Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 01:46 am
Cập nhật : 17/04/2017 , 09:04(GMT +7)
PGS.TS Trần Đình Thiên: Việt Nam cần có cách tiếp cận độc đáo với CMCN 4.0
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) để bứt phá, phát triển.

Cuộc CMCN 4.0 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, cách hiểu về CMCN, những ảnh hưởng tác động và việc phải làm sao để tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp này cũng đang là vấn đề được các cấp lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia ngành CNTT dành nhiều sự quan tâm.

Chia sẻ tại Diễn đàn CMCN 4.0 được Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017 diễn ra ngày 3/4 vừa qua, ông và một số chuyên gia đã có dịp thuyết trình, nêu ý kiến về cuộc CMCN 4.0.

Trong tham luận “CMCN 4.0: Cơ hội, thách thức - Làm gì để Việt Nam không “lỡ tàu”?” trình bày tại Diễn đàn CMCN 4.0, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, sự hội tụ các khám phá khoa học và sáng tạo công nghệ đã dẫn đến sự ra đời của các cuộc CMCN và những nước dẫn đầu CMCN luôn phát triển vượt bạc so với các nước còn lại.

“Cuộc CMCN 4.0 hiện nay quả thực là một cơ hội lớn để chúng ta vươn lên. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải nhận thức được những đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng này và trên cơ sở đó đi đến những chương trình hành động cụ thể. Tránh tình trạng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý là ai cũng nói đến CMCN 4.0 nhưng không biết phải làm gì”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đề cập đến khái niệm CMCN 4.0 và những đặc trưng của nó, ông Thiên cho biết, có nhiều nhận định khác nhau nhưng có thể thống nhất, CMCN 4.0 là sự tích hợp cao độ của hệ thống siêu kết nối - vật lý (ảo và thực) với sự đột phá của IoT (Internet kết nối vạn vật) và Trí tuệ nhân tạo (AI). Trong CMCN 4.0, những công nghệ nền tảng như IoT, AI, in 3D… với nền tảng là CNTT đang làm thay đổi nền sản xuất thế giới; mở ra cơ hội cho từng cá nhân, tổ chức và dân tộc. Và quốc gia nào tận dụng được, phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ vượt lên, nếu không sẽ bị tụt hậu.

Cùng với chỉ rõ 5 đặc trưng cơ bản của CMCN 4.0, bao gồm: kết nối số mọi lúc mọi nơi; trí tuệ máy - robot tạo ra robot, tao ra lực lượng cạnh tranh và thay thế con người ở mọi cấp độ; thay đổi nguyên lý sản xuất - tự động hóa và “in” ra sản phẩm; tốc độ cực cao và tiến triển cực nhanh (logic “nhảy vọt” thay thế logic “tuyến tính”); phạm vi tác động bao trùm, toàn diện, ông Thiên cũng chỉ rõ cuộc CMCN 4.0 mang lại vô tận cơ hội và nhưng cũng đưa đến vô vàn thách thức.

Cụ thể, theo ông Thiên, CMCN 4.0 tạo ra năng lực mới, nhu cầu mới, phương thức mới, gắn với năng lực sáng tạo vô tận của trí não (không phải năng lực hữu hạn của cơ bắp) con người, từ đó mở ra không gian phát triển vô tận. Đồng thời, cuộc CMCN này cũng làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau; hình thành một hệ phát triển với logic mới - khác “Cơ hội là vô tận, năng lực cá thể là hữu hạn, do đó thách thức lớn chưa từng thấy”, ông Thiên lưu ý.

Trên cơ sở phân tích những tác động mạnh mẽ và toàn diện của CMCN 4.0 đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường cũng như các thách thức về đạo đức - văn hóa, an ninh mạng và quản trị xã hội, người đứng đầu Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra tác động tiềm năng của CMCN 4.0 đến phát triển Việt Nam.

Ông Thiên cho biết: “Trước CMCN 4.0, Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ dồi dào nên hưởng lợi từ sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam; từ chiến lược “Trung Quốc + 1” của các công ty xuyên quốc gia và đa quốc gia; từ việc tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi những điều trên, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ cũng cũng như lợi thế địa kinh tế khi đưa công nghệ chế tạo quay lại các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ và các Trung tâm R&D”.

Mặc dù chỉ rõ 2 thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt chính là áp lực “tụt hậu - hội nhập” (tụt hậu nhưng phải hội nhập với thế giới công nghệ cao) và áp lực cạnh tranh với thế giới toàn cầu hóa - công nghệ cao, tuy nhiên ông Thiên cũng cho biết: “Các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tiến vượt và đi đầu trong cuộc CMCN 4.0. Chúng tôi cũng rất nhất trí với logic mà anh Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel nêu ra, đó là Việt Nam có lợi thế của người đi sau, do chúng ta không vướng bận thành tích trong quá khứ nên có thể đi nhanh vượt lên trước”.

Trên cơ sở nhận thức cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của toàn dân, cuộc cách mạng về phát hiện vấn đề và nhu cầu và Việt Nam muốn đón nhận thì phải đi trước, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh, quyết tâm “lên tàu 4.0” sớm sẽ tạo lợi thế cạnh tranh và vị thế mới cho chúng ta; đồng thời việc đào tạo kỹ năng và chứng chỉ 4.0 cần phải đi trước một bước.

Nói về những việc cần làm để Việt Nam có thể bắt kịp CMCN 4.0, ông Thiên cho rằng, Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược chuyển đổi số; quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiện đại), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng; tạo nguồn nhân lực số; xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; và xây dựng đô thị thông minh.

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 ban hành ngày 7/4/2017, đề cập đến báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Bộ KH&CN và các chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nghiên cứu và trình bày tại phiên họp này, Chính phủ nhận định, CMCN 4.0 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển.

Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của CMCN 4.0, trước hết là có bước đột phá về CNTT. Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan liên quan và VINASA xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2017

 

 

 

 

Nguồn tin: ictnews

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner