Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nền kinh tế, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn: Xây dựng được một cơ sở vật chất kỹ thuật nhất định cho xã hội mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có những đóng góp không nhỏ tạo nên những thành công ấy.
Đây cũng là minh chứng cho việc chúng ta đã thực hiện có hiệu quả định hướng, quán triệt của Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII: KH&CN phải trở thành nền tảng và động lực cho CNH, HĐH đất nước.
Thay đổi diện mạo nền kinh tế - xã hội
Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phục vụ quá trình đổi mới như nghiên cứu về Đảng, hệ thống chính trị đã tập trung vào việc đổi mới công tác tư tưởng và lý luận trong giai đoạn mới để từ đó định hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đồng thời có đóng góp mới trong nhận thức về thời đại, tình hình thế giới và chính sách đối ngoại.
Cùng với đó, đã nghiên cứu và đề xuất được một số kiến nghị mới về mô hình phát triển, đổi mới thể chế hành chính và kinh tế; thể chế phát triển nông nghiệp và nông thôn; đề xuất một số giải pháp chống lạm phát, khắc phục suy thoái kinh tế… Kết quả nghiên cứu đã được sử dụng để phục vụ tổng kết 20 năm đổi mới và chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Với cơ chế quản lý được đổi mới mạnh mẽ thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, các nhà khoa học có điều kiện thuận lợi để tập trung vào nghiên cứu cơ bản ở một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như: toán học, vật lý, hóa học, cơ học, khoa học sự sống, khoa học trái đất. Kết quả, giai đoạn 2006 – 2010 đã công bố được 1.045 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế, 2.810 bài báo công bố trên các tạp chí quốc gia… Trong các lĩnh vực đã hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, được xếp hạng cao trong xếp hạng thế giới (nghiên cứu về tối ưu xếp thứ 19 trong xếp hạng thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN; nghiên cứu về vật lý đứng thứ 64 trong xếp hạng của thế giới và xếp thứ 3 trong khối ASEAN).
Tính đến nay, hàng nghìn các kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng rộng rãi, đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trình độ công nghệ trong các ngành công nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc, điển hình như trong cơ khí chế tạo máy, đã làm chủ được các công nghệ CAD, CAM, CNC trong thiết kế chế tạo các loại máy công cụ như máy phay CNC, máy tiện… đa chức năng tiêu thụ trong nước và bước đầu xuất khẩu với giá trị gần 1.000 tỉ đồng; ngành đóng tàu sau 15 năm đã rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với thế giới từ 70 – 80 năm còn 20 – 30 năm, hiện được đánh giá xếp thứ 5 thế giới về năng lực đóng mới; việc hoàn toàn làm chủ được thiết kế và công nghệ chế tạo cơ khí thủy công áp dụng trong ngành thủy lợi, công nghiệp và an ninh, quốc phòng đã đem lại doanh thu hàng ngàn tỉ đồng; ngành điện lực đã có khả năng thiết kế và chế tạo máy biến áp công suất đến 220 kV – 250MVA đạt tiêu chuẩn Châu Âu…
Trong nông nghiệp, KH&CN đóng vai trò lớn về lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su. Đến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận… Nhờ đó, trên 80% diện tích lúa đã được trồng bằng các giống mới. Năng suất lúa bình quân năm 2007 đạt 49,5 tạ/ha, gấp 2,4 lần năm 1980 và năm 2010 đạt trên 52,3 tạ/ha, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới.
Với thuỷ sản, đóng góp lớn nhất của KH&CN là công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Năm 2009, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 4,26 tỉ USD, tăng hơn 47 lần so với năm 1985. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thuỷ sản chiếm bình quân từ 57% - 58% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Các mặt hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp đã tạo ra tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp.
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN
Để chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10.2012, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ KH&CN đã tổ chức các đoàn khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ KH&CN tại một số Bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Quá trình khảo sát cho thấy, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động KH&CN còn có nhiều vấn đề đang cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giai đoạn 1996 - 2000 kinh phí đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho KH&CN thuộc các Bộ, ngành Trung ương bình quân hơn 100 tỉ đồng/năm. Kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN như vậy còn thấp. Giai đoạn 2001 – 2011, nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển từ ngân sách nhà nước cho KH&CN (cả ở Trung ương và địa phương) đã tăng đáng kể từ gần 407 tỉ đồng (2001) lên gần 5.100 tỉ đồng. Bình quân mỗi năm tăng khoảng 20% và chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ KH&ĐT, kinh phí này vẫn chỉ đủ đáp ứng 30 – 50% nhu cầu của các Bộ, ngành.
Tàu được làm sạch bằng công nghệ UHP tại nhà máy đóng tàu Ba Son (Tp.HCM).
Còn tại các địa phương, kinh phí được sử dụng hàng năm còn thấp vì hai nguyên ngân chủ yếu: đầu tư cho KH&CN nhìn chung chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành. Mặt khác, các đơn vị KH&CN còn chưa chủ động tham mưu để có những đề tài, dự án KH&CN phù hợp, dẫn đến tình trạng một số địa phương không bố trí được kinh phí hoặc kinh phí chờ nhiệm vụ.
Cùng với đó, đại biểu của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, viện, trường cho rằng, hiện tại chúng ta còn thiếu các tiêu chí về hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong việc đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học; chi đầu tư phát triển KH&CN ở địa phương thấp hơn mức chi tối thiểu theo quy định hoặc được sử dụng chưa đúng mục đích; hệ thống thang, bảng lương đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức KH&CN chưa phù hợp; không phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như đòi hỏi của công việc đang đảm nhiệm…
Để tháo gỡ và khắc phục những hạn chế trên, các nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng trong giai đoạn tới cần đưa ra chính sách để đến năm 2020, KH&CN có bước tiến mới, khác biệt so với giai đoạn trước. Cần tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN; đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng NSNN phát triển KH&CN; hoàn thiện hệ thống các quỹ phát triển KH&CN; với các đề tài, trước khi cấp kinh phí phải xác định được tính mới, tính cấp thiết và ứng dụng của đề tài; ưu tiên hỗ trợ với một số tập đoàn kinh tế mũi nhọn.
Đại diện Bộ Nội vụ kiến nghị, cần có chính sách đặc thù đối với cán bộ ngành khoa học. Tuy nhiên, không nên coi đó là sự ưu ái mà đây chính là thái độ, quan điểm và trách nhiệm của nhà nước đối với các nhà khoa học. Điều cần thiết đầu tiên là tạo được môi trường, cơ chế pháp lý tự do, dân chủ để nhà khoa học thuận lợi hơn trong nghiên cứu, sáng tạo, trao đổi học thuật.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho rằng, KH&CN là một trong những yếu tố có vai trò quyết định trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã ra đời cách đây 16 năm. Những chủ trương của Nghị quyết vẫn đúng nhưng cần phải có quan điểm, cách tiếp cận mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Trong thay đổi đó, có hai vấn đề quan trọng: huy động được mọi nguồn lực về cả tài chính, con người và nguồn lực của quốc tế cho phát triển KH&CN. Đồng thời thay đổi quan điểm đầu tư, nên tập trung có trọng tâm, trọng điểm, khả thi và thực hiện đến nơi đến chốn.
Đây cũng là nguyện vọng của rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý cũng như các cán bộ trong ngành KH&CN. Những ý kiến trên đã và sẽ được đề cập đến trong Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN” đã trình Thủ tướng Chính phủ, Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”… nhằm góp phần đưa nước ta sớm tiệm cận với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Nguyễn Hạnh