Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu phải đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Trong đó, đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế chính sách là những khâu đột phá.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những vấn đề trên, Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định: Yêu cầu của Đảng như đòn bẩy quan trọng để KH&CN thực sự là động lực then chốt, là lực lượng sản xuất trực tiếp, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Năm 2012 - mốc quan trọng cho KH&CN
- Xin Thứ trưởng cho biết tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 đối với thực tiễn phát triển KH&CN hiện nay?
- Tôi cho rằng, Nghị quyết tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của KH&CN. Đảng là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị. Nghị quyết có ý nghĩa chỉ đạo về đường lối, quan điểm và những chính sách cơ bản về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết về phát triển KH&CN tại Hội nghị Trung ương 6 tiếp tục khẳng định chủ trương "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" trong việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước. Dẫu có sự khác nhau trong mỗi văn bản về vị trí, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, tuy nhiên tất cả những văn bản đó tạo nên sự thống nhất của hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN của đất nước.
- Những quyết sách mấu chốt nào cho phát triển KH&CN đã được Hội nghị đề cập, thưa Thứ trưởng?
- Điểm mấu chốt đầu tiên phải kể đến chính là việc Hội nghị xác định nguồn nhân lực KH&CN là tài nguyên vô giá của đất nước; trí thức KH&CN là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển tri thức. Đảng ta xác định, đầu tư cho nguồn nhân lực KH&CN, đãi ngộ người tài là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Một điểm khác biệt nữa của Hội nghị Trung ương 6 đã xác định rất rõ ràng, cụ thể đường hướng việc xã hội hóa phát triển KH&CN, trong đó nhấn mạnh: “Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp là các đơn vị dịch vụ công, là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN”.
- Có thể thấy, Nghị quyết đã đề cập nhiều nội dung mang tính đột phá để KH&CN phát triển, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Vậy Bộ đã có bước đi cụ thể nào, thưa Thứ trưởng?
- Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục rà soát, hệ thống lại tất cả những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các văn bản, văn kiện lớn nêu trên; xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tất cả các nhiệm vụ, trách nhiệm đều phải có địa chỉ cụ thể để tổ chức thực hiện, phối hợp, kiểm tra, giám sát, đánh giá; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bắt đầu từ việc sửa đổi Luật KH&CN
- Thưa Thứ trưởng, sau Hội nghị Trung ương 6, giới khoa học tiếp tục đón nhận những tín hiệu vui khi tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự thảo Luật KH&CN sửa đổi. Phải chăng, thực tế 12 năm thực hiện Luật KH&CN hiện hành, những ưu điểm, khuyết điểm đã được bộc lộ rõ ràng và cần có sự thay đổi?
- Đúng thế! Đối với lĩnh vực KH&CN, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đánh giá rất rõ về những mặt đã làm được, đó là: “Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Quản lý KH&CN có đổi mới, thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN. Thị trường KH&CN bước đầu hình thành. Đầu tư cho KH&CN được nâng lên”.
Còn với Luật KH&CN, sau 12 năm ban hành, thành tựu đạt được là rất lớn. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đặt ra những vấn đề mới; hệ thống pháp luật về KH&CN đã thay đổi rất nhiều. Hiện đã có các luật chuyên ngành về những lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, đo lường, công nghệ cao... Do đó, nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn; nhiều điều, khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thi hành pháp luật thấp... Vì thế, Luật KH&CN cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH&CN; đảm bảo phù hợp với những đổi mới trong chính sách phát triển KH&CN.
- Trong tờ trình trước Quốc hội vừa qua, những nội dung nào được đưa ra xin ý kiến để sửa đổi, thưa Thứ trưởng?
- Lâu nay, bất cập lớn nhất trong Luật KH&CN hiện hành là chính sách đầu tư và cơ chế tài chính, vì thế, đây là nội dung đầu tiên được đề cập trong dự thảo Luật sửa đổi. Trong dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) có đề xuất, chính sách đầu tư cho KH&CN, phải tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, bảo đảm tối thiểu duy trì 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Huy động xã hội hóa đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là của doanh nghiệp. Khi “nút thắt” về cơ chế tài chính được gỡ bỏ sẽ bảo đảm bố trí, sử dụng nguồn lực một cách chủ động, linh hoạt, có hiệu quả.
Tiếp đó là cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN được đổi mới theo xu thế gắn chặt với nhu cầu và nhiệm vụ của phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tính ứng dụng. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm trong các lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước. Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; khuyến khích, hỗ trợ liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp để xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp.
Luật KH&CN sửa đổi cũng sẽ quy định cơ chế phối hợp, liên kết giữa tổ chức KH&CN Việt Nam và nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thông qua sử dụng vốn ODA, thành lập các đơn vị, cơ sở nghiên cứu nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở liên doanh, liên kết. Theo hướng này, dự thảo Luật KH&CN sửa đổi đã được bổ sung một mục quy định về tổ chức KH&CN có vốn nước ngoài tại Việt Nam...
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!