Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 09:13 am
Cập nhật : 02/10/2013 , 13:10(GMT +7)
Phát huy nguồn lực doanh nghiệp là chìa khóa cho phát triển nông nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam còn thiếu những thương hiệu giàu sức cạnh tranh, hàm lượng KH&CN trong sản phẩm còn hạn chế, giá thành thấp, và đời sống nông dân còn rất khổ. Đây là những vấn đề căn bản được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại Hội nghị toàn quốc đánh giá hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


 
Đây là hội nghị do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&CN cùng Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 21/09 tại Hà Nội. Ngoài sự tham gia của ba cơ quan Trung ương nói trên, còn có sự tham gia của đại diện các địa phương, hội nông dân, hội khuyến nông, các trường và viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, và một số nông dân có thành tích tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp. Các đại biểu đã đem đến cho hội nghị nhiều ý kiến phong phú, đa chiều về những kết quả đạt được, tồn tại yếu kém, và kiến nghị đề xuất về hoạt động KH&CN dành cho nông nghiệp.

Đa số các đại biểu cho rằng nguồn lực của Nhà nước và xã hội dành cho nghiên cứu KH&CN và giáo dục đào tạo trong nông nghiệp còn rất hạn chế và manh mún, các đề tài bị dàn trải, thiếu tính tập trung triệt để giúp đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh. “Các nhà nghiên cứu phải tham gia quá nhiều đề tài tản mạn, rời rạc để kiếm thu nhập, rất hiếm ai đủ chuyên môn sâu để khi nói về từng con giống, cây trồng cụ thể người ta phải nhắc đến người đó”, PGS. Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu. Ông cũng cho rằng Nhà nước đang đầu tư nhiều về phần cứng là các phòng thí nghiệm trọng điểm, nhưng không song hành với việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực để có thể sử dụng, khai thác có hiệu quả. Cùng quan điểm này, PGS. Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng “Ngân sách Nhà nước cho khoa học đang quá chú trọng khía cạnh quản lý tiền mà chưa chú trọng phát triển con người.” Ông phản ánh thực trạng nguồn kinh phí ít ỏi khiến các trường phải tăng quy mô để thu học phí, và hậu quả là các nhà khoa học phải dồn sức cho giảng dạy, không còn thời gian, tâm trí dành cho nghiên cứu.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, trong thời gian tới nguồn lực của Nhà nước cho KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi Luật KH&CN sửa đổi đi vào cuộc sống, hiện thực hóa một số tiến bộ về cơ chế tài chính như áp dụng cơ chế quỹ và khoán đến sản phẩm cuối cùng.
Mặc dù trong điều kiện vẫn còn những hạn chế như vậy về nguồn lực, trong 5 năm vừa qua ngành nông nghiệp vẫn có một số thành tựu nhất định trong ứng dụng tiến bộ KH&CN. Hàng trăm giống cây trồng và vật nuôi đã được chọn tạo, hình thành nên các mô hình sản xuất chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng hải sản, với một số mô hình ứng dụng công nghệ cao thành công. Bên cạnh đó là công tác nghiên cứu triển khai quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông sản với quy mô lớn như mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng chuyên canh trồng hoa ở Đà Lạt, Sa Pa, vùng chuyên canh trồng rau ở Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nuôi cá ở Tiền Giang, nuôi tôm ở Khánh Hòa, v.v.


Chưa chú trọng đến chất lượng và xây dựng thương hiệu quốc tế


Tuy nhiên, cho đến nay đóng góp của KH&CN vẫn chưa đủ để giúp ngành nông nghiệp đạt được một số mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 26-NQ/TW đặt ra, đó là đào tạo nông dân “có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực” và “xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao”. Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều đại biểu nhất trí cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới thành công trong việc giải quyết nhu cầu về lượng, tạm đáp ứng đảm bảo về an ninh lương thực, đến những năm gần đây đã lộ ra những hạn chế lớn mà ngành KH&CN còn chưa giúp giải quyết và khắc phục một cách hiệu quả. Điển hình là vấn đề giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp do trình độ sản xuất và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm còn hạn chế, dẫn tới thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn rất thiếu hoặc được ít người biết đến.

Điều nghịch lý là mặc dù Việt Nam vẫn tự hào là nước xuất khẩu gạo với số lượng nhất, nhì trên thế giới, nhưng hầu như chưa có thương hiệu, trong khi chính các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam lại xây dựng được thương hiệu gạo của họ. Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, trong tất cả những hội chợ quốc tế ông từng tham dự, có thể thấy gạo Việt Nam xuất hiện nhiều nhưng đều dưới thương hiệu của quốc gia khác. Điển hình như hội chợ CAEXPO 2013 tổ chức ở Trung Quốc gần đây, Việt Nam không hề có thương hiệu nào, trong khi các nước vẫn nhập khẩu gạo Việt Nam là Philippines và Indonesia, hay thậm chí quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn Việt Nam là Campuchia, đều có thương hiệu gạo của riêng mình và được giới thiệu, trình bày một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp – “gạo của họ được đóng trong túi nilon không khác gì những gói kẹo”, ông Phong cho biết. Khi được hỏi vì sao những nước này một mặt nhập khẩu gạo khá nhiều của Việt Nam, mặt khác vẫn có sản phẩm đem đi xuất khẩu, các doanh nghiệp tại hội chợ cho ông Phong biết rằng nước họ chỉ nhập khẩu gạo giá thành thấp của Việt Nam, còn gạo mà họ đem đi xuất khẩu là thứ gạo không chú trọng vào số lượng, chỉ chú trọng vào chất lượng, được bán với giá thành cao nên không cần xuất khẩu nhiều mà vẫn mang về giá trị thương mại đáng kể.

Mở rộng quy mô sản xuất: mối liên kết nông dân với doanh nghiệp    

Để hình thành được thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, trước mắt Việt Nam cần có những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo được chất lượng ổn định từ khâu giống, các nguyên liệu đầu vào, cho tới sản phẩm cuối cùng. Một mặt họ liên kết với nông dân để gom ruộng đất thành những cánh đồng lớn cho phép áp dụng công nghiệp hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách hiệu quả, mặt khác họ có nhiều thuận lợi hơn so với các hộ nông dân trong công tác làm thương hiệu.

“Các nhà nghiên cứu phải tham gia quá nhiều đề tài tản mạn, rời rạc để kiếm thu nhập, rất hiếm ai đủ chuyên môn sâu để khi nói về từng con giống, cây trồng cụ thể người ta phải nhắc đến người đó”.
Hiện nay mô hình liên kết nông dân và doanh nghiệp hình thành những cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai từ Nam ra Bắc như tại các tỉnh Cà Mau, An Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, thậm chí cả vùng núi phía Bắc như Hà Giang, v.v, đem lại những lợi ích tích cực, trong đó điều quan trọng là đồng ruộng được quy hoạch lại một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Mối liên kết giữa Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông của ông Nguyễn Hồng Phong với nông dân xã Quảng Thành là một ví dụ điển hình cho mô hình khép kín, trong đó nông dân góp đất, doanh nghiệp phụ trách từ giống tới sản xuất, chế biến và làm thương hiệu. Đổi lại người nông dân có thể cùng làm cùng hạch toán với doanh nghiệp, hoặc chỉ cần góp đất và nhận một phần lúa thu hoạch vào cuối vụ. Việc góp đất cho phép công ty Tiến Nông sản xuất trên quy mô lớn, loại bỏ các đường bờ để đưa thiết bị cơ giới vào hoạt động một cách đồng bộ, tăng hiệu quả, giảm giá thành. “Mục tiêu hướng tới của chúng tôi là chỉ tốn chi phí 3000 đồng/kg”, ông Nguyễn Hồng Phong khẳng định tại Hội nghị.


Nhưng để mở rộng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp hạn chế bớt những rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, vốn là đặc thù tự nhiên không tránh khỏi, bằng cách tăng cường xây dựng và giám sát thị trường bảo hiểm dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, chính sách bảo hiểm hợp lý là điều kiện tiên quyết giúp các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp yên tâm phát triển một cách bền vững, và ngược lại việc tham gia ngày càng nhiều các khách hàng là doanh nghiệp sẽ giúp ngành bảo hiểm nông nghiệp phát triển thành công.  

Không thể chỉ trông chờ vào Ngân sách Nhà nước

Theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp mà hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào Ngân sách Nhà nước – tỷ trọng đầu tư của Nhà nước cho KH&CN ở nước ta là 70%, của xã hội là 30%, trong khi ở các nước phát triển tỷ trọng đầu tư của xã hội cho KH&CN lên tới 70%. Các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội cần ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp, khi mà các sản phẩm ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng từ nước ngoài, đặc biệt trọng bối cảnh tới đây Việt Nam sẽ phải tăng cường thực hiện các thỏa thuận WTO, đồng thời sắp tới sẽ gia nhập TPP.

Trước mắt, ông cho rằng các nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu để tư vấn cho các nhà quản lý và doanh nghiệp về vấn đề cải thiện công tác quy hoạch, tổ chức và quản lý trong nông nghiệp, qua đó tạo ra những điều kiện, nền tảng căn bản phù hợp cho việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu công nghệ vào nông nghiệp, và đáp ứng những đòi hỏi của thị trường quốc tế đối với các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Chất xám của các nhà khoa học chính là yếu tố thu hút nguồn lực của xã hội dành cho KH&CN, vì vậy các tổ chức nghiên cứu và trường đại học không thể chỉ trông chờ Nhà nước tăng kinh phí, mà cần chủ động tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp, nông dân, và thị trường. “Nếu chúng ta vừa muốn được Nhà nước bao cấp, vừa muốn đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu, thì không có cách gì thỏa mãn”, ông nhận định.

Ba vấn đề trọng yếu Hội nghị còn để ngỏ


Để cải thiện đời sống người nông dân, một vấn đề cốt lõi lâu nay chưa được đề cập là tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh. Điều này hàm ý hai vấn đề. Thứ nhất, cần có những nghiên cứu giúp Nhà nước cải thiện thể chế thị trường, đảm bảo tăng cường tính cạnh tranh giữa những doanh nghiệp thu mua nông sản và xuất khẩu, qua đó giúp người nông dân có nhiều lựa chọn cung ứng nông phẩm và nâng cao giá bán, tránh tình trạng thị trường bị chi phối bởi một nhóm doanh nghiệp đầu mối độc quyền khiến giá thu mua nông phẩm bị ép xuống mức tối thiểu.

Thứ hai, cần có những nghiên cứu giúp Nhà nước tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng và độ an toàn của nông phẩm. Điều này một mặt giúp bảo vệ sức khỏe và lợi ích người dân, mặt khác sẽ khiến các hộ nông dân và doanh nghiệp có động lực đầu tư tiến bộ KH&CN để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng và độ an toàn cao hơn. Có như vậy những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới thực sự có sức sống trên thị trường. 

Vấn đề trọng yếu thứ ba mà Hội nghị còn để ngỏ là phát triển nông nghiệp hài hòa bền vững với các điều kiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên, mặc dù đây cũng là một mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 26-NQ/TW. Ngành nông nghiệp có đặc thù gắn bó và tương tác mật thiết hai chiều với môi trường tự nhiên, hiện đang đối diện với những vấn đề ngày càng lộ rõ như quỹ đất bị thu hẹp do quy hoạch chưa hợp lý, đất bị mất chất do canh tác quá mức, chất lượng nước và phù sa suy giảm do mất rừng đầu nguồn, bên cạnh đó là tác động đang gia tăng từ biến đổi khí hậu. Đây là những thách thức không nhỏ cần sự tham gia giải quyết của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực để có thể đưa ra những giải pháp đồng bộ thích hợp.
Tái cấu trúc nền nông nghiệp nước ta hiện nay là phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn với cơ cấu sản nghiệp mới lấy trục phát triển trọng tâm là những sản nghiệp chủ lực có hiệu quả cao, nông dân có lời nhiều, đồng thời tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Trước hết, đối với ngành trồng trọt cần có bước điều chỉnh lớn trên bốn trụ cột là cây lương thực, cây thức ăn chăn nuôi,  cây rau hoa quả, cây công nghiệp lâu năm, và cây thuốc. Đối với cây lương thực, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm theo hai hướng:

Về lúa gạo: không nên tiếp tục ưu tiên hướng ra xuất khẩu. Hiện nay diện tích gieo cấy lúa nước ta khoảng 7,75 triệu ha (năm 2012), sản lượng lúa khoảng 40 triệu tấn, nhưng doanh thu lại thấp nhất trong toàn ngành trồng trọt. Nông dân thu lời rất ít, kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng sức cạnh tranh kém, hiệu quả thấp. Bởi vậy chỉ nên để lại khoảng 5,8 triệu ha đất gieo cấy lúa với sản lượng khoảng 35 triệu tấn/năm, đủ đảm bảo gạo ăn cho số dân 100-130 triệu người – bình quân đầu người 250 kg lúa/năm – và khoảng 20% lúa dự trữ 5 triệu tấn để đề phòng mọi bất trắc về thiên tai và những tình huống ngoài dự báo, nếu không dùng hết thì mới dành để xuất khẩu.
Về cây thức ăn chăn nuôi: phải coi đây là bộ phận không thể tách rời của nội hàm an ninh lương thực. Do nhu cầu từ đời sống văn minh, ngành sản xuất thức ăn để phục vụ chăn nuôi có tầm quan trọng không kém sản xuất lúa gạo. Vì vậy, cần điều chỉnh giảm 2 triệu ha đất trồng lúa chuyển sang ưu tiên trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô và cỏ xanh. Với sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp hằng năm hiện nay là 26 triệu tấn và còn tăng nhanh trong thời gian tới, trong đó cần tới 16 triệu tấn thức ăn chất bột, là thị trường lớn và ổn định đối với sản phẩm ngô.  Hiệu quả trồng ngô cũng cao hơn hẳn trồng lúa – nếu đất trồng lúa phù hợp để trồng ngô thì năng suất ngô trên đất chuyển đổi có thể đạt 10-12 tấn/ha/vụ, doanh thu 70-80 triệu đồng/ha/vụ, gấp đôi so với trồng lúa.

Về cây công nghiệp lâu năm, phải đi theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm. Cao su, chè, cà phê, điều, hồ tiêu kim ngạch xuất khẩu hiện nay đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước nhưng phần lớn các cây công nghiệp lâu năm đã phát triển tới ngưỡng tối đa về lượng, buộc chúng ta phải chuyển hướng chú trọng nâng cao về chất.

Về cây rau, hoa, quả, cần phát triển vài loại rau, hoa cao cấp và trên 10 loại cây ăn quả quý. Với thế mạnh về khí hậu đa dạng, nước ta có điều kiện phát triển và lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này, có khả năng tạo ra kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD  trong tương lai không xa, vì vậy phải được tập trung trở thành ngành sản xuất chủ lực.

Về cây (con) làm thuốc, là cây lâm sản ngoài gỗ quan trọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Xã hội phát triển ngày càng có nhu cầu cao đối với các loại thảo dược và thực phẩm chức năng. Đặc thù nước ta có nhiều vùng có điều kiện để phát triển cây dược liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào miền núi.

Bên cạnh đó, đối với ngành chăn nuôi, là ngành sản xuất quan trọng chiếm 30% giá trị nông sản, cần khắc phục nhược điểm là ván đề thiếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dẫn tới phải nhập khẩu và bị các hãng nước ngoài lũng đoạn thị trường khiến giá thành cao, sức cạnh tranh rất yếu. Nên chú trọng phát triển chăn nuôi bò sữa, đáp ứng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ lên tới 6-8 triệu tấn/năm, chưa kể đến đáp ứng những nhu cầu thiết yếu khác ngoài sữa như thịt, da thuộc, v.v.

Ngành thủy sản cần tăng cường ngành đánh bắt cá xa bờ, khai thác triệt để mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có mặt nước các hồ chứa lớn. Phát triển các loại thủy sản quý hiếm cao cấp, như nuôi tảo xoắn – được đánh giá là nguồn protein vô tận của con người trong thế kỷ 21 – hay nuôi cá nước lạnh gắn với chế biến những sản phẩm cao cấp xuất khẩu.

Phải tạo ra chuyển biến bước ngoặt đối với ngành kinh tế lâm nghiệp, biến hàng chục triệu ha đất lâm nghiệp trở thành địa bàn sản xuất làm giàu cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Ưu tiên phát triển ngành trồng cây lấy gỗ và sản xuất đồ gỗ, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng ý thức sâu sắc vấn đề “an ninh gỗ”. Trong tương lai không xa, cần tiếp tục hướng tới những sản nghiệp mới hứa hẹn tạo nên bước nhảy vọt về kinh tế lâm nghiệp, như sử dụng nguyên liệu sinh khối sản xuất diesel sinh học – dự báo sản lượng sinh khối nước ta có khả năng hằng năm sản xuất được 50 triệu tấn dầu quy đổi, doanh thu lên tới 50 tỷ USD/năm.

(Trích tham luận Tổng quan nông nghiệp Việt Nam, của ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam)

 

 

Nguồn tin: Tia sáng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner