Trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, các nước đã tự tìm kiếm các cơ hội và tận dụng những thành tựu của các ngành công nghệ cao để ứng dụng vào thực tiễn nhằm tạo nên sự phát triển đột biến nền kinh tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam với nhu cầu trong nước cũng như để có khả năng tiếp cận trình độ công nghệ cao của các nước tiên tiến thì vấn đề nhân lực được coi là số 1 và là bài toán cần lời giải.
Khó khăn trong đào tạo
Trọng tâm của chính sách ứng dụng và phát triển công nghệ cao (CNC) của nước ta là tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu và công nghệ tự động hóa. Theo TS Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ KH - CN, Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, hiện Việt Nam có trên 220.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin; 6.000 cán bộ làm trong lĩnh vực công nghệ cao về vật liệu; 5.000 người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến CNC về tự động hóa. Còn lĩnh vực công nghệ sinh học thì Việt Nam đào tạo chưa được nhiều, riêng trong lĩnh vực gene thì chỉ tính con số hàng chục…
TS Mai Hà - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH-CN cho biết, thời gian qua, việc đào tạo nhân lực CNC vẫn theo kênh gửi đi đào tạo ở nước ngoài và đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước. Chương trình đào tạo bằng ngân sách Nhà nước (gọi tắt là Chương trình 322) đã cử gần 3.000 cán bộ đi đào tạo sau đại học, trong đó có 1.740 cán bộ đã bảo vệ luận án ở nhiều nước có nền KHCN tiên tiến. Thông qua hoạt động của Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF), Việt Nam đã gửi đào tạo được hơn 100 tiến sĩ, thạc sĩ, phần lớn ngành đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ sinh học, tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ nano… Tuy nhiên, theo TS Mai Hà, việc đào tạo nhân lực CNC ở cả trong và ngoài nước còn rất nhỏ bé so với yêu cầu cũng như ứng dụng CNC trong các ngành kinh tế - xã hội. Việc thiếu hụt nhân lực, yếu về trình độ, thiếu các chuyên gia và tổng công trình sư đầu ngành cùng với sự gắn kết chưa chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng và thương mại hóa.
Theo dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực CNC, đến năm 2020, các trường đại học cần tuyển 30.000 sinh viên công nghệ thông tin, 25.000 sinh viên công nghệ sinh học, 25.000 sinh viên công nghệ tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ vật liệu. Bên cạnh đó, phải đào tạo 28.000 người trình độ sau đại học về các lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường đại học về CNC còn rất thiếu. Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học được thống kê, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành CNC, chiếm tỷ lệ 29,9%. Đây quả thực là thách thức lớn và cũng là áp lực lớn đối với việc đào tạo nhân lực cho các ngành CNC ở nước ta.
Đi tìm giải pháp
TS Mai Hà cho rằng, một trong những giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực CNC là tăng cường đào tạo, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đào tạo công nhân kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ giữ chân người tài cũng cần được bổ sung như: xây dựng danh mục các chuyên ngành đào tạo cụ thể trong từng lĩnh vực CNC ở bậc đại học và sau đại học; thống nhất chương trình khu đào tạo chuyển giao trong các lĩnh vực CNC… Đặc biệt, một trong các biện pháp thúc đẩy chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNC là hình thành các nhóm, các tập thể nghiên cứu khoa học mạnh, qua đó tạo dựng các thủ lĩnh khoa học - những hạt nhân trong các tập thể nguồn nhân lực CNC. Cùng với đó, cần huy động tối đa các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nhân lực. Khuyến khích mở các trường đại học, viện nghiên cứu công nghệ quốc tế hoặc khu vực tại Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, để phát triển nguồn nhân lực về CNC, cần coi các trường đại học quốc gia và các trường đại học trọng điểm là nguồn đào tạo chủ yếu cán bộ có trình độ đại học và trên đại học về CNC; nâng cao chất lượng các giáo trình và điều kiện thực hành cho sinh viên. Bên cạnh đó, chấn chỉnh lại các phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng tách khỏi hoạt động của các viện lớn và thu hút về đây nhiều nhân tài đang làm việc tản mát tại các cơ quan khác; tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu với các phòng thí nghiệm này.
Thứ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Văn Lạng cho rằng, cần bổ sung và cụ thể hóa một số chính sách có tính đột phá như chính sách tiền lương, chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học (kể cả những nhà khoa học Việt kiều), chính sách hỗ trợ kinh phí từ các quỹ đào tạo nhân lực CNC theo các dự án, đề tài… đặc biệt là chính sách xã hội hóa đào tạo với chủ thể là sự liên kết chặt chẽ giữa viện - trường - doanh nghiệp.
Một vấn đề quan trọng được nhiều chuyên gia lưu ý; đó là, trong chiến lược đào tạo phải có sự cân đối giữa đào tạo đội ngũ nhân lực và đội ngũ tinh hoa. Đối với việc đào tạo đội ngũ tinh hoa, cần phải tiến hành ở các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu hàng đầu, trong đó việc kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và gắn kết giữa trường đại học với viện nghiên cứu là cần thiết và tất yếu. Đào tạo đội ngũ này cần một quá trình đầu tư phát triển có tính chiến lược, lâu dài và tốn kém nên phải được quy hoạch tốt và đầu tư hợp lý.
Box: Mới đây, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020. Mục tiêu của chương trình đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp CNC đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và đến năm 2020 là 40%. Để thực hiện nhiệm vụ kể trên, Nhà nước sẽ bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ chuyên môn cho 500 lãnh đạo chủ chốt của các dự án sản xuất sản phẩm CNC, 10.000 kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ huy động 500 chuyên gia nước ngoài, 1.000 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, tham gia hoạt động CNC tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất sản phẩm CNC của Việt Nam.