Sáng 19-11, tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân đã có báo cáo giải trình, trả lời câu hỏi một số đại biểu Quốc hội về tác động của KHCN đối với vấn đề năng suất lao động của người Việt Nam.
Năng suất lao động thấp sẽ kéo lùi tăng trưởng GDP
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, thời gian gần đây báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) của người Việt Nam rất thấp so với thế giới cũng như so với khu vực. “Theo số liệu thống kê của tổ chức lao động thế giới (ILO) thì NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với NSLĐ bình quân các nước trong khu vực ASEAN (thấp hơn Thái Lan gần 2 lần, thấp hơn Singapore 14 lần và một số quốc gia khác). Đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi thấy là tác động của KHCN vào tăng NSLĐ của người lao động Việt Nam còn có nhiều mặt hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong bối cảnh hiện nay, thì KHCN chính là yếu tố quan trọng nhất tác động lớn đối với NSLĐ, chất lượng của sản phẩm hàng hóa. Kinh nghiệm của tất cả các quốc gia cho thấy là đầu tư cho KHCN chính là để nâng cao NSLĐ và tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt.
Dẫn chứng từ ví dụ trong nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, với hơn 40 triệu lao động, hàng năm chúng ta làm ra trên 42 triệu tấn gạo, trung bình xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo. Như vậy, một lao động của chúng ta cũng chỉ làm ra khoảng một tấn gạo (với giá xuất khẩu bình quân khoảng 400USD/năm); chỉ bằng 1/1.000 khi so sánh với Khu công nghệ cao Tân Trúc (Đài Loan-Trung Quốc); hoặc so với công nhân Công ty sơn tổng hợp (Hải Phòng) chỉ bằng 1/200 (năm 2010 NSLĐ của công ty đã đạt 100.000USD/người/năm).
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một chương trình quốc gia rất quan trọng là Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 với 9 dự án thành phần. Trong đó, các bộ chủ chốt chủ trì các chương trình này như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải… và thành phần thứ 9 là dự án các địa phương. Các địa phương đều phải xây dựng chương trình nâng cao năng suất chất lượng cho địa phương mình, chủ yếu là cho các doanh nghiệp. Đồng thời, để nâng cao NSLĐ, giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, Bộ KHCN đã trình Chính phủ 3 chương trình quốc gia về KHCN có tác dụng trực tiếp, thúc đẩy NSLĐ, đó là: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình sản phẩm quốc gia.
Bộ trưởng cho biết rất kỳ vọng vào những giải pháp của Chính phủ cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước, tiến tới đến năm 2020, tỉ trọng giá trị của sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm tới 44% giá trị sản xuất công nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng lưu ý: “Trong 3 năm vừa qua (2011-2013), tốc độ tăng NSLĐ của chúng ta chỉ hơn 3% trong khi GDP của chúng ta tăng trưởng ở mức khoảng 5%, tức là NSLĐ tăng chậm hơn cả GDP quốc gia. Đây là một cảnh báo nếu chúng ta không có những điều chỉnh thì chính NSLĐ đó sẽ kéo lùi tăng trưởng GDP và sẽ khó đạt được mục tiêu công nghiệp hóa”.
Ngành KHCN rất “trân trọng” những “đại tướng hai lúa”
Trả lời câu hỏi của đại biểu về thái độ của ngành KHCN đối với những sáng kiến, cải tiến của người dân (tàu ngầm, tàu lặn, máy bay…), Bộ trưởng Bộ Khoa hoc và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Đảng và Nhà nước luôn trân trọng những sáng kiến của người dân nếu nó đáp ứng được những giá trị nhất định và thị trường phải chấp nhận được những sáng kiến này. “Hằng năm, chúng tôi cũng đã thường xuyên tổ chức các hội chợ Techmart, mời những người dân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đến giới thiệu sản phẩm của mình tới cộng đồng, tới xã hội, để xã hội và doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm của họ. Đến nay, nhiều sản phẩm đã được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất và nhiều người đã trở thành các doanh nghiệp rất thành đạt”, Bộ trưởng chia sẻ.
|
"Hai lúa" Trần Quốc Hải ở Tây Ninh chế tạo hàng loạt máy móc phục vụ nông nghiệp. Ảnh minh họa/baodatviet.vn. |
Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng, việc chế tạo, thử nghiệm và sử dụng các sản phẩm này phải luôn tuân thủ những quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp, Bộ KHCN đã cử cán bộ đến gặp gỡ, trao đổi với các nhà sáng chế, cải tiến kỹ thuật để có sự hỗ trợ thì có người hợp tác nhưng cũng có người lặng lẽ làm, khi hoàn thành thiết kế và đã chế tạo rồi nên khó giải quyết.
Nhắc lại câu chuyện “sáng kiến” thiết kế, chế tạo công nghệ trong ngành tàu thủy trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đây đã chế tạo được tàu lặn (trị giá khoảng 28 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 triệu USD), rẻ hơn rất nhiều nếu thuê, hoặc mua từ nước ngoài.
“Nếu các nhà khoa học theo đuổi ý tưởng mà không được sự hỗ trợ, cho phép thì các sản phẩm của họ sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra thị trường, bởi chúng ta phải nghĩ đến an toàn, an ninh quốc gia, nghĩ đến an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng các trang thiết bị có thể chưa phù hợp với quy định, chưa đạt tiêu chuẩn”- vị trưởng ngành KHCN nói và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào trình độ của các nhà khoa học, người dân có ý tưởng sáng tạo.