Trong năm 2016, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (KH&CN) đã bám sát hơn và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng, hiệu quả.
Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN, Bộ KH&CN về hoạt động KH&CN địa phương trong thời gian qua.
PV: Ông có thể điểm qua một số kết quả nổi bật trong hoạt động KH&CN địa phương năm 2016, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Liễu: Theo thống kê từ các Sở KH&CN, năm 2015 - 2016 có 1.287 nhiệm vụ được triển khai (trong đó có 193 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2015). Mặc dầu kinh phí sự nghiệp dành cho KH&CN năm 2016 được Trung ương thông báo là: 2.350.000 triệu đồng; UBND các tỉnh/thành phố phê duyệt là 2.501.520 triệu đồng (tăng 6% so với phân bổ của TW). Các địa phương đã dành khoảng 65-70% kinh phí dành cho hoạt động nghiên triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả của các nhiệm vụ KH&CN. Nếu như ở những năm trước đây, các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai với quy mô còn nhỏ (bình quân dưới 200 triệu đồng/nhiệm vụ), chưa thực sự sát nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thì đến năm gần đây, các địa phương ngày càng quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ, xuất phát từ nhu cầu và tính ứng dụng trong thực tế.
Hoạt động nghiên cứu triển khai của các địa phương đã gắn kết hơn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần thiết thực trong phát triển sản xuất và phục vụ đời sống. Bên cạnh các nhiệm vụ cấp tỉnh và cấp cơ sở, các địa phương đã chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh/thành phố đề xuất Bộ KH&CN tổ chức hỗ trợ nhiều nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình, dự án cấp quốc gia. Các hoạt động nghiên cứu triển khai tập trung vào phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Phần nhiều các nhiệm vụ KH&CN vẫn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tỉ lệ các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ còn thấp.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý công nghệ, tổ chức và tham gia thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, các địa phương đã ngày càng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu... để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương làm tốt công tác này như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, An Giang, Cần Thơ,…
Bên cạnh đó, các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với các ngành liên quan như quản lý thị trường, công an, y tế,… để thực hiện các đợt thanh tra chuyên đề, kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh, kiểm định các phương tiện đo, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo báo cáo năm 2016, các địa phương đã tổ chức kiểm định được 1.414.849 lượt các phương tiện đo; 1.355 đơn vị được cấp chứng chỉ áp dụng hệ thống ISO.
Hoạt động sở hữu trí tuệ cũng đã được quan tâm. Các địa phương đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, năm 2016 đã có gần 1000 đơn đăng ký về sở hữu trí tuệ; 335 văn bằng chứng chỉ bảo hộ đã được cấp. Hoạt động sở hữu trí tuệ của các địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, nhất là trong việc bảo hộ nhãn hiệu hang hóa của doanh nghiệp, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm đặc sản của địa phương.
PV: Bên cạnh những thành công đã đạt được, hoạt động KH&CN địa phương còn những khó khăn, bất cập gì không, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Liễu: Nhiều chương trình, đề án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa có nội dung hoặc giải pháp phát triển và ứng dụng KH&CN để thực hiện (kể cả các chương trình, đề án, nhiệm vụ lớn). Ngay như 2 chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình xây dựng Nông thôn mới và Chương trình xóa đói giảm nghèo thì nội dung KH&CN cũng không được chú trọng đúng mức. Hơn nữa, hoạt động KH&CN còn vẫn dàn trải, chưa tập trung phục vụ cho các chương trình đề án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn rất chậm. Với hầu hết doanh nghiệp ở địa phương là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ sử dụng chủ yếu thấp, lạc hậu, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao. Trừ một số thành phố lớn, còn lại hầu hết các địa phương đều rất hạn chế về nhân lực KH&CN: số lượng các tổ chức KH&CN ở các địa phương ít, nên những người có chuyên môn, nhất là chuyên môn sâu về KH&CN không nhiều.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa khác còn rất thấp. Đặc biệt, phần nhiều trong số các doanh nghiệp ở địa phương chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
TS. Nguyễn Văn Liễu: Nhận thức của các cấp lãnh đạo ở địa phương về vị trí, vai trò của KH&CN tuy đã có chuyển biến rõ rệt trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 20-NQ/TW về KH&CN, song vẫn chưa quan tâm tới công tác tổ chức hoạt động, chưa hành động quyết liệt, chưa đưa KH&CN thành mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ hoặc giải pháp thực hiện trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để KH&CN thực sự trở thành động lực, nền tảng trong phát triển bền vững ở địa phương.
Các doanh nghiệp ở địa phương hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu đổi mới công nghệ chưa cao. Song Nhà nước lại chưa có các cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả ở tầm vĩ mô để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh. Chính vì vậy mà tỷ lệ đầu tư xã hội cho KH&CN của nước ta còn rất thấp.
Hoạt động liên kết vùng trong hình thành, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị chưa được các địa phương quan tâm đúng mức nên hầu như chưa thực thi các giải pháp có tính liên vùng.
Cẩn đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN địa phương
PV: Đề giải quyết những hạn chế trên theo ông thì đâu là giải pháp?
TS. Nguyễn Văn Liễu: Theo tôi, để đẩy mạng hoạt động KH&CN tại các địa phương trong thời gian tới, cần chú trọng một số gải pháp như: cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí và vai trò của KH&CN trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Coi KH&CN là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các chương trình, đền án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Cần xây dựng các cơ chế chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư được nhiều hơn cho công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo hay nói một cánh khác là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Khuyến khích các địa phương phát triển các loại hình vườn ươm công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn về cơ cấu tổ chức, biên chế, cơ chế tự chủ của hệ thống KH&CN địa phương: sớm ban hành thông tư thay thế thông tư 29/TTLT-BKHCN-BNV, ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 54/2016/NĐ-CP và các văn bản liên quan khác.
Cuối cùng, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu ứng dụng nhất là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ thuộc các chương trình quốc gia về KH&CN để giải quyết mục tiêu, nhiệm vụ cuả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của Vùng theo chuỗi giá trị./.
Bài, ảnh: Bảo Anh