Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:32 am
Cập nhật : 30/08/2012 , 14:08(GMT +7)
Phát triển cây ăn trái ĐBSCL theo hướng bền vững
ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển trái cây (ảnh: Ngũ Hiệp)
Dù có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, nhưng trái cây ĐBSCL đang gặp khó về đầu ra. Nguyên nhân chủ yếu do nông dân sản xuất cây ăn trái vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng trái cây… Điều đó đòi hỏi cần phải có những bước phát triển phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng cũng như bắt kịp “tín hiệu” của thị trường.

 

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật

Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu, ĐBSCL thích hợp cho sự phát triển nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới và được xem là vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước. Ở đây có nhiều giống cây ăn trái ngon và trở thành đặc sản vùng miền như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Da xanh, bưởi Năm roi, thanh long (ruột trắng, đỏ và tím hồng), chôm chôm nhãn, chuối cau, quýt đường không hạt, vú sữa Lò Rèn,…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2011 diện tích cây ăn trái của toàn vùng ĐBSCL là 288,3 nghìn ha (chiếm 34,6% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước). Một số loại cây ăn trái chủ lực như: xoài (41,1 nghìn ha), chuối (39,1 nghìn ha), nhãn (35,7 nghìn ha), cam (29,7 nghìn ha), bưởi (26,4 nghìn ha), dứa, chanh, sầu riêng, chôm chôm…

Theo TS. Lương Ngọc Trung Lập, Viện Cây ăn quả miền Nam, cùng với lúa gạo và thủy sản, cây trái ăn trái luôn được xác định là một trong ba hàng hóa chủ lực, ưu tiên đầu tư phát triển bền vững ở ĐBSCL. Nhận thức được điều đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL thời gian qua đã tiến hành đầu tư xây dựng và phát triển các tiểu vùng trồng cây ăn quả, mạng lưới thu mua, phân phối, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, sản lượng và chất lượng trái cây trong vùng đã được cải thiện đáng kể.

Nhiều nhà vườn đã thay đổi tập quá canh tác theo truyền thống, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật… bước đầu đã hình thành các tổ hợp tác/ hợp tác xã liên kết sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GlobalGAP/VietGAP và được chứng nhận. Nhiều loại trái cây đã đăng ký cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thương hiệu hàng hóa như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), xoài Châu Nghệ (Trà Vinh), bưởi Da xanh Bến Tre, bưởi Năm Roi (Vĩnh Long)... Việc áp dụng rộng rãi và đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công tác, công nghệ sau thu hoạch… trong sản xuất cây ăn trái đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo cơ hội cho trái cây trồng ở ĐBSCL xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Nga, Hà Lan, Đức, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

TS. Lương Ngọc Trung Lập cho biết thêm, những thành công trên mở ra nhiều cơ hội cho ngành cây ăn trái ĐBSCL nhưng không phải không có những thách thức. Trong đó, bài toán đầu tiên là cần quy hoạch phát triển các vùng cây ăn trái cây đặc sản, nhắm tới nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu...

Cần một chính sách đặc thù

Một trong những nguyên nhân khiến trái cây ĐBSCL chưa được giá và khó tìm đầu ra là do sản xuất cây ăn trái vẫn còn mang tính tự phát, do đó khi vào mùa thu hoạch rộ, sản lượng cung ứng cho thị trường quá lớn, thường xảy ra ứ đọng (khủng hoảng thừa), giá cả giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các nhà vườn như: chôm chôm, thanh long, chanh… Bên cạnh đó, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng chuyên canh có diện tích lớn, công nghệ sau thu hoạch và chế biến còn chậm phát triển, nhà vườn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng trái cây trong quá trình sản xuất, chưa tạo được mối liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ, cơ sở hạ tầng yếu kém…

Trái cây ĐBSCL vẫn khó khăn về đầu ra (ảnh: Ngũ Hiệp)

Ngoài ra, những bất cập trong mạng lưới thu mua và bán buôn cũng làm trái cây trong vùng rơi vào cảnh bấp bênh về đầu ra. Hầu hết sản phẩm trái cây tiêu thụ dưới dạng tươi và ở thị trường nội địa là chủ yếu (chiếm 90% tổng sản lượng). Hiện nay hệ thống thu mua, cung ứng – tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL phần lớn do các tư thương đảm nhận theo phương thức mua đứt bán đoạn theo giá tự do trên thị trường. Trái cây từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng trực tiếp qua nhiều khâu trung gian, làm tăng giá thành sản phẩm, kém khả năng cạnh tranh trên thị trường.

TS. Lập cho rằng, muốn loại bỏ bớt khâu trung gian phải khuyến khích nông dân tập hợp lại thành các tổ nhóm hợp tác cũng như đào tạo năng lực kinh doanh cho họ. Khi đã có một vùng nguyên liệu đủ lớn, có người đại diện có trình độ, người nông dân sẽ tiếp cận được khâu phân phối cuối cùng là các siêu thị để chào hàng. Khi đó chi phí trung gian giảm đi đáng kể, người tiêu dùng sẽ có sản phẩm với giá cả phải chăng hơn, nông dân cũng có lợi.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, để khắc phục hạn chế trên, cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu trái cây, cần phải hiểu lợi ích của GAP và làm theo quy trình VietGAP thì mới sản xuất bền vững. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sản xuất theo GAP sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm nào an toàn, sản phẩm nào sản xuất bình thường. Đây cũng là cơ sở để giúp sản phẩm của nông dân làm ra có giá trị cao hơn. Muốn được như vậy rất cần chính sách đặc thù cho ngành trái cây, trong đó cần nhất là vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Diệu Huyền


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner