Nhiều loài động thực vật mới đã được phát hiện ở Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, việc công bố loài mới để được quốc tế chấp nhận, nhà khoa học Việt Nam phải dựa vào nước ngoài vì chưa đủ năng lực và kinh phí.
Các nhà khoa học Việt Nam, Nga và Đức vừa phát hiện hai loài thằn lằn ngón mới là thằn lằn ngón Bù gia mập (Cyrtodactylus bugiamapensissp. nov) và thằn lằn ngón Bi Đúp (Cyrtodactylus bidoupimontissp. nov).
Phát hiện trên đã được công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành Zootaxa số 3302: 1–24 (2012) ngày 7/5 vừa qua, và trở thành loài thằn lằn ngón thuộc giống Cyrtodactylus thứ 26 và 27 được phát hiện ở Việt Nam.
Việt Nam giàu cây, con
Cũng trong thời điểm trên, các nhà khoa học Việt Nam và Australia cũng phát hiện và công bố trên tạp chí Zootaxa 3321: 56-68 (2012) thêm một loài cóc mày mới (tên khoa học Leptolalax firthi sp. Nov) ở các cánh rừng có độ cao từ 860 – 1720 mét thuộc hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.
Trước đó, TS Vũ Thị Nga, Bộ môn Quản lý tài nguyên rừng, khoa Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM và TS Burckhardt (Bảo tàng Tự nhiên Thụy Sỹ) đã phát hiện và công bố một loài rầy mới có tên khoa học Trioza hopeae ở Việt Nam trên tạp chí khoa học Entomological Science (2012) 15, 74–80. Loài rầy Trioza hopeae gây hại phổ biến trên cây sao đen (Hopea odorata) ở hầu hết ở các tỉnh miền Nam, Tây nguyên và miền Trung như Đồng Nai, TP. HCM, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Loài lan Vani mới vừa được các nhà khoa học phát hiện tại KBTTN Hòn Bà (Khánh Hòa)_ ảnh Đinh Quang Diệp
Bên cạnh các loài động vật mới được phát hiện, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cũng phát hiện thêm nhiều loài thực vật mới. Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển (Viện Sinh học Nhiệt đới) và
Vườn thực vật hoàng gia Sydney (Australia) đã phát hiện và công bố trên tạp chí Nordic Journal of Botany, số 29 năm 2012 một loài thực vật mới cho khoa học. Đó là loài Đa tử trà Polyspora huongiana Orel, Curry & Luu tìm thấy tại VQG Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng). Cũng tại VQG Bidoup – Núi Bà, các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc đã phát hiện và công bố loài Dạ hợp Bidoup Magnolia bidoupensis trên tạp chí chuyên ngành Annales Botanici Fennici (Ann. Bot. Fennici 48: 525-527) tháng 12. 2011.
Theo TS Ngô Tiến Dũng, Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp, những năm qua trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã phát hiện và ghi nhận thêm nhiều loài động vật mới bổ sung cho đa dạng sinh học và nguồn gen quý tại Việt Nam như sao la, mang lớn, thỏ vằn, gà lôi lam đuôi trắng…
Phải dựa vào chuyên gia nước ngoài
Phát hiện thêm nhiều loài mới là một tín hiệu đáng mừng cho khoa học sinh thái và tài nguyên sinh vật đất nước. Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy là khi công bố các loài mới trên các tạp chí quốc tế uy tín, rất ít khi các nhà khoa học Việt Nam đứng tên một mình mà thường phải đứng cùng với các chuyên gia, các nhà khoa học trên thế giới.
PGS.TS Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện KH-CN Việt Nam) cho rằng, “Có thể nói, nhiều ngành khoa học ở Việt Nam còn rất mới mẻ, các nhà khoa học Việt Nam còn chưa nhiều kinh nghiệm trong việc xác định, mô tả loài. Trong khi, các nhà khoa học nước ngoài họ có kinh nghiệm hơn, họ có điều kiện đi đến các bảo tàng lớn trên thế giới để đối chiếu, xác minh, mô tả mẫu vật và xác định loài một cách chính xác”.
Theo GS.TSKH Vũ Quang Côn, Phó chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, để công bố một loài mới trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành không phải là điều đơn giản, đặc biệt là các tạp chí lớn có uy tín. Để được chấp nhận đăng trên các tạp chí lớn, hội đồng khoa học của tạp chí đó cũng rất quan tâm đến uy tín của nhà khoa học là tác giả bài báo. Nếu là nhà khoa học uy tín họ sẽ dễ dàng chấp nhận đăng hơn. Đó là chưa kể, trình độ ngoại ngữ của nhà khoa học Việt Nam chưa thể đảm nhiệm việc công bố loài mới trên các tạp chí uy tín nên việc dựa vào các chuyên gia nước ngoài là điều đương nhiên.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Văn Dư, Trưởng phòng Thực vật học dân tộc, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam), người đã từng công bố hoặc tham gia công bố trên 20 loài thực vật họ ráy ở Việt Nam, để được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới, tác giả phải nộp phí công bố từ vài trăm đô la đến cả hàng nghìn đô la tùy từng tạp chí. Trong khi đó, hợp tác với các chuyên gia nước ngoài, ngoài việc họ hỗ trợ, giúp đỡ chuyên môn cho các nhà khoa học trong nước thì họ cũng sẵn sàng hỗ trợ cả kinh phí để công bố tạp chí.
BOX: “Các thông tin khoa học quan trọng trước khi công bố trên hệ thống truyền thông đại chúng cần phải được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Mọi công trình nghiên cứu khoa học nên được đánh giá và phản biện thông qua các tập san khoa học quốc tế (có tên trong danh bạ của Viện Thông tin Khoa học (Institute of Scientific Information - ISI). Người ta căn cứ vào chất lượng nghiên cứu hơn là tên tuổi của nhà khoa học để quyết định chấp nhận công bố một bài báo khoa học.
Còn vấn đề chi phí công bố thì tôi nghĩ không quá lớn để trở thành một rào cản. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhà xuất bản tính ấn phí cho mỗi trang, và giá thường dao động trong khoảng 50 đến 100 USD/trang, tuỳ theo số trang và có hình ảnh màu hay không. Nhưng có nhiều tập san miễn ấn phí cho các nước “nghèo”, và Việt Nam được xếp vào nhóm các nước nghèo (trong thực tế tôi đã từng giúp đồng nghiệp trong nước công bố trên những tập san quốc tế mà không tốn một ấn phí nào cả). (GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH Garvan, Australia)