Cuộc thi trình bày dự án khoa học theo nhóm với sự tham gia của 10 nhóm gồm các bạn học sinh đến từ các thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, .... trong khuôn khổ Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6) đã diễn ra vào ngày 13/7 tại Trường Đại học FPT trong khuôn viên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Cuộc thi được đánh giá bởi Ban Giám khảo do TS. Nguyễn Phương Nam – Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban. Các thành viên gồm TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Phạm Dũng Nam – Văn phòng Bộ KH&CN; TS. Nguyễn Hoàng Nam – Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, 10 nhóm theo sự phân chia ngẫu nhiên từ phía Ban Tổ chức sẽ tập trung thuyết trình về 10 vấn đề xung quanh chủ đề năng lượng tái tạo cho cuộc sống bao gồm: Gió, nhiệt mặt trời, điện mặt trời, địa nhiệt, thủy điện, thủy triều, sóng, sinh khối, sinh khí, nguyên liệu sinh học. Sau mỗi phần thi các nhóm sẽ trả lời các câu hỏi do Ban giám khảo và khán giả đặt ra.
Hiện nay, các nguồn năng lượng truyền thống như: dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá đang ngày một cạn kiệt, chỉ có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của chúng ta trong một thời gian ngắn nữa. Vì vậy, cần phải tìm kiếm các nguồn năng lượng mới để thay thế. Hiện nay, việc nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng trưởng nhanh tại các nước ASEAN. Dự báo, nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng hơn 80% trong giai đoạn đến năm 2035. Do đó, khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo có ý nghĩa chiến lược trong việc giải quyết nguồn năng lượng thiếu hụt.
Sử dụng Năng lượng tái tạo là một giải pháp đa mục tiêu có tính toàn cầu, không chỉ đảm bảo về an ninh năng lượng cho tất cả các quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn là xu thế phát triển của khoa học và công nghệ nhân loại, tiến đến một xã hội ít các-bon, hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.
Theo TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thành viên Ban Giám khảo cho biết, các bạn học sinh tham gia thuyết trình đã có những phần trình bày rõ ràng, mạch lạc, có logic. Ban giám khảo đánh giá rất cao các bạn học sinh của các nhóm trả lời rất tự tin những câu hỏi khó từ phía khán giả đặt ra. Trên cơ sở trình bày các vấn đề đưa ra, các bạn cũng đã đề xuất những giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo này.
Các em học sinh tham gia buổi thuyết trình dự án khoa học theo nhóm ngày hôm nay đều có kinh nghiệm trong nghiên cứu và tham gia các cuộc thi về khoa học, khả năng tiếng Anh tốt và khả năng nghiên cứu khoa học, cũng như có tinh thần sẵn sàng làm việc theo nhóm.
Cuộc thi này là cơ hội tốt để các bạn học sinh nhiều quốc gia cùng phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học hăng say, kỹ năng làm việc nhóm, phát triển ý tưởng và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cùng bạn bè thông qua các hoạt động thực tiễn liên quan đến phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Tin, ảnh: Đăng Minh