Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 05:46 pm
Cập nhật : 22/12/2010 , 12:12(GMT +7)
Phát triển các tổ chức KH-CN: Đổi mới tư duy trong xây dựng chính sách
Ươm giống cây tại khu nông nghiệp công nghệ cao Hòa Quang (huyện Phú Hòa)- Ảnh: M.NGUYỆT
Các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH-CN tự đảm bảo hoặc chưa tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, tuy có khác nhau về mốc thời gian nhưng sẽ chuyển đổi thành các tổ chức KH-CN tự trang trải kinh phí hoạt động. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Kim Anh trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về chính sách và giải pháp phát triển các tổ chức KH-CN ở Phú Yên trong thời gian tới.

 - Đồng chí cho biết cách đổi mới tư duy trong xây dựng chính sách phát triển các tổ chức KH-CN ra sao?   

- Đó là cách đổi mới ban hành chính sách từ tư duy “cho chính sách” sang tư duy “thu hút tham gia chính sách” đối với tất cả các đối tượng chịu tác động như các doanh nghiệp, các tổ chức KH-CN. Trong xu thế mới, việc ban hành chính sách nhất thiết phải có tính cầu thị, mong muốn thu hút đối tượng tham gia thực sự. Bên cạnh đó là cách đổi mới tư duy lập chính sách. Cách thức cũ chỉ có các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước cần phải thay đổi trong lập chính sách. Thời gian tới, tỉnh sẽ mời các doanh nghiệp, viện, trường, trung tâm tham gia ngay từ đầu trong quy trình lập chính sách và giải pháp phát triển tổ chức KH-CN. Đặc biệt, địa phương xác định hoạt động KH-CN nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và tạo bước chuyển biến cơ bản trong quản lý KH-CN cho phù hợp với cơ chế thị trường, với yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đặc thù của hoạt động KH-CN.

- Điểm mới trong chính sách xã hội hóa đầu tư cho các tổ chức KH-CN là gì?

- Ngoài nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, Phú Yên sẽ huy động, khuyến khích các doanh nghiệp tỉnh đầu tư cho KH-CN trên cơ sở như kích cầu đầu tư cho KH-CN, kích cung chuyển giao, thương mại hóa các kết quả KH-CN.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển của các tổ chức KH-CN thông qua các dự án, chương trình cụ thể. Doanh nghiệp và các tổ chức KH-CN phải liên kết, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển, hướng dẫn ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp đến khi doanh nghiệp có được sản phẩm cuối cùng bán ra thị trường. Giai đoạn tiếp theo (2015-2020), tỉnh chỉ hỗ trợ một phần cho các nghiên cứu và phát triển, nhưng sẽ tạo môi trường hợp tác, liên kết mạnh mẽ cho các tổ chức KH-CN và doanh nghiệp, đồng thời giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế sản xuất kinh doanh cho các tổ chức KH-CN. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ mua các kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức KH-CN thông qua hợp đồng mua bán theo cơ chế thị trường.

Tỉnh cũng sẽ áp dụng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động KH-CN thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển thông qua việc hỗ trợ, tài trợ cho việc quảng bá các kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để thu hút các doanh nghiệp chú ý và tăng cường sử dụng các kết quả nghiên cứu và phát triển dịch vụ KH-CN.

- Mạng lưới tổ chức KH-CN của tỉnh được quy hoạch như thế nào, thưa đồng chí?

- Việc quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới tổ chức KH-CN trong toàn tỉnh nhằm đảm bảo tính hệ thống từ thành phố đến thị xã, huyện, thị trấn, xã, thôn... Phương án quy hoạch sẽ theo nguyên tắc lan tỏa trong toàn bộ hệ thống tổ chức KH-CN. Do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KH-CN như viện, trường, doanh nghiệp, trung tâm là vô cùng quan trọng. Lan tỏa thông tin, tri thức từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong hệ thống hành chính của tỉnh là điều cần thiết.

Mạng lưới các tổ chức KH-CN phải được tăng dần về số lượng và chất lượng trong thời gian ngắn nhất, từ 3-5 năm chứ không theo quy trình từ 5-10-15 năm như trước đây. Sau mỗi giai đoạn phải có tổng kết đánh giá và tìm giải pháp mới nhất để đảm bảo tính liên tục trong phát triển mạng lưới. Tăng cường mối liên kết, liên thông các tổ chức KH-CN của tỉnh với toàn bộ duyên hải Nam Trung Bộ, các tỉnh giáp ranh, các vùng trong cả nước, các nước lân cận để tăng cường tri thức, thông tin mới, hợp tác, trao đổi chuyên gia.

- Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cho các tổ chức KH-CN ra sao?

- Tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển, bao gồm từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và vốn huy động bên ngoài. Tỉnh cũng sẽ đầu tư phát triển một số phòng thí nghiệm KHCN trọng điểm của tỉnh phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế chủ chốt của tỉnh; đầu tư xây dựng, phát triển thông tin - truyền thông cho các tổ chức KH-CN.

Địa phương cần đầu tư tối đa hoạt động nghiên cứu và phát triển cho các tổ chức KH-CN mức đầu tư không dưới 0,6%GDP, đặc biệt là các tổ chức KH-CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý Nhà nước được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ được giao trên cơ sở sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Việc xây dựng lộ trình đầu tư, thẩm định và đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các tổ chức KH-CN được chia thành hai giai đoạn: từ 2011-2015 và từ 2015-2020. Đó là xây dựng liên kết giữa trường đại học và tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học công nghệ thực hiện nhiệm vụ ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KH-CN sớm hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu KH-CN vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Phú Yên Online


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner