Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 07:16 am
Cập nhật : 21/11/2013 , 13:11(GMT +7)
Phát triển TSTT, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm
Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Tòa soạn
Thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến Khoa học và Công nghệ (KH&CN), coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế xã hội; Chính vì vậy, nhiều văn bản quan trọng liên quan đến KH&CN và Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được ban hành, trong đó có Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể nhằm đưa SHTT phát triển sang một giai đoạn mới.

Sau khi gia nhập WTO, vấn đề phát triển tài sản trí tuệ và thực thi quyền SHTT ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhiều giải pháp. Nguyên nhân là do nhận thức của các doanh nghiệp (DN) về vai trò và các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp còn chưa đầy đủ.

Một bộ phận không nhỏ các DN, đặc biệt là khối ngành kinh doanh và dịch vụ còn chưa thật sự quan tâm đến việc phát triển tài sản trí tuệ, nên khi bị xâm phạm, hầu hết các DN không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu xử lý. Do đó, công tác quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cần phải được tiến hành lâu dài, đồng bộ nhiều giải pháp…..

Nhằm giúp độc giả có thêm thông tin về hoạt động nói trên, Báo Đất Việt sẽ phối hợp với Trung tâm truyền thông Khoa học Công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến trên báo Đất Việt Online với chủ để: “Tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”, vào lúc 9h00-11h00 ngày 21/11/2013 tại báo Đất Việt số 3/C11, Ngõ 17, Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội.

Khách mời tham dự gồm:

- Ông Hoàng Văn Tân –  Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

- Ông Nguyễn Văn Xuất  Phó giám đốc  Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang (Sở có nhiều sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên thế, mỳ Chũ...)

- Ông Trần Anh Khiêm, GĐ Kinh doanh  Công ty TNHH Công nghệ  thiết bị y tế Bắc Việt (Đơn vị có nhiều sáng chế và kiểu dáng được bảo hộ)

Những vấn đề được trao đổi, thảo luận trong buổi giao lưu sẽ cung cấp thêm thông tin toàn diện về việc phát triển mọi mặt cho hoạt động Sở hữu trí tuệ nói chung cũng như việc phát triển tài sản trí tuê và vấn đề thực thi quyền SHTT nói riêng.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu...

Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm với Tổng biên tập báo Đất Việt. (Trong ảnh:Từ trái qua: Ông Trần Anh Khiêm, Ông Hoàng Văn Tân, Bà Trần Thị Xuân, Ông Nguyễn Văn Xuất và TBT Vũ Hữu Nghị) Ảnh: Minh Tú
Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm với Tổng biên tập báo Đất Việt. (Trong ảnh:Từ trái qua: Ông Trần Anh Khiêm, Ông Hoàng Văn Tân, Bà Trần Thị Xuân, Ông Nguyễn Văn Xuất và TBT Vũ Hữu Nghị) Ảnh: Minh Tú

Ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ:

- Ông có thể nói ngắn gọn về tình hình triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ của Cục trong thời gian gần đây? (Phương Hoàn, Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KHCN, Bộ KH&CN)

Có thể nói một cách ngắn gọn, các hoạt động hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển quyền Sở hữu tri tuệ (SHTT) của Cục Sở hữu trí tuệ vẫn đang được chú trọng triển khai, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Để triển khai các hoạt động này, Cục có 5 đơn vị, đó là Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo,Trung tâm Thông tin, Văn phòng đại diện tại TP HCM và TP Đà Nẵng được giao nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn miễn phí cho các chủ thể có nhu cầu.

Nội dung tư vấn chủ yếu là về các quy định pháp luật, từ đó các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký, xác lập quyền SHTT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn thủ tục, cách thức lập hồ sơ đăng ký theo đúng quy định của pháp luật và các hoạt động cần thiết phải triển khai sau khi nộp đơn đăng ký, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ và việc phát triển quyền SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau này.

Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cũng đang được vận hành tốt, giúp hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn nghiệp vụ và cả kinh phí cho các địa phương, đơn vị trong quá trình xác lập, quản lý và phát triển quyền SHTT.

-Nằm trong các chuỗi chương trình liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuê, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2015 (Chương trình 68) đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, xin ông Hoàng Văn Tân cho biết những kết quả đạt nổi bật của Chương trình sau 2 năm triển khai? (linhhuong78@yahoo.com)

Qua hơn 2 năm kể từ khi được phê duyệt, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) giai đoạn 2011-2015 đã và đang được triển khai tích cực theo đúng mục tiêu, nội dung tại Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: Tính đến hết tháng 10/2013, tất cả 08 nội dung của Chương trình đã được thực hiện, trong đó:
- Tổng số dự án đề xuất hỗ trợ: 579 dự án.
- Tổng số dự án được đưa vào danh mục để tuyển chọn: 325 dự án.
- Tổng số dự án được hỗ trợ cho triển khai 212 dự án, trong đó:
+ 80 dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên đài truyền hình đã được phê duyệt thực hiện;
+ 11 dự án áp dụng sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học được phê duyệt (tăng gấp 4 so với giai đoạn 2005-2010)

- Lần đầu tiên trong Chương trình có loại dự án tổ chức hoạt động SHTT trong viện nghiên cứu và các dự án về thực thi quyền SHTT được triển khai. Chương trình 68 đã có nhiều kết quả nổi bật và để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Ngoài việc góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh; nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong khoa học, công nghệ và SHTT.

Trong đó, điểm nhấn là đã góp phần đưa hoạt động SHTT tới mọi miền tổ quốc (trước đây hoạt động SHTT chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, thương mại phát triển, thì giờ đây đã và đang diễn ra ở các tỉnh vùng xa, vùng cao từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, từ Vân Đồn, Cát Bà đến Lý Sơn, Phú Quốc…) và tạo được động lực cho các địa phương huy động nguồn lực tại chỗ để xây dựng và phát triển TSTT dùng cho các  sản phẩm, dịch vụ đặc thù của mình, cụ thể là với 212 dự án đã được Chương trình hỗ trợ, tổng kinh phí được các địa phương, doanh nghiệp đối ứng để thực hiện là trên 127 tỷ đồng.

- Được biết, tính đến nay Chương trình 68 đã nhận được gần 500 đề xuất dự án và đã có trên 200 dự án được xét chọn cho thực hiện. Trong quá trình tuyển chọn, hỗ trợ các dự án, Cục có gặp những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông? Ông có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc đó? (nguyenhung@gmail.com)

Có thể nói, với sự nỗ lực của Cục SHTT, cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ với sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, Chương trình đã và đang được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung đề ra và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy  nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình có một số vướng mắc, cụ thể như: Chương trình chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của mình, một số nội dung quan trọng chưa triển khai được như mong muốn; Thiếu cơ chế cụ thể nhằm huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, chuyên gia có trình độ cao thực hiện các nội dung đòi hỏi chuyên môn sâu về SHTT; Đối với loại dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra mô hình cơ quan quản lý bên ngoài và cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phù hợp hơn.

Về nguyên nhân, có thể nói rằng SHTT là lĩnh vực đặc thù, mới và khó, hơn nữa, chúng ta chưa có nhiều sáng chế có khả năng áp dụng vào thực tiễn, nhu cầu sử dụng thông tin sở hữu trí tuệ còn thấp; Việc sử dụng công cụ SHTT phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp, để có thể chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, buôn bán sản phẩm thô sang mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, kinh doanh sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp (bao gói), nhãn hiệu và sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được quản lý và truy xuất nguồn gốc thì cần phải có sự thay đổi từ nhận thức của xã hội.

Về một số giải pháp, tôi cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Chương trình; Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Văn phòng Chương trình; Tổ chức, đánh giá hiệu quả các dự án đã kết thúc, từ đó đưa ra phương án khắc phục những nhược điểm; Duy trì, phổ biến, nhân rộng kết quả các dự án; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc đề xuất, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu, thanh quyết toán dự án.

 

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Hoàng Văn Tân đang trả lời các câu hỏi của độc giả. (Ảnh: Tú Minh)
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Hoàng Văn Tân đang trả lời các câu hỏi của độc giả. (Ảnh: Tú Minh)


-Xin Phó Cục trưởng cho biết thực trạng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của nước ta? Việc hỗ trợ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã mang lại tác dụng tích cực như thế nào đối với các sản phẩm nông nghiệp? (Quang Đồng, Công ty Cổ phần CNV)

Có thể nói, là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều loại nông sản đặc trưng cho mỗi vùng, miền của đất nước; vì vậy, chúng ta cần phải đăng ký chỉ dẫn địa lý dùng cho các sản phẩm này. Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2013 mới chỉ có 34 sản phẩm của Việt Nam được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đó cũng là lý do, đây là một trong những đối tượng được ưu tiên của Chương trình 68. Qua hơn 2 năm, Chương trình đã phê duyệt hỗ trợ cho 110 dự án loại này, chiếm hơn 50% tổng số dự án của Chương trình.

Hoạt động hỗ trợ xác lập quyền, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với đặc sản địa phương đã mang lại những hiệu quả tích cực như: tăng sản lượng và giá bán sản phẩm, giúp hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm tới các thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản; giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm; hình thành các mô hình tổ chức tập thể cùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Tôi có thể đưa ra một số ví dụ để minh chứng là sản phẩm nước mắm Phú Quốc sau khi được hỗ trợ đã được quản lý chặt chẽ hơn để bảo đảm chất lượng đặc thù vì sản phẩm hiện nay chỉ được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc, và vừa qua chỉ dẫn địa lý này đã được công nhận bảo hộ ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu; Còn với sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột, một số nhà xuất khẩu của địa phương đã và đang cố gắng thoả thuận với tất cả các nhà rang xay cà phê lớn của thế giới để gắn logo chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột nổi tiếng của Việt Nam vào bao bì cà phê xuất khẩu; Sản phẩm chè Tân Cương có bao bì mang chỉ dẫn địa lý có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì mang chỉ dẫn địa lý.

-Thưa ông Tân, ông có thể nói một cách khánh quan về thực trạng phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và các ban ngành có liên quan trong quá trình triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ?  (Phạm Quỳnh Lan, Tp.HCM)

Trong quá trình tổ chức triển khai Chương trình 68, Cục SHTT đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực của các cơ quan ban ngành, địa phương. Các Bộ liên quan đều có đại diện trong Ban chỉ đạo, Ban thư ký Chương trình. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã rất tích cực phối hợp với Bộ KHCN trong quá trình xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình từ năm 2011; Trong giai đoạn 2011-2013, đã có gần 1.000 lượt các chuyên gia tham gia các hội đồng thẩm định nội dung, thẩm định tài chính và đánh giá, nghiệm thu các dự án. Tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước đều tham gia Chương trình thông qua việc triển khai các hoạt động chung và dự án.

Tuy nhiên, việc phối hợp tổ chức triển khai Chương trình của các Bộ, ngành, địa phương cũng còn một số tồn tại như: các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký Chương trình là kiêm nhiệm, bận nhiều công việc, vì vậy, một số hoạt động của Chương trình chưa nhận được sự tham gia đầy đủ của tất cả các thành viên. Việc mời chuyên gia vừa có am hiểu sâu về lĩnh vực quản lý ngành vừa có kinh nghiệm để hiểu và thẩm định được các nhiệm vụ liên quan đến SHTT cũng gặp khó khăn nhất định.   

Để có thể tiếp tục triển khai Chương trình hiệu quả hơn, Cục SHTT mong tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và tích cực từ các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới.

-Xin ông cho biết các nội dung chính thuộc Chương trình 68 sẽ được triển khai trong thời gian tới, cụ thể là các lĩnh vực liên quan đến việc khai thác tối đa thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; hỗ trợ khai thác thông tin KH&CN và SHTT phục vụ nghiên cứu và triển khai, sản xuất và kinh doanh là gì thưa ông? (Quách Phương Linh, Hà Nội)

Về tổ chức các hoạt động chung của Chương trình sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thông tin truyên truyền về Chương trình và về SHTT nói chung. Tổ chức, đánh giá hiệu quả các dự án đã kết thúc, từ đó đưa ra phương án khắc phục những nhược điểm; Duy trì, phổ biến, nhân rộng kết quả các dự án; Tăng cường hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế đối với kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu, trong đó có hỗ trợ đăng ký bảo hộ SHTT ở nước ngoài.

Cục SHTT sẽ phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả hơn cho Việt Nam, đặc biệt là mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc thù mang địa danh.

Về quản lý dự án, Cục SHTT sẽ tiếp tục ưu tiên các dự án liên quan đến các nội dung như áp dụng sáng chế của Việt Nam và sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam; Áp dụng, phát triển giá trị giống cây trồng mới được bảo hộ, các quy trình quản lý, kết quả sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ, đặc biệt là các đối tượng SHTT được bảo hộ dùng cho cho đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT, xây dựng và vận hành tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ trong viện nghiên cứu, trường đại học.

-Có ý kiến cho rằng, công tác truyền thông là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hoạt động SHTT vào cộng đồng, xin ông cho biết một số kết quả cụ thể trong công tác truyền thông của Cục trong thời gian qua? (Phạm Thị Bích Nhàn, báo Lao Động Đồng Nai)

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến cho rằng truyền thông là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hoạt động SHTT vào cộng đồng. Chính vì vậy mà công tác truyền thông, tuyên truyền về SHTT là một trong những nội dung được đặc biệt nhấn mạnh trong Chương trình 68. Trong khuôn khổ Chương trình, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về SHTT, đã có 78 dự án loại này được hỗ trợ cho thực hiện và duy trì một cách thường xuyên, liên tục, có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhờ đó, chương trình đã góp phần tạo chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về SHTT.

Trong đó, có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như Chương trình “Sáng tạo Việt” được phát sóng trên kênh VTV3 sau gần 2 năm phát sóng, dự án được coi là sự đột phá về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ và SHTT. “Sáng tạo Việt” đã chuyển tải gần 200 tình huống về việc ứng dụng, bảo vệ quyền SHTT, giới thiệu gần 100 sáng chế/giải pháp hữu ích tiêu biểu có giá trị ứng dụng, thương mại hóa cao, thu hút hơn 100 chuyên gia đến từ các bộ ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học và các nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến sáng chế/giải pháp hữu ích.  Dự án “Nữ trí thức với hoạt động sáng tạo” được tổ chức dưới dạng một Chương trình tọa đàm, phát trên sóng VTC đã tập hợp và tôn vinh được hầu hết các nữ trí thức tiêu biểu của Việt Nam, góp phần thực hiện chính sách bình đẳng giới trong hoạt động khoa học và tạo động lực cho các nhà trí thức nữ tiếp tục lao động sáng tạo, tạo ra các kết quả hữu ích cho xã hội.

Ngoài ra, thông qua gần 80 lượt dự án “SHTT và cuộc sống” trên Đài truyền hình của 49 địa phương, đã có hơn 2000 số phát sóng nhằm phổ biến kiến thức về SHTT trên Đài truyền hình địa phương. Đây là một kênh truyền tải thông tin rất hữu hiệu đưa SHTT đến mọi miền của tổ quốc, mọi đối tượng, ngành nghề.
 

Ông Nguyễn Văn Xuất, PGĐ sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang:

-Được biết Bắc Giang là một trong các tỉnh có nhiều sản phẩm nông sản được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý (Ví dụ như gà đồi Yên thế, Vải thiều Lục Ngạn….). Vậy ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đề ra kế hoạch để xây dựng, khai thác, quản ký, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ của địa phương? (Nguyễn Tuấn Hải, Hà Nội)

Bắc Giang là một trong những tỉnh có sản phẩm nông nghiệp được đăng ký bảo hộ nhiều, đến nay đã cấp văn bằng bảo hộ cho 18/22 sản phẩm. Lý do vì chúng tôi đã xác định rõ việc bảo hộ sẽ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng với nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đồng thời chống được các hành vi giả mạo, xâm phạm nguồn gốc, tính chất và chất lượng của sản phẩm khi đã được bảo hộ.

Lý do thứ 2, chúng tôi đã xác định được các sản phẩm chủ lực cho các địa phương, các huyện để có cơ hội đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ nhằm mở rộng, tức là tạo ra khối  lượng sản phẩm lớn và có chất lượng tốt.

Lý do thứ 3, chúng tôi đã tập trung các nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cả về quy mô và chất lượng.

-Tính đến nay, Sở KH&CN Bắc Giang đã có bao nhiêu chỉ dẫn địa lý được bảo hộ? Để việc triển khai các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thời gian tới Sở sẽ có những giải pháp gì để thực hiện, thưa ông? (Trà Ngọc Diệp, Lạng Sơn)

Hiện Sở KH&CN Bắc Giang có một sản phẩm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là vải thiều Lục Ngạn, một sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận đó là gà đồi Yên Thế và 16 sản phẩm đã được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Để quản lý và phát triển tốt các sản phẩm đã được bảo hộ chúng tôi tập trung vào một số nội dung chính sau:

Thứ nhất là tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan, phổ biến để nâng cao nhận thức đối với vai trò, lợi ích và trách nhiệm của các chủ sở hữu và người tiêu dùng. Quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm của Sở, của tỉnh để giúp người tiêu dùng biết và tiếp cận các sản phẩm đã được bảo hộ. Tiếp theo, chúng tôi đầu tư nghiên cứu thông qua các đề tài, dự án để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm đã được bảo hộ để chống lại các hành vi xâm phạm quyền.

Lý do thứ 2, chúng tôi đã xác định được các sản phẩm chủ lực cho các địa phương, các huyện để có cơ hội đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ nhằm mở rộng quy mô, tức là tạo ra khối lượng sản phẩm lớn và chất lượng tốt.

- Ông có thể cho biết, các dự án về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương từ Chương trình 68 đã mang lại những kết quả nổi bật nào đối với tỉnh trong thời gian qua, thưa ông? (dinhtien81@gmail.com)

Các dự án về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương từ Chương trình 68  đã mang lại những kết quả nổi bật như: tạo được sự đồng thuận và quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng quy mô sản xuất của địa phương; tạo cơ hội huy động nguồn lực trong sản xuất.Ví dụ, nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế sau khi được bảo hộ đã được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND thành phố Hà Nội quản lý và cung cấp gà cho thành phố.

Theo đó, dịp tết nguyên đán năm 2012, địa phương đã cung cấp cho thành phố Hà Nội trên 3 triệu con gà. Thời điểm này, nhân dân Yên Thế đang tích cực chuẩn bị nguồn gà để cung cấp cho thành phố Hà Nội nhân dịp tết nguyên đán 2013 sắp tới. Ước tính số lượng từ 3,5-4,0 triệu con. Bên cạnh đó, các sản phẩm được đăng ký bảo hộ đều cho hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn, vải thiều Lục Ngạn từ khi được đăng ký bảo hộ (17.017 ha) có giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại không được bảo hộ từ 50-100%. Đặc biệt vải thiều đã được bảo hộ và sản xuất theo hướng VietGap (6.700 ha trong tổng số 17.017 ha) lại có giá bán cao hơn đối với vải thiều chỉ đăng ký bảo hộ từ 23-28%. Như vậy, vải thiều đã bảo hộ và sản xuất theo hướng VietGap có giá trị kinh tế cao hơn so với vải thiều không được bảo hộ từ 73-128%.

Về hiệu quả xã hội, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng vạn hộ nông dân. Đối với Yên Thế có trên 17.000 hộ chăn nuôi, hàng năm cho tổng thu nhập từ việc bán gà 1.200-1.500 tỷ đồng. Khoảng 30.000 hộ nông dân Lục Ngạn hàng năm có thu nhập từ vải thiều từ 1.000-1.200 tỷ đồng. Kết quả của Chương trình 68 góp phần thực hiện quy hoạch và mở rộng quy mô sản xuất đối với các sản phẩm. Vì quy mô sản xuất càng lớn cũng đồng nghĩa với việc tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thu mua số lượng lớn, ổn định. Mùa vải mỗi ngày hàng trăm container đã đến địa phương thu mua vải để phân phối đến các thị trường khác.

Ông Nguyễn Văn Xuất, PGĐ sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang
Ông Nguyễn Văn Xuất, PGĐ sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang


-Thưa ông Xuất, trong thời gian tới, Sở KH&CN Bắc Giang có những dự án cụ thể nào để phát triển các hoạt động công nghệ của địa phương, lồng ghép vào các Dự án thuộc Chương trình 68 để được hỗ trợ triển khai, thưa ông? (Hương Lan, Bắc Giang)

 Năm 2013-2014 chúng tôi đang triển khai dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo thơm Yên Dũng. Năm 2014-2015, thực hiNgoài ra, bằng nguồn ngân sách của các huyện triển khai xây dựng và quản lý đối với một số dự án bảo hộ sản phẩm dưới hình thức nhãn hiệu tập thể như: rau cần Hiệp Hòa, bưởi Diễn Lục Ngạn, cam Đường Canh Lục Ngạn và bưởi Diễn Lương Phong – Hiệp Hòa. Lên dự án xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận miến dong Sơn Động.

-Thời gian qua, Cục SHTT đã có những chương trình cụ thể nào để hỗ trợ địa phương trong việc xác lập quyền và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ? (Hồ Thanh Hà, Tp. Điện Biên, tỉnh Điện Biên)

Bắc Giang là tỉnh tích cực tham gia thực hiện Chương trình 68 vì thế những năm qua Bắc Giang đã được Bộ KH&CN mà trực tiếp là Cục SHTT hỗ trợ các dự án sau:

Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn” vào năm 2007-2008; “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn” vào năm 2010-2011; “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế” vào năm 2010-2011; hai dự án tuyên truyền “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” năm 2009-2011. Dự án “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo thơm Yên Dũng” 2013-2014.

Mới đây, dự án “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận miến dong Sơn Động” thực hiện năm 2014-2015.

-Thông qua SHTT, tính cạnh tranh của sản phẩm, mà đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương ông dường như đã được nâng cao rõ rệt. Điều này đã mang lại lợi ích thiết thực như thế nào trong việc góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội? (Võ Ngọc Ánh, 38 tuổi, Quảng Ngãi)

Hầu hết các sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ đều góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm vì đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm của các cấp lãnh đạo. Mang lại hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm góp phần mang lại lợi ích thiết thực trong việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

-Ông có cho rằng việc thành lập cơ quan định giá, tiến tới tổ chức sàn đấu giá tài sản trí tuệ là cần thiết và đem lại hiệu quả cho quá trình thực hiện Chương trình 68? (Nguyễn Minh Quang, Giao Thủy, Nam Định)

Lâu nay các tài sản hiện hữu đã được quan tâm và có các công ty định giá. Hiện nay, tài sản trí tuệ còn có giá trị nhiều hơn tài sản hiện hữu chẳng hạn như Cocacola giá trị tài sản trí tuệ chiếm tới 70%, Microsoft có giá trị tài sản trí tuệ chiếm 98%. Nên theo tôi, việc thành lập cơ quan định giá tiến tới tổ chức sàn đấu giá tài sản trí tuệ là cần thiết.

-Tỉnh Bắc Giang cũng như Sở KH&CN Bắc Giang đã có những đóng góp như thế nào đối với việc thực hiện Chương trình 68 trong thời gian qua thưa ông? (thanhhadpv@gmail.com)

Sở KH&CN Bắc Giang đã rất nỗ lực và cố gắng tham gia và thực hiện Chương trình 68 vì thế đã huy động được sự đóng góp, quan tâm của tất cả các cấp các ngành đầu tư hỗ trợ để đăng ký bảo hộ các sản phẩm đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Từ năm 2005 đến nay đã đăng ký bảo hộ được 18/22 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ. Đối với doanh nghiệp trước 2005 có 123 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, đến nay con số này lên đến 435 sản phẩm.

Ngoài ra, các dự án của Chương trình 68 đã góp phần ổn định và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả lao động của người sản xuất.

-Nhờ được cấp văn bằng bảo hộ, nhiều nông sản của Việt Nam như Thanh Long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc…đã có cơ hội vươn ra các thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Nhật… Được biết, Bắc Giang là một trong những tỉnh có nhiều nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý. Vậy Sở có kế hoạch cụ thể nào trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài hay chưa? (dinhhoan.6682@gmail.com)

Trong hội nhập nền kinh tế thế giới, việc quan tâm bảo hộ ở nước ngoài là cần thiết vì vậy Bắc Giang đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm quả vải thiều tươi và được các nước chấp nhận đơn đối với chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở 5 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc và Nhật Bản.  Dự kiến đầu năm 2014 sẽ đăng ký cho sản phẩm nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế tại 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các sản phẩm khác sẽ được xem xét và từng bước có thể tiếp tục xin bảo hộ ở nước ngoài vào những năm sau.

-Nắm vững kiến thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ được xem như là một trong những công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội. Vậy trong thời gian qua, Sở đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể gì để nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đối với cán bộ sở cũng như các doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn? (nguyenlinhhuong@yahoo.com).

Đây là việc làm cần thiết và thường xuyên nên hàng năm Sở đã tổ chức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội nghị chuyên đề để nâng cao nhận thức đối với các cơ quan, cán bộ thực thi quyền và xây dựng bảo hộ các sản phẩm đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được bảo hộ và thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước của Sở về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

-Xin ông cho biết Sở KH&CN Bắc Giang sẽ tham gia để đẩy mạnh việc đăng ký và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như thế nào? (San Thai, phóng viên)

-Hiện Sở KH&CN Bắc Giang đã tích cực đẩy mạnh việc đăng ký và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và sẽ đẩy mạnh hơn nữa.

-Ông có thể đánh giá về công tác xây dựng cơ chế giao quyền SHTT có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước cho các tổ chức và cá nhân để chuyển giao cho doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khoa học? (Mai Linh,  báo Đất Việt)

Công tác xây dựng cơ chế giao quyền SHTT là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là việc làm rất cần thiết để đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học vào ứng dụng tại các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp để mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Ông Trần Anh Khiêm, GĐ Kinh doanh  Công ty TNHH Công nghệ  thiết bị y tế Bắc Việt

-Được biết công ty ông là một trong các doanh nghiệp có nhiều kiểu dáng độc quyền, nhãn hiệu được bảo hộ. Ông có thể giới thiệu ngắn gọn về công ty.Tính đến nay, công ty đã có bao nhiêu sáng chế và kiểu dáng thiết bị y tế được bảo hộ? (Độc giả báo Đất Việt)

Công ty Bắc Việt của chúng tôi được thành lập năm từ 2005, lĩnh vực hoạt động chính của Công ty Bắc Việt là đơn vị sản xuất và kinh doanh trang thiết bị y tế. Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, bằng những quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, Bắc Việt đã vươn lên trở thành một đơn vị hàng đầu tại Việt Nam, trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo, sản xuất trang thiết bị y tế, đặc biệt là các sản phẩm, các cấu kiện thuộc hệ thống khí y tế trung tâm.

Trang thiết bị y tế (TBYT) có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế, tuy nhiên một thực trạng đáng buồn là hơn 80% TBYT dùng trong các cơ sở y tế hiện đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, TBYT sản xuất trong nước vẫn luẩn quẩn với những mặt hàng đơn giản, thông thường, thiếu hàm lượng chất xám nên giá trị không cao.

Theo điều tra của Viện Trang thiết bị và công trình y tế, cả nước hiện có khoảng 1.000 bệnh viện ở các tuyến, hầu hết trang thiết bị y tế sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh này đều là hàng nhập khẩu. Bởi vậy mỗi năm cả nước phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng cho việc nhập khẩu các loại máy móc và TBYT.
Trước thực trạng đó, Bắc Việt  đã tập trung đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đưa ra những giải pháp tối ưu dựa trên cơ sở các sáng chế tự có để sản xuất và lắp đặt hệ thống khí y tế trung tâm. Hiện nay, các sản phẩm, các cấu kiện, các thiết bị . . . thuộc hệ thống khí y tế trung tâm do Bắc Việt Sản xuất được đánh giá là có chất lượng tương đương và hoàn toàn thay thế được hàng nhập khẩu. Sử dụng sản phẩm do Bắc Việt sản xuất sẽ nâng cao năng lực phục vụ của các bệnh viện, giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu, ngoài ra sẽ thúc đẩy phát triển năng lực sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật Việt nam.

Tính tới thời điểm hiện tại, Công ty Bắc Việt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 23 văn bằng bảo hộ, trong đó có 7 văn bằng bảo hộ sáng chế, 16 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Ngoài ra, Công ty Bắc Việt cũng đã ký một vài hợp đồng chuyển giao công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản để sử dụng công nghệ của họ trong hoạt động sản xuất của mình.

Do có những nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, bởi vậy, ngày 16/11/2012, Công ty Bắc Việt đã được Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ.

-Được biết Bắc Việt là một trong những Công ty hàng đầu về nghiên cứu chế tạo, sản xuất sản phẩm Thiết bị y tế. Vậy trong thời gian tới để phát huy thương hiệu của mình công ty đã có những chiến lược cụ thể gì? (Thanh Hà, Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN)

Bước đầu tiếp cận và tham gia trên sân chơi chủ đạo của hàng hoá nhập khẩu, Công ty Bắc Việt hoàn toàn ý thức được rằng, phải tập trung đầu tư công nghệ để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tương đương với hàng nhập khẩu, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu một cách hợp lý và bài bản thì mới có cơ hội gianh chiến thắng đối với hàng hoá nhập khẩu trên chính sân nhà của mình. Do đó trong thời gian tới, Công ty Bắc Việt sẽ chú trọng tới một số vấn đề như sau:

-Xây dựng và bảo hộ hệ thống dấu hiệu nhận diện doanh nhiệp. Bằng việc thiết kế và đăng ký bảo hộ tên thương mại, nhãn hiệu, lô go, khẩu hiệu .  . . Bắc Việt sẽ dần xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu của mình trong con mắt người tiêu dùng.

-Xây dựng chiến lược khác biệt hoá sản phẩm: Nhìn chung các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài hiện nay có chất lượng tốt, hàm lượng công nghệ cao, tuy nhiên các sản phẩm đó không phải là đã hoàn toàn phù hợp với thị hiếu và môi trường khí hậu của Việt Nam. Bằng việc lựa chọn chất liệu sản xuất phù hợp, đồng thời với việc nghiên cứu thị hiếu và nhu cầu của thị trường, Bắc Việt sẽ sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm có tuổi thọ cao hơn, tính năng an toàn hơn cho người sử dụng, phù hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu sử dụng của từng đối tượng khách hàng.

-Về chiến lược sản phẩm: Trong thời gian tới, Bắc Việt sẽ tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ, sẵn sàng bỏ tiền để nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài . . . nhằm sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tương đương hoặc cao hơn so với hàng nhập khẩu. Sau khi sản xuất, sản phẩm sẽ được gửi đi kiểm định tại các đơn vị kiểm danh tiếng ở nước ngoài để thẩm định và khẳng định chất lượng, đồng thời cấp chứng nhận hợp chuẩn theo quy chuẩn quốc tế . . .

-Các chính sách sau bán hàng: Bắc Việt cam kết bảo hành sản phẩm lâu hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời cam kết cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống chỉ trong vòng 48 giờ (trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam).
- Chính sách cạnh tranh: Cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng sản phẩm.
-Về truyền thông và hỗ trợ: Thông qua tiếng nói của các ban ngành, các tổ chức, các hiệp hội . . .  đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài.
- Phát triển thị trường: Mở rộng thị trường sang các khu vực lân cận trong khối Asean.
Với chiến lược như trên, Bắc Việt tin tưởng rằng sản phẩm của mình có thể cạnh tranh sằng phẳng được với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, dần dần nâng cao vị thế thương hiệu của mình.

-Vậy công ty có nhận được sự hỗ trợ của Bộ, ngành có liên quan trong việc khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp hay không, nếu có thì cụ thể như thế nào thưa ông? (Phạm Anh Tuấn, Hà Nội)

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhằm tránh các nguy cơ, các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sản xuất kinh doanh, với ý thức tự mình phải bảo vệ các thành quả lao động và tài sản của chính mình (trong đó có tài sản trí tuệ), bởi vậy Công ty Bắc Việt đã thông qua đại diện (các văn phòng luật sư tư vấn) tiến hành đăng ký xác lập các quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan chức năng có thẩm quyền (Cục sở hữu trí tuệ). Việc đăng ký xác lập các quyền sở hữu trí tuệ là do Công ty tự ý thức, mà không phải là được sự hỗ trợ hoặc nằm trong chương trình hỗ trợ nào của các ban ngành. Hiện nay, Công ty vẫn đang tự mình thực hiện việc xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển các tài sản trí tuệ của mình.

Thời gian qua, Công ty Bắc Việt nói riêng và các Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ nói chung đã nhận sự quan tâm tích cực hơn từ các bộ ngành như: Bộ Khoa học & Công nghệ, Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội, đặc biệt là từ Cục phát triển thị trường - Bộ Khoa học & Công nghệ, trong chương trình phát triển Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ. Tuy nhiên sự quan tâm đó cũng là nguồn động viên khuyến khích chúng tôi quyết tâm hơn nữa, trong việc nâng cao nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh

-Xin ông cho biết tác động của việc triển khai Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 đối với công ty Bắc Việt nói riêng và các doanh nghiệp nói chung? (Hoàng Thị Hải, Tp. Lạng Sơn)

Sau 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì (Chương trình 68 giai đoạn 2005-2010), nhìn chung chương trình đã đạt được một số thành tựu đáng kể, các Doanh nghiệp đã tự nâng cao nhận thức trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó chủ động xây dựng, khai thác phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Ngoài ra, thông qua việc xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, Doanh nghiệp đã bước đầu đã định hình được việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt giai đoạn này nhìn thấy rõ nhất, đó là một số doanh nghiệp và một số sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015, tiếp tục triển khai theo chiều sâu và diện rộng các nội dung hỗ trợ phát triển TSTT đã triển khai trong giai đoạn 2005-2010, đồng thời mở ra những hoạt động mới, những hướng đi mới, tạo điều kiện hỗ trợ ngày một thiết thực hơn từ phía Nhà nước đối với địa phương, với tổ chức và cá nhân trong hoạt động xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT.
Theo quyết định 761/QĐ-BKHCN ngày 09/4/2013, Công ty Bắc Việt cũng có 2 sáng chế được đưa vào danh mục các dự án thuộc chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ để tuyển trọn thực hiện trong 2 năm 2014-2015. Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể như thế nào thì chúng tôi vẫn phải chờ các hướng dẫn tiếp theo. Công ty Bắc Việt mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ phía Bộ KH&CN và Cục SHTT để các sáng tạo của chúng tôi được bảo hộ, hướng dẫn khai thác một cách hiệu quả.

 

Ông Trần Anh Khiêm tại buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: Minh Tú)
Ông Trần Anh Khiêm tại buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: Minh Tú)

 

-Để có thể tiếp cận và thụ hưởng từ các dự án thuộc Chương trình 68 mang lại, với tư cách là một doanh nghiệp, theo ông còn tồn tại những bất cập và hướng giải pháp nào cho vấn đề này? (Chu Thị Việt Hà, Gio Linh, Gio Sơn, Quảng Trị)

Căn cứ thông tư 03/2011/TT-BKHCN hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, dự án được tuyển chọn thuộc chương trình phải đáp ứng các tiêu chí: Tính thống nhất, tính bao quát và điển hình, tính khả thi, tính hiệu quả, trong đó rất chú trọng tới khả năng sử dụng chung, sử dụng cho nhiều doanh nghiệp hoặc nhiều địa phương.

Cũng theo theo quy định tại thông tư này, hồ sơ thủ tục cho việc đăng ký chủ trì dự án khá phức tạp, sau khi được xét duyệt, Doanh nghiệp phải ký hợp đồng với cơ quan quản lý nhà nước để chủ trì thực hiện dự án. Ngoài ra theo quy định Thông tư liên tịch số 112/2011/TTLT - BTC - BKHCN, nếu dự án không được nghiệm thu thì đơn vị chủ trì sẽ bị thu hồi kinh phí thực hiện.

Như vậy nhìn chung quy định tại thông tư 03/2011/TT-BKHCN sẽ phù hợp hơn khi áp dụng cho đối tượng sở hữu chung hoặc sở hữu nhà nước như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hoặc tài sản trí tuệ được nghiên cứu từ ngồn vốn nhà nước. Còn đối với khối doanh nghiệp và cá nhân ngoài Nhà nước, chương trình này rất khó tiếp cận và chưa thấy lợi ích rõ ràng khi tham gia chương trình này.

Để khắc phục vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, mở rộng đối tượng được hỗ trợ tài chính, giảm bớt các giấy tờ thủ tục trong hồ sơ đăng kí. Như vậy nhìn chung, Chương trình ưu tiên hỗ trợ các đối tượng sở hữu chung hoặc sở hữu nhà nước như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hoặc tài sản trí tuệ do đối tượng hưởng lợi là cộng đồng, người dân. Còn đối với khối doanh nghiệp và cá nhân ngoài Nhà nước, vẫn chưa được xem là đối tượng ưu tiên hỗ trợ từ chương trình. Để khắc phục vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, mở rộng đối tượng được hỗ trợ tài chính, dơn giản hóa các thủ tục để các doanh nghiệp có thể tham gia Chương trình một cách thuận lợi và dễ dàng hơn.



 

Tổng biên tập báo Đất Việt trao đổi với khách mời
Tổng biên tập báo Đất Việt trao đổi với khách mời

-Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đang “thờ ơ” với việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ về SHTT một phần là do sợ bị mất bản quyền sáng chế, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? (Trường Thanh, Tiên Lãng, Hải Phòng)

Theo đánh giá chung của các đơn vị quản lý và các chuyên gia về sở hữu  trí tuệ, các cá nhân, tập thể cũng như các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay còn thờ ơ đối với việc đăng ký bảo hộ quyền sở trí tuệ. Vấn đề này xuất phát bởi một số nguyên nhân như:

-Về vấn đề nhận thức: Các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là tổ chức cá nhân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn . . . thực tế chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Giá trị của sở hữu trí tuệ thường chưa được các đối tượng này đánh giá đầy đủ, họ chưa ý thức được tiềm năng của sở hữu trí tuệ trong việc tạo ra những cơ hội mang lại lợi ích trong tương lai. Ngoài ra, học cũng chưa ý thức được những rủi ro và những nguy cơ khi không thực hiện đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

- Về hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật liên quan tới bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được xây dựng, tuy nhiên việc hiểu và áp dụng hệ thống pháp luật này còn rất khó khăn, đặc biệt đối với những cá nhân ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan có thẩm quyền còn rất phức tạp, nếu không phải chuyên gia thì rất khó để tự mình hoàn thiện hồ theo yêu cầu. Ngoài ra do quy trình thẩm định đơn phức tạp, thời gian thẩm định kéo dài khiến người chủ sở hữu mất kiên nhẫn, đồng thời việc kéo dài thời gian đôi khi làm mất cơ hội kinh doanh của họ, bởi vậy dẫn tới tình trạng ngại thực hiện thủ tục xác lập quyền.

- Về cơ chế bảo hộ: Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện  đang còn rất nhiều bất cập, tạo kẻ hở cho xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sự hợp tác không thống nhất, không nhất quán, không thấu đáo của các cơ quan có chức năng quản lý, xử lý vi phạm (công an, hải quan, quản lí thị trường, tòa án) dẫn tới việc doanh nghiệp không cảm thấy quyền lợi của họ được bảo hộ chính đáng, doanh nghiệp không tin tưởng vào hệ thống cơ quan bảo hộ.

-Đứng trên quan điểm của một doanh nghiệp, ông có thể cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp để có thể tiếp cận với các hoạt động thuộc lĩnh vực SHTT là gì? (Lục Văn Trương, báo Đất Việt)

Vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các hoạt động thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ là vấn đề tiếp cận với hệ thống pháp luật, vấn đề xác lập quyền và bảo vệ quyền. Việc tiếp cận với hệ thống pháp luật quy định về sở hữu trí tuệ còn khó khăn đối với một số doanh nghiệp, cá nhân ở những khu vực vùng xa, vùng chưa phát triển. Do không tiếp cận được với hệ thống quy định pháp lí, bởi vậy họ không biết phương pháp, cách thức để xác lập và bảo vệ các quyền đối với tài sản trí tuệ của mình.

Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ đã khá đầy đủ, nhưng do còn nhiều bất cập trong quá trình thực thi, bởi vậy doanh nghiệp rất khó tự mình triển khai thực hiện việc xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ.  Ví dụ, hồ sơ thủ tục để đăng kí phức tạp, thời gian thẩm định kéo dài. Khi phát hiện tài sản trí tuệ của mình bị xâm phạm, doanh nghiệp rất khó tiếp cận với cơ quan có thẩm quyền xử lí. Khi có báo cho các cơ quan chức năng, thời gian xử lí cũng thường kéo dài và phức tạp, do đó thường gây ra thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

-Để nâng cao nhận thực về sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp, theo ông cần phải có những biện pháp gì? (Linhnguyenpham@yahoo.com)

Để có thể nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp, cần phải thực hiện một số vấn đề cơ bản như:

-Đẩy mạnh tuyên truyền để giúp doanh nghiệp nhận thức được rằng quyền sở hữu trí tuệ có tiềm năng tạo ra giá trị rất lớn cho doanh nghiệp trong tương lai khi được xác lập và bảo hộ đúng cách, quyền sở hữu trí tuệ cũng cần phải được chú trọng bảo vệ giống như là đối với quyền sở hữu tài sản hữu hình. Nếu không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với những rủi ro rất lớn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ của người khác đã được bảo hộ sẽ gây rủi ro và nguy cơ rất lớn đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp vi phạm.

- Xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới việc xác lập, bảo hộ và thực  thi quyền sở hữu trí tuệ. Hệ thống quy định pháp luật này phải tập trung để doanh nghiệp dễ tiếp cận và tìm hiểu.  

- Tăng cường và đẩy mạnh xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng chế tài  đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Thúc đẩy hoạt động và nâng cao vài trò của các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp.

-  Rút ngắn thời gian và quy trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

- Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan tới vấn đề này như: Các tổ chức luật sư tư vấn, các Công ty đại diện sở hữu trí tuệ.

    - Khuyến khích hoạt động Lixăng quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ của các công ty có tên tuổi trong nước và trên thế giới.

-Theo ông thì việc đăng ký sở hữu trí tuệ có thể nâng cao giá trị thị trường cho doanh nghiệp, cho các sản phẩm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp như thế nào? (nguyenquynhgiao@gmail.com)

 

Để có thể nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng, việc chỉ sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ như Chương trình 68 là chưa đủ, cần phải sử dụng đồng thời nhiều biện pháp khác như: Nghiên cứu kỹ thị trường để  xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp; Thiết kế ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng; Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất; Xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp, Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo lập thị trường . . .

Nguồn tin: Đất Việt

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner