Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là mảnh đất rất phù hợp cho việc phát triển cây mè. Cây mè không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL
Cây trồng "dễ tính"
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương ước tính, lượng tiêu thụ dầu thực vật trên đầu người năm 2011 vào khoảng từ 7,3 – 8,3kg/người, tuy nhiên, con số này vẫn còn khá xa so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (13,5kg/người/năm). Các nhà sản xuất trong nước cũng dự báo tiêu thụ dầu thực vật trên đầu người nước ta năm 2015 sẽ tăng ở mức 14,5kg/người/năm, qua đó cho thấy, để bảo đảm được sức khỏe của con người, dầu thực vật là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống hiện nay. Khai thác dầu thực vật ngoài cây mè còn có nhiều cây trồng khác trong đó có đậu tương và lạc, hiện cả 2 loại cây trồng này Việt Nam đang bị thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Do sự thiếu hụt này, Việt Nam phải nhập khẩu hàng năm từ 1 – 1,3 triệu tấn đậu tương, gấp 7 lần sản lượng đậu tương sản xuất được trong nước để chế biến dầu thực vật và thức ăn gia súc. Trên đà gia tăng dân số và phát triển đàn gia súc, nhu cầu dầu thực vật và nguyên liệu thức ăn gia súc ngày càng tăng, trong khi diện tích các cây trồng này ngày càng bị giảm sút, điều này cho thấy ngành dầu Thực vật Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cảnh báo sẽ thiếu nguyên liệu để khai thác.
Từ thực tế này, thời gian qua, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đã triển khai dự án đưa cây mè vào sản xuất tại vùng ĐBSCL. Đây là loại cây có dầu, cây thực phẩm có giá trị kinh tế cao, hiện đang được nhiều quốc gia quan tâm và có định hướng phát triển. Hơn nữa, cây mè còn có thời gian sinh trưởng ngắn, thuận lợi trong tiêu dùng ở phạm vi nông hộ, đồng thời cũng là cây trồng “dễ tính”, ít đòi hỏi thâm canh, có khả năng tận dụng đất đai, mùa vụ, dễ tiêu thụ trên thị trường, thích hợp luân, xen canh và gối vụ.
Ông Nguyễn Văn Chương, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, với điều kiện đất đai và khí hậu thời tiết thuận lợi, hơn nữa cây mè có thời gian sinh trưởng ngắn, chi phí đầu tư thấp, giá bán nguyên liệu ổn định, nguyên liệu có nhu cầu cao trên thị trường, giá mè thương phẩm khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg, với năng suất bình quân 1,0 - 1,3 tấn/ha thì lợi nhuận do cây mè mang lại rất lớn gấp 2 -3 lần so với cây lúa. Mè là cây trồng cần quan tâm phát triển để chuyển đổi cơ cấu trong giai đoạn hiện nay trong các mô hình luân canh, xen canh và gối vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất dầu thực vật.
Góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nhờ nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu cũng như điều kiện tự nhiên tại ĐBSCL, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đẩy nhanh việc đưa cây mè vào sản xuất.
Nếu như trước đây, nông dân vùng ĐBSCL canh tác chủ yếu các giống mè địa phương như mè Vàng Châu Phú, mè Vàng Cồn Khương, mè đen Trà Ôn, mè đen Campuchia. Do không được phục tráng và áp dụng biện pháp canh tác không phù hợp nên hầu hết các giống địa phương đều bị thoái hóa lẫn tạp. Qua nhiều năm nghiên cứu một số cơ quan đã phóng thích cho sản xuất một số giống mè tốt như mè V6. Do đó, việc đưa một số giống mè mới vào sản xuất đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân.
Theo đó, tại Bình Thuận, trồng giống mè đen 2 vỏ Bình Thuận cho năng suất 1.000kg/ha, mang lại lợi nhuận 14 triệu đồng/ha. Trồng giống mè địa phương chưa được phục tráng bằng phương pháp sạ hàng cho năng suất 400 kg/ha, mang lại lợi nhuận 2,5 triệu đồng/ha, giá trị lợi nhuận tăng thêm từ mô hình so với đối chứng là 11,5 triệu đồng/ha. Cũng với giống mè mới tại An Giang, qua các mô hình trình diễn và chủ động sản xuất của nông hộ. Lãi thuần cho người trồng mè tại An Giang, trong vụ XH 2012 đạt 25,33 tr.đ/ha tại Châu Phú; 24,96 tr.đ/ha tại Chợ Mới và 10,67 tr.đ/ha tại Tri Tôn. Tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, vụ Xuân hè 2012, UBND xã Bình Hàng Trung triển khai Mô hình canh tác mè trên nền đất lúa với qui mô 40 ha/50 hộ. Nông dân trồng giống mè đen với lượng giống 4 – 5kg/ha, bón phân cân đối theo quy trình kỹ thuật, năng suất đạt 1,4 tấn/ha, giá bán 32.000 đồng/kg. Tổng thu nhập là 44,8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt 29 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, để áp dụng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 3 vụ lúa sang 2 lúa – 1 mè hoặc 2 vụ lúa sang 1 lúa – 1 mè một cách bền vững cần phải có thị trường đầu ra ổn định; cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, trợ giá cho nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng. Nông dân cần áp dụng giống mới và chăm sóc mè theo quy trình kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch để hạ chi phí giá thành sản xuất. Cơ quan quản lý cần có chính sách đầu tư để các nhà khoa học nghiên cứu xác định cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác cây mè thích hợp cho từng địa phương.
H.A