Nhìn lại chặng đường vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức xong hoạt động KH,CN&ĐMST ở các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến tích cực, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.
Vùng TD&MNPB bao gồm 14 tỉnh với tổng diện tích hơn 95.000km2 chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ của cả nước, là nơi sinh sống của hơn 13 triệu người với trên 30 dân tộc khác nhau, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu dài với bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm; trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng.
Tuy nhiên, vùng TD&MNPB vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ nghèo còn cao nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình của cả nước, khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của vùng so với bình quân của cả nước tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển KT-XH của cả vùng.
Xây dựng vùng TD&MNPB vững mạnh, toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước.
Xuất phát từ đặc điểm, vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, thách thức của vùng TD&MNPB, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020, Ngày 10/02/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các Nghị quyết xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, nhà nước và nhân dân, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong vùng.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng đã nố lực cố gắng khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp nhằm khai thác thế mạnh để phát triển địa phương và cả vùng. Minh chứng là, KT-XH của các tỉnh có sự tăng trưởng liên tục, một số lĩnh vực có sự phát triển khá; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm;... Trong đó, nhiều giải pháp về KH,CN&ĐMST nhằm hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất; xây dựng và bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc hữu, phát triển thị trường thụ trong và ngoài nước; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thị trường KH&CN... đã góp phần rất lớn cho sự phát triển chung của vùng.
Theo báo cáo của địa phương tại Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVIII diễn ra tại Tuyên Quang vừa qua, từ năm 2018 đến 8/2022 vùng TD&MNPB đã triển khai thực hiện 917 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (bao gồm cả nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới). Các nhiệm vụ tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phƣơng theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Kết quả nghiên cứu ngày càng đi vào cuộc sống, tính ứng dụng ngày càng tăng lên.
Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và quản lý sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn; phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm; xây dựng các mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng, cải tiến thiết bị phục vụ chế biến sau thu hoạch... Qua đó, giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết tại địa phương như: Trong công tác cảnh báo thời tiết và thiên tai; trong kỹ thuật chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống; trong sản xuất nông nghiệp công công nghệ cao, dược liệu; trong xử lý môi trường; trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong công tác xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, có 164 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được triển khai thực hiện tại vùng TD&MNPB, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề mang tính cấp thiết, cấp bách, liên vùng, liên ngành và có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các địa phương trong vùng, thông qua việc triển khai các đề tài, dự án, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được đưa nhanh vào sản xuất, hàng trăm mô hình ứng dụng được hình thành hiệu quả, hàng nghìn lượt người dân được tập huấn kỹ thuật, thu hút được sự quan tâm, đóng góp của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước tham gia.
Cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, việc ưu tiên triển khai xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ một số sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản đƣợc bảo hộ. Tiêu biểu như các gống cây trồng: Na Chi Lăng, Quýt Bắc Sơn, Nếp Hương Bảo Lạc, Dẻ Trùng Khánh, Cam sành Hà Giang,…; vật nuôi: cá Tầm, cá Lóc đầu nhím, gà đồi Yên Thế, lợn địa phương... Đặc biệt, với chứng nhận sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, vải thiều Lục Ngạn đã được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nước ta
Có thể nói, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong vùng TD&MNPB thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, bám sát hơn các yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh và theo nhu cầu của địa phƣơng. Với sự tham gia đối ứng của người dân và doanh nghiệp đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động xã hội hoá cho KH,CN&ĐMST, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KH,CN&ĐMST đối với các cấp, các ngành và nhân dân trong vùng.
Bài, ảnh: PV