Sản xuất các sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, thực tế ảo, điện toán đám mây... đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia, khu vực. Trong xu thế đó, Quảng Ninh cũng xác định phải nhanh chóng bắt nhịp để hội nhập, khai thác triệt để tiềm năng, dư địa về KHCN và đổi mới sáng tạo, nhằm vươn tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Nỗ lực nâng tầm KHCN
Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể thấy vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo đã đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện KT-XH của đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. KHCN đã hiện diện sâu sắc, đậm nét trên khắp các lĩnh vực, với hàm lượng ngày càng gia tăng, tạo nên những thành tựu bứt phá trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, chính quyền điện tử...
Nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Chất lượng tăng trưởng của tỉnh được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt với mức tăng bình quân 13%, gấp 1,73 lần so với năm 2015 và gấp 2 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao của tỉnh tăng lên 45,2%.
Có được những thành tựu đó, ngoài sự quan tâm về chủ trương, thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt quyết sách để hỗ trợ, tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động KHCN. Qua đó, tạo môi trường và động lực để KHCN và đổi mới sáng tạo bứt phá, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tỉnh đặc biệt quan tâm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN theo phương châm có trọng tâm, trọng điểm và lồng ghép nhiều nguồn vốn. Tính trong giai đoạn 2017-2020, tổng vốn đầu tư xã hội cho KHCN đạt gần 19.300 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước liên quan đến KHCN cũng được tăng cường. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát triển; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN; nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, hạ tầng KHCN và nguồn nhân lực cho KHCN, đổi mới sáng tạo cũng được tỉnh quan tâm chuẩn bị. Bước đầu đã xây dựng được hạ tầng cốt lõi về CNTT, chính quyền điện tử, thành phố thông minh, phát triển được hơn 20 doanh nghiệp KHCN, 17 tổ chức KHCN. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 85%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Sử dụng máy siêu âm thành lỗ khoan thăm dò tại Công trường Khai thác than, (Công ty Than Hòn Gai).
Kỳ vọng từ một đề án
Nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN; chú trọng đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực tham gia và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, Quảng Ninh đang xây dựng đề án “Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án sau khi được triển khai sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, qua đó tạo sức bật để KT-XH của tỉnh phát triển.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tối đa nguồn lực cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, hằng năm bố trí tối thiểu 5% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương cho hoạt động này, trong đó tối thiểu 20% dành cho sự nghiệp KHCN. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 40 doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đạt 87,5%.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng số nhiệm vụ KHCN được duy trì, ứng dụng vào thực tiễn lên 90%. Số lượng tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, trên cơ sở mục tiêu này, quan điểm của tỉnh là sẽ đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược và phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tăng NSNN chi cho sự nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao trong các lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông thoáng, dễ tiếp cận, hiệu quả.
Cùng với đó, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực KHCN, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số; có chính sách để thu hút, trọng dụng, đãi ngộ các chuyên gia phục vụ phát triển KT-XH. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân. Đặc biệt coi trọng doanh nghiệp, người dân là trung tâm ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, định hướng và kết nối.
Tỉnh sẽ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Chủ động, tích cực tham gia ứng dụng KHCN trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là đổi mới tư duy trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng thể chế về chuyển đổi số, phát triển KHCN cho phù hợp điều kiện mới.
|