Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ bảy, 23/11/2024 , 04:14 pm
Cập nhật : 07/07/2010 , 15:07(GMT +7)
Phân bổ nhân lực khoa học công nghệ giữa các vùng, miền còn chênh lệch
Những năm gần đây, đầu tư của Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn khá khiêm tốn…

Nhân lực trình độ cao giữa các vùng, miền còn chênh lệch

Để hoạt động khoa học công nghệ địa phương phát triển trong thời gian tới, Trưởng ban Khoa học công nghệ địa phương, Bộ Khoa học- Công nghệ Hồ Ngọc Luật cho rằng, cần đổi mới cơ chế tài chính vì khoa học công nghệ với đặc thù là tổ chức sáng tạo, do vậy, không nên ghép vào cơ chế quản lý hành chính vì như vậy sẽ kìm hãm sức sáng tạo…

Mỗi năm, khoảng 45% kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tỉnh, thành phố được giao cho các tổ chức khoa học công nghệ như các Viện, các trường Đại học thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển KT- XH được nâng lên đáng kể; người dân bước đầu có khả năng tiếp thu, vận dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các lĩnh vực sản xuất và cải thiện đời sống như ứng dụng các giống mới và tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển nhiều ngành nghề, mở ra các hướng làm ăn mới. Đồng bào miền núi đã ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ khai thác kinh tế gò đồi, trồng cây công nghiệp; ngư dân nuôi trồng hải sản theo phương pháp hiện đại, đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ...

Tuy nhiên, sự phân bổ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao giữa các vùng, miền có sự chênh lệch rất lớn. Những khu vực cần nhiều chất xám để phát triển như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... còn quá thiếu các nhà khoa học. Theo đánh giá của Trưởng ban Khoa học công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ Hồ Ngọc Luật, hầu hết các tổ chức khoa học công nghệ ở địa phương chỉ có dưới 10 cán bộ biên chế, hầu như không có cán bộ trình độ trên đại học. Có thể thấy rõ nhất là tiềm lực khoa học công nghệ địa phương còn hạn chế qua việc phát triển của các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, có 60/63 tỉnh có các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhưng 43,3% số đơn vị chưa có trụ sở chính thức, điều quan trọng là giá trị tài sản trang thiết bị của mỗi trung tâm trung bình chỉ vào khoảng 1,9 tỷ đồng. Dẫn chứng từ địa phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Long cho rằng, hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng được mục tiêu CNH - HĐH vào năm 2015 và sự vào cuộc của Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở đối với những vấn đề phát triển kinh tế chưa hiệu quả.

Kinh phí chưa được sử dụng đúng mục đích

Trên thực tế, tiềm lực của các tổ chức khoa học công nghệ địa phương còn yếu, hoạt động của các đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, ngay cả khi đã được Trung ương bố trí kinh phí cho các dự án đầu tư phát triển. Nguồn kinh phí này khi về đến địa phương, vì nhiều lý do khác nhau đã không được sử dụng đúng mục đích, đúng số lượng được phân bổ. Hiện nay, chỉ có một số ít tỉnh như Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh đã bố trí đủ 2% tổng chi ngân sách địa phương dành cho khoa học công nghệ theo đúng quy định. Còn lại đa số các tỉnh, thành phố không trích đủ 2%, hầu hết mới dành dưới 1%, thậm chí có tỉnh chỉ dành 0,2% tổng chi ngân sách, tức là ít hơn 10 lần so với quy định chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ. Trong khi đó, từ năm 2000 đến nay, QH và Chính phủ luôn duy trì tổng chi ngân sách ở mức 2% cho khoa học công nghệ và trong tổng số 2% trên thì khoảng 40 - 45% được dành cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, sự đầu tư dàn trải của hoạt động khoa học công nghệ địa phương ngoài những yếu tố khách quan còn có lý do bắt nguồn từ sự bất cập trong việc thực thi Luật Ngân sách năm 2002. Cho đến nay, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương gần như chưa tổng hợp được thực trạng đầu tư, hỗ trợ tài chính khác cho hoạt động khoa học công nghệ địa phương. Năm 2009, các tỉnh mới sử dụng hết khoảng 41% vốn đầu tư phát triển chi cho khoa học công nghệ.

Để hoạt động khoa học công nghệ địa phương phát triển, trước mắt cần tăng cường vai trò chủ động của các Sở khoa học công nghệ tại các địa phương, xây dựng cơ cấu hợp lý và xác định các loại hình nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp các chương trình, mục tiêu phát triển KT- XH của địa phương.

Trưởng ban Khoa học công nghệ địa phương Hồ Ngọc Luật kiến nghị, sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhằm tăng cường đầu tư, tập trung quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trong việc đầu tư phát triển các ngành khoa học, các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, các nhiệm vụ khoa học công nghệ có với đặc thù riêng của từng vùng miền…

ĐBND


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner