Phát triển điện hạt nhân là một lựa chọn trong cơ cấu năng lượng của nước ta, góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển KT-XH, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ. Hiện nay, Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đang được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những nội dung được nêu trong Đề án là bảo đảm an toàn, an ninh cho Nhà máy điện hạt nhân sẽ được khởi công tại Việt Nam.
Phát triển điện hạt nhân- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1/2009/QH12 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Các cơ quan chức năng đang từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn và an ninh hạt nhân; đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tăng cường hợp tác đào tạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Nga, Nhật Bản.
Hiện nay, nước ta hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và một số tổ chức quốc tế khác như Hiệp định hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân (RCA), Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA) trong việc hỗ trợ chuyên gia, viện trợ kỹ thuật, quản lý chất thải phóng xạ và chu trình nhiên liệu; đã ký 7 hiệp định hợp tác song phương sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến năng lượng nguyên tử; thể hiện cam kết và quyết tâm nhất quán về việc phát triển điện hạt nhân với các dự án đầu tiên là Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, trong đó việc bảo đảm an toàn được xem là ưu tiên hàng đầu.
Xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân; yêu cầu phát triển, ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực KT-XH, đồng thời tăng cường tiềm lực và khoa học công nghệ của đất nước. Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Phạm Quang Trung cho biết, tổng kinh phí thực hiện Đề án trên là 3.000 tỷ đồng, Ban điều hành đề án đã giao cho 5 trường đại học gồm Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Điện lực; Trường Đại học Đà Lạt và Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử là những trường chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực. Để chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trong tương lai, Tập đoàn Rosatom của Nga đã chịu trách nhiệm đào tạo kỹ sư, chuyên gia về điện hạt nhân cho Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đang đặt ra là đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực này chưa nhiều, kiến thức mới về kỹ thuật hạt nhân còn hạn chế. Ông Phạm Quang Trung cho rằng, một số cán bộ trẻ có trình độ và khả năng nhưng còn đang trong quá trình đào tạo. Mới đây, Chính phủ có phê duyệt Chương trình đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân, nhưng chưa có chính sách đãi ngộ cụ thể đối với người đi học và những người sau này làm việc trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc tìm cán bộ trẻ đi đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, trong nước số người theo học ngành hạt nhân, kể cả sinh viên du học tự túc, cũng ít theo học ngành này. Chính vì vậy, bài toán hiện nay đặt ra là thiếu nguồn nhân lực, nếu chúng ta không sớm tìm nguồn từ các cơ quan chuyên ngành để bồi dưỡng và đào tạo.
Ưu tiên hàng đầu là an ninh, an toàn
Phát biểu tại Hội thảo Thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam do Cục Năng lượng nguyên tử tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết, nước ta có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… tuy nhiên việc triển khai các nguồn năng lượng mang lại hiệu quả chưa ổn định. Hiện nay, trước nhu cầu sử dụng năng lượng ở nước ta ngày càng cao, việc phát triển điện hạt nhân được xem là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, phát triển điện hạt nhân đòi hỏi về độ an toàn, an ninh rất cao. Nếu để xảy ra sự cố sẽ để lại hậu quả rất lớn, do đó cần phải lựa chọn được công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất, bảo đảm sự an toàn cao nhất cho việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại nước ta.
Hiện nay, các chuyên gia Nga đã bắt đầu tiến hành khoan thăm dò, đo đạc, khảo sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Bên cạnh đó, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhằm đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân cũng đã được tiến hành với tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.000 tỷ đồng. Từ năm 2010, 2011, Bộ Khoa học-Công nghệ đã cử đã có 99 sinh viên sang học ở Nga và năm 2012 sẽ có thêm 70 sinh viên nữa sang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử.
Giải thích việc khi xảy ra sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Nhật Bản vào tháng 3/2011, liên quan đến việc nước ta triển khai xây dựng Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, ông Phạm Quang Trung cho biết, Bộ Khoa học-Công nghệ cũng đã xây dựng nội dung trong Đề án thông tin tuyên truyền về sự phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Trong đó, một trong những nội dung được nêu cụ thể là bảo đảm an toàn, an ninh cho Nhà máy điện hạt nhân sẽ được khởi công tại Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; ứng phó với sự cố hạt nhân; chu trình nhiên liệu hạt nhân, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ tại khu vực triển khai xây dựng nhà máy... Bên cạnh đó, đề án cũng nêu những bài học kinh nghiệm từ các sự cố hạt nhân trên thế giới và tuyên truyền rộng rãi về văn hóa an toàn hạt nhân đến với người dân, để mọi người có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề này; từng bước đồng thuận, ủng hộ cho từng giai đoạn hình thành và phát triển điện hạt nhân tại nước ta.
Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đang được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là bước khởi đầu quan trọng để tạo sự hiểu biết đối với việc phát triển điện hạt nhân. Mục tiêu của đề án là tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công và bảo đảm an toàn, an ninh của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cũng như sự phát triển điện hạt nhân một cách bền vững tại Việt Nam.