Đó là nội dung được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Thừa Thiên Huế đề ra tại hội thảo nhằm trao đổi chia sẻ kinh nghiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp diễn ra ngày 26/6 tại Thừa Thiên Huế.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Hồ Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì hội thảo. Cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và Tp. Huế, lãnh đạo doanh nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu và là giải pháp quản lý nhằm tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Căn cứ Thông báo số 1654/TB-BKHCN ngày 09/6/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Thông báo Kết quả buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên đại bàn tỉnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Việc tổ chức Hội thảo phát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết giúp nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các đặc sản của địa phương, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Tại Hội thảo, đồng chí Hồ Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đã chia sẻ về: Vấn đề bàn luận về truy xuất nguồn gốc; Vai trò của truy xuất nguồn gốc; Thực trạng truy xuất nguồn gốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Định hướng và giải pháp phát triển hoạt động truy xuất nguồn gốc.Vấn đề bàn luận trong hội thảo hôm nay sẽ là những giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhằm phát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc ở Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng giới thiệu tổng quan về quản lý và yêu cầu đặt ra TXNG ở Việt Nam, đặc biệt việc triển khai Quyết định 100/QĐ TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu đã nghe các bài tham luận về: Thực trạng áp dụng truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam hiện nay và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, chia sẻ kinh nghiệm một số địa phương điển hình; Việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP; Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và truy xuất nguồn gốc. Hệ sinh thái công nghệ quản lý chuỗi cung ứng truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, kết nối cung cầu thông qua sàn Thương mại điện tử; Thực trạng và giải pháp triển khai áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng VNPT-Check và chia sẻ kinh nghiệm triển khai trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế Hồ Thắng, vấn đề truy xuất nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức hạn chế của một số cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hộ sản xuất, người tiêu dùng và cơ chế quản lý. Thông qua hội thảo này sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất và tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp tục xây dựng ban hành nghị quyết chuyên đề về truy xuất nguồn gốc để thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền cho các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn xem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là việc làm cần thiết, phải thực hiện.... Sắp đến, Sở KHCN tổ chức nhiều hơn những hoạt động tập huấn về truy xuất nguồn gốc; tăng cường hỗ trợ, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất, giữa Nhà nước, nhà khoa học và nông dân.
Tin, ảnh: PV