Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH - CN) Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH - CN cần tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết thực hiện các hoạt động công nghệ; tập trung phát triển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học theo hướng sâu sát thực tiễn, tránh các vấn đề chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng”.
Nằm trong chuỗi các sự kiện Techdemo năm 2017, Hội nghị về hoạt động các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH & CN các tỉnh, thành phố lần thứ 10 tổ chức tại TP Đà Nẵng vào ngày 23.11 vừa qua đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều lãnh đạo, các chuyên gia.
Tư vấn và chuyển giao hơn 3.300 hợp đồng công nghệ
Khi bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các trung tâm ứng dụng cần quan tâm tới khả năng ứng dụng kết quả của đề tài, nhất là thương mại hóa được kết quả, sản phẩm nghiên cứu. Tiếp theo là áp lực cạnh tranh từ thị trường, đơn vị cần xem xét vị trí của mình ở đâu? Thế mạnh của đơn vị là gì? Chất lượng và cung cách phục vụ ra sao? Trên hết, tất cả phải dựa trên nền tảng công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH - CN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tuấn Phong
Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) Tạ Việt Dũng cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2017, các trung tâm ứng dụng trong toàn quốc đã có 62 đề tài và 88 dự án và đang thực hiện trong các lĩnh vực chủ yếu như: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, sở hữu trí tuệ, chăn nuôi, trồng trọt, điều khiển tự động, y dược… Năm nay, các trung tâm đã thực hiện dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ với hơn 3.300 hợp đồng, tổng giá trị 65 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các trung tâm cũng đã tích cực thực hiện vai trò phục vụ quản lý nhà nước về định hướng ứng dụng tiến KH & CN vào các lĩnh vực, đời sống và bảo vệ môi trường phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách về hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Đầu mối tiếp nhận, lựa chọn được những kết quả nghiên cứu, công nghệ mới cần áp dụng, nhân rộng tại địa phương, thực hiện nhiều hợp đồng dịch vụ tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân. Các kết quả nổi bật đó đã đóng góp tích cực trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ và phát triển KT - XH ở các địa phương, tạo được uy tín thực sự cho ngành khoa học.
Tuy nhiên, như nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội trong hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ và bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, các trung tâm vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Mô hình tổ chức, hoạt động của trung tâm chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong tình hình mới, cơ chế, chính sách triển khai hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ đang trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết giữa Trung tâm với các viện, trường, doanh nghiệp chưa nhiều; cơ cấu, trình độ đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao. “Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường vị trí và vai trò của Trung tâm trong hoạt động đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhu cầu của doanh nghiệp về đổi mới công nghệ trong giai đoạn hội nhập”, Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh.
Tiếp sức
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện TP Đà Nẵng, đơn vị chủ nhà của TechDemo 2017, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cho biết, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả về hoạt động KH &CN trên tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống, tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển KT - XH của thành phố. Thành phố không ngừng cải thiện cơ chế, chính sách phát triển KH&CN, đồng thời từng bước nâng cao năng lực của Trung tâm ứng dụng KH&CN của địa phương.
Theo Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An Trần Quốc Thành, để tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm cần thiết phải thông qua điểm kết nối cung cầu. Các trung tâm là nơi nắm bắt được nhu cầu công nghệ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; nắm rõ được những công nghệ nào sẵn có, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. “Thực tế, qua mô hình thí điểm kết nối cung cầu của Nghệ An 5 tháng qua, tỉnh đã tổ chức được 3 phiên kết nối cung cầu giữa các nhà khoa học trong nước với các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có nhu cầu về đổi mới công nghệ trong tỉnh; thông qua đó đã có 5 hợp đồng chuyển giao công nghệ và cung ứng thiết bị được ký kết với tổng giá trị 2 tỷ đồng; có 3 doanh nghiệp đã được hỗ trợ tư vấn về bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ”, ông Trần Quốc Thành thông tin.
Một số địa phương kiến nghị, Bộ KH&CN cần tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cụ thể về chế độ chính sách cho các trung tâm sau khi chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 54/NĐ-CP. Đồng thời, tạo điều kiện để các trung tâm tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Hỗ trợ các trung tâm được tiếp cận, tham gia các nhiệm vụ KH&CN, đề tài dự án KH& CN, chương trình trọng điểm cấp nhà nước. Xây dựng và ban hành Khung nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ cho các trung tâm.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, hiện nay, Bộ KH&CN đang nỗ lực thực hiện những chính sách nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển hệ thống các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, trong đó có Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, cụ thể như: Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật Hỗ trợ DNNVV 2017; Triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia... Các chương trình đã từng bước hỗ trợ nâng cao năng lực cho các trung tâm, các tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình tìm kiếm, tiếp nhận, lựa chọn, đánh giá, hoàn thiện các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới bảo đảm có thể triển khai ứng dụng phù hợp, hiệu quả vào điều kiện đặc thù của từng địa phương.