đối với viên chức làm KH-CN về cơ bản không khác với đội ngũ công chức hành chính nhà nước, như vậy là không phù hợp với đặc điểm, tính chất của hoạt động KH-CN, thậm chí còn mang tính hình thức, chưa căn cứ vào kết quả hoạt động, cống hiến của người viên chức KH-CN” - Thứ trưởng Văn Tất Thu nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Kiều - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, vướng mắc lớn nhất hiện nay ở chế độ cống hiến và đãi ngộ, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc đãi ngộ mà cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc. Ưu đãi không chỉ bằng vật chất mà cần phải bao gồm cả điều kiện làm việc. Bà Kiều đưa ra một ví dụ minh họa tại Khu CNC của TP Hồ Chí Minh, hiện nay đang đầu tư phát triển đến giai đoạn 2, cơ sở nghiên cứu, đào tạo được đầu tư mạnh mẽ. Trong đó, Trung tâm Công nghệ sinh học được đầu tư khu đất mấy nghìn ha, nhưng đến nay chỉ có một khu làm việc tạm. Phương hướng phát triển của Trung tâm là thu hút khoảng 450 nhân lực có trình độ cao, tuy nhiên hiện giờ có khoảng 100 nhân lực. Cán bộ được đào tạo ở nước ngoài về nhưng chưa có cơ sở vật chất để làm việc nên số lượng đã giảm dần.
Để phát triển nhân lực KH-CN, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc đãi ngộ vật chất là cần thiết nhưng quan trọng hơn là chính sách sử dụng và môi trường tự do cho học thuật với những giải pháp: xây dựng một chính sách thí điểm trong sử dụng cán bộ khoa học có đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn; đội ngũ KH-CN phải là một hệ thống các tập thể khoa học xuất sắc. Chính sách ấy phải cần bắt đầu bằng việc sử dụng và rèn luyện những người hiền tài, (đó là những người có ý chí xây dựng một nền KH-CN cho đất nước, có khả năng hợp tác, có tài năng đủ sức chủ trì những đề tài nghiên cứu tầm cỡ quốc gia); có chính sách trọng dụng đãi ngộ thỏa đáng, đào tạo tài năng trẻ và thu hút trí thức nước ngoài.
Như vậy, cải tiến và đổi mới chế độ, chính sách đối với đội ngũ KH-CN không đơn giản chỉ là đề xuất giải pháp về tuyển dụng, chính sách tiền lương, đãi ngộ… mà hơn hết là tạo điều kiện và môi trường để họ phát huy vai trò, phát huy sức sáng tạo và thấy được tác dụng thực sự của mình đối với xã hội. Có như vậy phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao mới thực sự trở thành khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020 và KH-CN chỉ có thể phát huy khi có được nền tảng nhân lực phù hợp.