Các thiết bị, máy móc chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa sản xuất được; nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm;… sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Đây là thông tin được đưa ra trong dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương. Trong dự thảo Nghị định, Bộ đã đưa ra nhiều hính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng thí điểm đến năm 2020 sẽ được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm thứ 4.
Đồng thời, áp dụng thí điểm đến năm 2020 miễn 50% thuế thu nhập cá nhân so với mức thuế thu nhập cá nhân thông thường áp dụng cho các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ với thời gian tối đa 1 năm.
Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: Thiết bị, máy móc chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa sản xuất được; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng; nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc theo quy định; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
Dự thảo cũng nêu rõ, đối với sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kểt từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm thứ 4.
Ngoài ra, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao ngoài được hưởng các chính sách khuyến khích cho phát triển công nghiệp hỗ trợ còn được hưởng các chính sách khuyến khích về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
Về ứng dụng chuyển giao công nghệ, Nhà nước khuyến khích ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ phù hợp với chính sách của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại dự thảo Nghị định sẽ được hỗ trợ: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với tổ chức thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ; miễn phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổ chức, cá nhân tiếp nhận công nghệ; cho phép doanh nghiệp miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận dùng để đổi mới công nghệ sản xuất thông qua kinh phí mua hoặc chuyển giao công nghệ;...
Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống chất lượng liên quan đến linh phụ kiện, ban hành hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam hài hòa tiêu chuẩn quốc tế cũng như của các tập đoàn đa quốc gia; Thành lập Hội đồng thẩm định dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Chủ tịch hội đồng, thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông-vận tải và các bên liên quan để thẩm định hồ sơ đề nghị ưu đãi.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên